(HNM) - Tạo cơ hội để mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, ở mọi cấp độ... là mục tiêu tổng quát của việc xây dựng xã hội học tập (XHHT) được nêu rõ trong đề án Xây dựng XHHT do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, song thực tế chưa đạt như mong muốn.
Ngày 7-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm kiểm điểm các nguyên nhân, xác định rõ giải pháp để triển khai có hiệu quả hơn đề án này trong giai đoạn tới.
Hầu hết chỉ tiêu không đạt
Thông tin tổng hợp của Bộ GD-ĐT qua 5 năm thực hiện đề án "Xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010" cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đều không đạt. Đây đều là những chỉ tiêu quan trọng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tổng quát của đề án, có ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển kinh tế -
xã hội tại địa phương.
Trước hết là chỉ tiêu xóa mù chữ, mục tiêu phấn đấu có 98% số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ vào năm 2010. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ này ở các địa phương mới đạt 94%. Trong đó, riêng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-35 chỉ đạt gần 92%, thấp hơn 7% so với mục tiêu. Có tới 13 tỉnh chưa hoàn thành chỉ tiêu này, thậm chí có nơi như Hà Giang mới có 68% người biết chữ.
Chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh khó khăn ngoài nhà trường trong độ tuổi từ 6 đến 10 đi học trở lại trên toàn quốc mới đạt 33%, bằng một nửa so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ này ở độ tuổi từ 15 trở lên cũng chỉ chiếm 34%, còn xa mới đạt mục tiêu (55%). Kết quả này dựa trên số liệu báo cáo từ các địa phương, còn theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành GD ở địa phương đối với công tác xóa mù chữ hiện nay không còn ráo riết, quyết liệt như những năm trước. Vì vậy, kết quả xóa mù chữ chưa bền vững, số người được huy động ra học các lớp xóa mù chữ hằng năm giảm dần. Tại một số địa phương, số người tái mù chữ có chiều hướng gia tăng như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai...
Việc nâng cao trình độ về văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị… cho người lao động chỉ đạt 57%, trong khi mục tiêu là 100%. Cả nước chỉ có 3 tỉnh đạt được chỉ tiêu này và còn 11 tỉnh chỉ đạt mức dưới 20%. Đây là chỉ tiêu gây lo ngại nhất bởi yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hội nhập kinh tế ngày càng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt về chất lượng nguồn nhân lực.
Đâu là giải pháp?
Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã, phường, thị trấn được coi là "trường học của nhân dân", là thiết chế quan trọng góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở. Nhận thức được điều này, 5 năm qua, các địa phương đã bổ sung gần 5.700 TTHTCĐ, đạt tỷ lệ gần 94% xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ, vượt mục tiêu 14%. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mạng lưới TTHTCĐ phát triển nhanh về số lượng, nhưng có những nơi TTHTCĐ không đủ điều kiện để tổ chức hoạt động; gần 70% số trung tâm chưa có trụ sở riêng, đội ngũ quản lý yếu...
Kinh nghiệm của Hà Nội - nơi có tỷ lệ 100% về chỉ tiêu này là không chỉ quan tâm về mặt kinh phí xây dựng mà còn kịp thời hỗ trợ đội ngũ những người tham gia điều hành TTHTCĐ. Theo đó, mỗi TTHTCĐ khi thành lập được cấp 40 triệu đồng; phụ cấp 0,4 và 0,3 mức lương tối thiểu cho giám đốc, phó giám đốc TTHTCĐ. Điều quan trọng là các trung tâm này được cấp ngân sách hoạt động hằng năm, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động và lôi cuốn người dân tham gia.
Một vấn đề quan trọng khác được đề cập là chế độ, chính sách để thu hút người đi học còn hạn chế, khiến tình trạng tái mù chữ trở lại và ít người lao động muốn đi học. Thực tế, việc vận động người lao động ở các khu công nghiệp đi học rất khó khăn. Lý do có từ hai phía: thu nhập của người lao động thấp, lại phải đóng học phí, thậm chí có thể mất việc sau khi học xong; phía doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc này, khó xoay xở nhân lực khi thiếu người trong dây chuyền sản xuất... Người đi vận động xóa mù và người học xóa mù ngày càng giảm nhiệt huyết bởi không có hỗ trợ cần thiết. Thực tế ấy đòi hỏi cần sớm có hành lang pháp lý và cơ chế về học tập suốt đời, xây dựng XHHT từ cơ sở, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa Nhà nước - chủ sử dụng lao động - người lao động; có phân định rạch ròi về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên trong quá trình đào tạo và sử dụng nhân lực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: TTHTCĐ là thiết chế quan trọng, là hạt nhân gắn kết các lực lượng để đẩy mạnh xây dựng XHHT; ngành GD-ĐT và Hội Khuyến học cần xác định rõ vai trò của mình trong việc xây dựng XHHT; yêu cầu các cơ sở giáo dục chính quy cùng tham gia vào việc đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động. Để triển khai hiệu quả việc xây dựng XHHT từ nay tới năm 2020, các địa phương cần chủ động đăng ký chỉ tiêu trên cơ sở điều kiện thực tế và khả năng, bảo đảm tính khả thi; giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh kinh phí cho phù hợp để đạt hiệu quả, trong đó ưu tiên cho 13 tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Bộ GD-ĐT có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo đề án Xây dựng XHHT giai đoạn từ nay đến năm 2020 xong trước ngày 30-9 để trình Chính phủ phê duyệt. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.