Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vệ sinh thực phẩm tại các làng nghề: Không ai chịu trách nhiệm

Ngọc Quỳnh - Sơn Tùng| 29/01/2013 06:41

(HNM) - Các làng nghề chuyên chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội những ngày giáp tết, không khí sôi động hơn hẳn. Song vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ô nhiễm môi trường vẫn là mối lo thường trực...

Cả xã Dương Liễu (Hoài Đức) thành nơi tập kết củ dong riềng.


Chế biến nông sản: Thủ phạm gây ô nhiễm

Xã Cát Quế (Hoài Đức), sôi động trong mùa làm ăn với sự hối hả của hàng trăm xe tải lớn nhỏ chuyên chở các sản phẩm chế biến từ sắn, dong riềng. Ngay sát Cát Quế, xã Dương Liễu cũng như một xưởng sản xuất lớn, các con đường từ đầu chợ Sấu đến cuối xã đều được dùng để tập kết củ dong riềng, củ sắn... Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Hồ Thị Huê cho biết: Cả xã có 25 ngành nghề với 1.069 hộ gia đình tham gia, trong đó chủ yếu là sản xuất, chế biến tinh bột sắn, nha, miến, bánh kẹo - "thủ phạm" gây ô nhiễm môi trường nặng nhất. Mỗi năm các ngành nghề này thải ra môi trường khoảng 63.000 tấn chất thải hữu cơ và 1 triệu mét khối nước thải. Rác thải cũng đang trở thành gánh nặng cho xã. Trung bình mỗi ngày trên địa bàn xã Dương Liễu có tới 1.273 tấn rác, chủ yếu là chất thải từ sản xuất tinh bột sắn thô, chế biến dong riềng…

Ông Ngô Văn Minh, cán bộ phụ trách làng nghề xã Dương Liễu cho rằng, dù số hộ sản xuất tinh bột sắn, dong riềng chỉ chiếm khoảng 10%, nhưng đây lại là nghề gây ô nhiễm nặng nhất, làm cho nguồn nước
của xã và các khu vực lân cận biến thành màu đen, bốc mùi nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Tuy xã đã quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư, nhưng các hộ này không chuyển ra vì lãi suất thấp, không đủ kinh phí thuê mặt bằng. Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương cũng đã vận động người dân làm sạch củ dong riềng trước khi mang về xã tập kết, nhưng có hộ dân vì lợi nhuận còn xúc thêm đất đổ vào cho nặng cân, khiến cho đường làng, ngõ xóm ở đây luôn nhớp nháp bụi đất.

Ở làng nghề chế biến nông sản xã Hữu Hòa (Thanh Trì) lại "mệt mỏi" ở khía cạnh khác. Hàng ngày tất cả các xe chở nguyên liệu, hàng hóa đều phải chen nhau qua một con đường độc đạo, bề ngang chỉ rộng hơn 2m khiến việc đi lại luôn ách tắc. Không gian chật chội, người dân đã tận dụng từng mét vuông đất trống để phơi miến, bất kể đó là rãnh thoát nước, nhà văn hóa hay cạnh đường giao thông... Do vậy, việc bảo đảm ATVSTP hiển nhiên là điều không tưởng.

Miến được phơi ở khắp mọi nơi là hình ảnh thường thấy ở các làng nghề chế biến thực phẩm.


Hãi hùng thực phẩm bẩn

Cảnh tượng đầu tiên khi bước chân vào các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm ở khu vực ngoại thành Hà Nội là những mảnh bột dong, bột sắn ngổn ngang trên các tấm nilon hoặc những mảnh vải cũ kỹ, thậm chí ngay trên mặt đường, ruồi nhặng bâu kín. Những sản phẩm này sáng mang ra hong phơi, chiều lại mang về, không hề được che đậy, bảo quản, mặc cho các phương tiện, xe cơ giới qua lại cuốn bụi, phả đất vào. Ngay cả những thành phẩm như bánh đa, bánh phở, mì, miến… cũng được người dân vô tư đặt trên các phên tre, nứa phơi khắp đường làng, ngõ xóm, gần cống rãnh thoát nước, thậm chí phơi ngay cạnh bãi rác thải. Tại cơ sở sản xuất của chị Hoàng Thị Phương, ở xã Minh Khai, chúng tôi thấy có một đống tinh bột đã được chủ cơ sở mua ở nơi khác về đang chuẩn bị cho vào máy tráng thành bún khô đặt la liệt dưới nền cùng với tấm bạt cũ kỹ lẫn đất, bên cạnh là một thùng nước màu đỏ. Theo quan sát của chúng tôi, nếu không có chất tẩy thì sản phẩm chắc chắn sẽ không thể trắng, đẹp mắt như vậy.

Ở cơ sở sản xuất bánh kẹo Hải Hằng, xã Minh Khai cũng vậy. Trong khuôn viên rộng hơn 200m2, hàng chục thùng đựng nha cáu bẩn được đặt bên cạnh thùng gỗ, cát tông, các bao tải, thợ đeo những đôi găng tay cũ, rách… Những ngày giáp tết, cơ sở này cung cấp khoảng 2 tấn nhân làm bánh kẹo cho các nhà máy. Với cách sản xuất như vậy, liệu những bánh kẹo mà người tiêu dùng sử dụng có bảo đảm chất lượng ATVSTP? Đặc biệt, theo số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Kỹ thuật ATVSTP (Đại học Bách khoa Hà Nội) tại các cơ sở sản xuất miến dong, bún khô và bánh phở khô ở các xã Minh Khai, Dương Liễu… có tới 15% cơ sở có chuồng lợn gần khu vực sản xuất; 100% sản phẩm được phơi vào phên tre, nứa bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải; 100% cống thoát nước thải công cộng chưa có nắp đậy, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan. Tất cả những người trực tiếp tham gia sản xuất không đội mũ che tóc, không đeo khẩu trang; 50% các hộ dùng chất tẩy trắng bột bằng natri hydrosulphat, axit HCL, thuốc tím; 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột...

Việc phát triển làng nghề đã giúp các địa phương thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, song đi kèm với nó là ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Để làng nghề phát triển bền vững, các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về kỹ thuật, biện pháp xử lý chất thải, xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề tập trung để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vệ sinh thực phẩm tại các làng nghề: Không ai chịu trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.