Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vệ tinh Việt Nam rời trạm vũ trụ

Hương Thu| 05/10/2012 08:21

Tối qua (4.10), vệ tinh của Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Đại học FPT đã rời trạm vũ trụ quốc tế (ISS), bắt đầu thực hiện sứ mệnh trong không gian.


Lúc 22h45 giờ Hà Nội, vệ tinh F-1 được thả ra từ cơ cấu phóng số 2 do trạm mặt đất Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) điều khiển cánh tay robot.

“Tôi rất hạnh phúc khi F-1 rời ISS thành công. Chúng tôi đã chờ đợi thời khắc này gần 4 năm nay”, Trương Ngọc Khánh, thành viên nhóm FSpace nói. “Nhưng để biết F-1 có hoạt động, chúng ta còn phải chờ vệ tinh phát những tín hiệu đầu tiên vào hôm nay”.

Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên cứu FSpace nhận định, việc thả thành công F-1 ra ngoài không gian là mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ.

Vệ tinh F-1 ở giữa cùng 2 vệ tinh nhỏ khác rời ISS bằng cánh tay robot.
Ảnh chụp từ clip của JAXA.


Rời khỏi ISS, F-1 phải chờ tối thiểu 30 phút mới bắt đầu thực hiện các công việc đầu tiên như bung ăngten, phát tín hiệu đảm bảo không gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên trạm ISS. Trong quá trình đó, pin của vệ tinh sẽ được các tấm pin mặt trời sạc trong vòng vài giờ đến vài ngày cho đầy. Khi pin đầy, nguồn điện trên vệ tinh được đảm bảo và vệ tinh bước vào hoạt động bình thường.

Khi hoạt động, vệ tinh luôn phát ra sóng radio chứa thông tin về tên và các thông số đặc trưng. Các trạm thu radio ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt trái đất cũng có thể thu được tín hiệu này và giải mã để biết F-1 bay qua vị trí đó.

Dựa vào số liệu tiên đoán quỹ đạo bay, có đối chứng với vị trí các trạm thu và thời điểm thu tín hiệu F-1, nhóm FSpace sẽ biết trước khi nào vệ tinh đi qua trạm đặt tại nóc nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thu tín hiệu, FSpace đã hoàn tất việc chuẩn bị cho thu tín hiệu vệ tinh, kiểm tra và hiệu chỉnh lại trang thiết bị trạm mặt đất.

Theo tiến sĩ Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Công nghê, Đại học FPT, F-1 phát tín hiệu sẽ khẳng định được thiết kế, quy trình chế tạo, thử nghiệm vệ tinh nano mà nhóm nghiên cứu thực hiện có hoạt động tốt trong không gian hay không. Từ đó mở ra cơ hội cho FSpace hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế ở các dự án chế tạo vệ tinh khác.

Vệ tinh tự chế tạo của Việt Nam vào không gian ngày 21/7 trên tàu vận tải từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản. F-1 mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ, thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người và một số bài hát kỷ niệm.

Kế hoạch thả vệ tinh F-1 ra ngoài không gian hôm 27/9 từng hoãn lại do một trục trặc trong kế hoạch của một tàu vận tải trên trạm.

Dự án chế tạo vệ tinh F-1 được khởi động từ 4 năm trước nhờ sự giúp đỡ của tập đoàn FPT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Vũ trụ Quốc tế (IAF), Văn phòng các vấn đề vũ trụ Liên Hợp Quốc (UNOOSA) va nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Sự kiện F-1 được thả vào vũ trụ ghi thêm một dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ còn non trẻ của Việt Nam, từng bước làm chủ quy trình công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vệ tinh Việt Nam rời trạm vũ trụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.