(HNM) - Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, lưu lượng người dân đến các địa điểm vui chơi công cộng, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến, đi kèm với đó là nhu cầu gửi xe máy, ô tô rất lớn, và đáng tiếc là tình trạng tùy tiện nâng giá trông giữ xe vẫn xảy ra...
Điểm trông giữ xe miễn phí do UBND - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Tây Hồ tổ chức ở phủ Tây Hồ. |
Những ngày Tết, người dân đổ về các địa điểm như: Phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cụm đình, chùa, Bia Bà La Khê (Hà Đông)… vẫn khá đông. Tại khu vực phủ Tây Hồ, năm nay UBND - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Tây Hồ đã đứng ra tổ chức trông giữ xe miễn phí tại khu đất trống ở cạnh cổng ra vào phục vụ người dân. Việc làm này được nhiều người dân ủng hộ, bày tỏ phấn khởi. Tuy nhiên, ở ngay các đường dẫn vào phủ Tây Hồ vẫn “mọc” lên nhiều điểm trông xe không phép. Những người trông giữ xe ở đây đứng dưới lòng đường mời chào, hoặc chặn các phương tiện để chỉ dẫn đưa xe vào các điểm trông giữ tự phát. Nhiều người do không biết có chủ trương của UBND quận Tây Hồ về các điểm trông giữ xe miễn phí nên đã bị các điểm trông giữ tự phát thu trung bình 20.000 đồng/xe máy và 50.000 đồng/ô tô, thậm chí cao hơn.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sáng mùng 1 Tết, bãi trông giữ phương tiện ở đây đều kín xe. Vậy nhưng, nhiều người thắc mắc khi không thấy giá trông giữ niêm yết trên bảng hoặc trên vé, mà lúc trả tiền đều bị thu 10.000 đồng/xe máy, 50.000 đồng/ô tô.
Trong khi đó, tại cụm di tích đình, chùa, Bia Bà La Khê (Hà Đông), tình trạng trông giữ phương tiện với “giá Tết” cũng diễn ra tương tự. Sáng mùng 4 Tết, phóng viên ghi nhận ở cả hai trục đường chính (đường Quang Trung và Lê Trọng Tấn) dẫn vào, đã và đang xảy ra tình trạng bát nháo dịch vụ trông giữ xe khi nhiều nhà gần mặt tiền đua nhau nhao ra đường chào mời khách đưa xe vào gửi. Thêm vào đó, do trục hai đường này khá hẹp, cộng với số lượng người đi lễ đầu năm tăng cao, hàng quán đua nhau lấn chiếm lòng lề đường... khiến khu vực trước cổng dẫn vào cụm đình, chùa này càng thêm nhộn nhạo. Tránh bãi xe tự phát, phóng viên cho xe vào gửi tại bãi trông giữ xe chính thức do Hợp tác xã La Khê đứng ra tổ chức. Song cũng tương tự, dù giá vé được in là 3.000 đồng/lượt đối với xe máy nhưng những người trông giữ tại đây vẫn thu 10.000 đồng. Không những vậy, điểm trông giữ này còn sử dụng vé xe quay vòng.
Tại Tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa), không có điểm trông giữ chính thức, vì vậy cả một dải vỉa hè dọc hai bên cổng Tổ đình được người dân địa phương tận dụng để tổ chức trông giữ phương tiện. Tất cả các điểm trông giữ này đều là tự phát và sử dụng vé xe tự tạo. Họ tự chia nhau một phần vỉa hè để tận thu tiền gửi xe của người dân. Tình trạng đội giá cũng diễn ra khi các xe đến gửi tại đây phải trả với mức phí từ 15.000 đến 20.000 đồng/xe máy. “Tết mà!”, là câu trả lời của họ khi bị thắc mắc “Sao thu cao thế?”. Điều đáng nói là, trước cổng khu vực, dù có xuất hiện công an song lực lượng này chủ yếu vẫn chỉ đứng trực, nhắc nhở người dân không dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường.
Để chấn chỉnh tình trạng “chặt chém”, thu phí sai quy định, cuối năm 2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-UBND quy định về giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn thành phố, áp dụng từ ngày 1-1-2017. Theo lãnh đạo Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội, lực lượng Thanh tra Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng như tài chính, công an, các quận, huyện tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý các điểm trông giữ xe không phép, sai phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thu quá giá quy định, nhất là các khu vực trung tâm thương mại, các điểm vui chơi, giải trí, đền chùa… nhằm hạn chế tối đa các vi phạm trông giữ xe trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế trong những ngày qua, tình trạng “đội giá” tùy tiện tại nhiều điểm trông giữ xe vẫn tiếp tục diễn ra. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.