Ra đời trong những ngày bão táp của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngay từ những ngày đầu thành lập, lực lượng Công an nhân dân, Công an Thủ đô nói riêng đã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Ngày nay, phát huy truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam, công tác này ngày càng được đổi mới để phục vụ nhân dân tốt hơn.
1. Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực mới giải phóng. Thi hành Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch nước, ngày 18-4-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định số 121/NĐ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Việt Nam Công an Vụ gồm 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh. Các Sở Công an kỳ có 1 văn phòng và các phòng trực thuộc, trong đó có Phòng Trật tự; ở Ty Công an các tỉnh có văn phòng và các ban, trong đó có Ban Trật tự làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, trật tự vệ sinh, trật tự giao thông, kiểm soát giấy tờ, cấp thẻ căn cước, quản lý hộ khẩu… Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của lực lượng Cảnh sát trị an - tiền thân của lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự, bên cạnh các lực lượng công an khác như đấu tranh phòng chống tội phạm…
Phát huy vai trò quản lý nhà nước về an ninh trật tự, tháng 7-1953, Bộ Công an đề xuất Chính phủ chế độ đăng ký quản lý hộ khẩu. Sổ hộ khẩu đã trở thành “vật bất ly thân” của nhiều gia đình trong một thời gian dài và sứ mệnh của nó đã kết thúc vào ngày 31-12-2022, khi Chính phủ chính thức đồng ý đề xuất của Bộ Công an chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang công nghệ số - quản lý công dân bằng mã số định danh cá nhân trên môi trường không gian mạng.
2. Đặc biệt, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đã triển khai thực hiện thành công Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là những Dự án, Đề án có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thay đổi phương thức làm việc từ thủ công sang hiện đại; góp phần làm thay đổi xã hội, mở ra trang sử mới cho lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH. Trong đó, Đề án 06 có vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng hết sức to lớn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, góp phần phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
Tháng 3-2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Việc thực hiện Đề án 06 đã tiếp tục khẳng định rõ sự cống hiến của lực lượng Công an đối với đất nước, khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới. Nhận thức rõ giá trị của Đề án 06 mang lại, với danh dự và tinh thần của người chiến sĩ Công an Thủ đô, toàn Công an thành phố Hà Nội đã khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện Đề án 06 đến từng cấp, tập trung vào lực lượng công an cơ sở. Các tổ cộng đồng đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân, lắng nghe những ý kiến phản hồi của công dân để rút kinh nghiệm, sửa đổi sao cho Đề án được vận hành một cách trôi chảy.
Ngay trong nhiệm vụ đầu tiên khi đó, Công an thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn tất việc xác định định danh điện tử cho công dân trong độ tuổi sinh năm 2004, 2007 để phục vụ kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông và đại học; đồng thời đến hết tháng 6-2022 đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chíp cũng như định danh điện tử cho công dân từ đủ 14 tuổi đến 23 tuổi. Hàng trăm dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự.
Hơn 2 năm qua, giữ vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an các đơn vị, một mặt tham mưu cho UBND các cấp, mặt khác trực tiếp tham gia triển khai thực hiện Đề án 06. Các tổ cộng đồng được thành lập ở cấp cơ sở, nòng cốt vẫn là lực lượng Công an. Cả Tổ công tác và Ban Chỉ đạo đều trong guồng quay công việc “làm ngày, làm đêm”, nỗ lực đáp ứng tiến độ Đề án. Những cuộc giao ban diễn ra thường xuyên, đánh giá tiến độ thực hiện, làm rõ những khó khăn, hướng giải quyết và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo. Nhờ đó, thúc đẩy sự chuyển động của các cấp, ngành và trong chính lực lượng Công an nhân dân; các hạng mục của Đề án dần thành hình theo đúng mục tiêu, yêu cầu.
Lực lượng Công an Thủ đô đã tập trung “làm sạch” dữ liệu và duy trì thường xuyên, hằng ngày việc bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư, bảo đảm luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Việc thực hiện Đề án 06 được coi là “mệnh lệnh chiến đấu”, kỷ luật công tác của lực lượng Công an, trước sau như một, bám sát tinh thần “vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” để làm một cách quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
3. Giữa thời bình mà lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an Thủ đô nói chung vẫn đi “chiến dịch” với tinh thần vì nhân dân mà đổi mới, vì nhân dân mà phục vụ. Nếu như tháng 3-2021, giữa những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng Công an Thủ đô cùng với công an cả nước thực hiện “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an phát động thì hôm nay, giữa những ngày tháng 8 lịch sử, họ lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới, tuy không áp lực như “chiến dịch” trước, nhưng cũng không kém vất vả. Ngày 1-7-2024, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành. Luật mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước là toàn bộ công dân từ 0 tuổi trở lên, nghĩa là một đứa trẻ mới chào đời, được Sở Tư pháp cấp mã số định danh công dân thì cũng có luôn thẻ căn cước. Để Luật Căn cước đi vào đời sống, ngày 24-7-2024, Công an thành phố Hà Nội đã phát động đợt cao điểm thi hành Luật Căn cước, trong đó tập trung vào việc thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân, nhất là lứa tuổi dưới 14. Không đặt nặng áp lực chỉ tiêu, nhưng nhận thấy sự tiện lợi của thẻ căn cước, nhiều người dân đã tranh thủ đi làm hồ sơ. Và, những người Cảnh sát quản lý hành chính lại sẵn sàng phục vụ nhân dân bất kể ngày đêm...
79 năm góp phần không nhỏ vào việc ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH nói riêng luôn khẳng định vị trí, vai trò của mình trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.