Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn nhiều khó khăn

Nguyễn Mai| 18/07/2018 07:08

(HNM) - Sau gần 5 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1788-QĐ/TTg, đã có 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước được

Khói bụi là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường không khí.


Chưa xử lý triệt để


Ngày 1-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1788-QĐ/TTg (Quyết định số 1788), phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, với mục tiêu chung: Rà soát, phát hiện và tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 13 cơ sở chưa hoàn thành xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ và 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và các cơ sở mới phát sinh; hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và phấn đấu đến năm 2020 không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thực hiện kế hoạch trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực cùng với các bộ, ngành liên quan và địa phương tổ chức triển khai, hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao ý thức, tạo chuyển biến trong xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, tiến độ xử lý các cơ sở này vẫn chậm, đặc biệt đối với cơ sở thuộc khu vực công ích, gây ra nhiều bức xúc, đồng thời làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường…

Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy đến hết năm 2017, cả nước có 209/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để, đạt tỷ lệ 44%. Như vậy, thời gian triển khai đã được 5 năm, chỉ còn gần 2 năm nữa sẽ kết thúc, nhưng với tiến độ như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại kế hoạch trên sẽ khó hoàn thành đúng mục tiêu đề ra.

Ông Đỗ Đức Thành, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội tuy không nhiều cơ sở phải xem xét, song công việc cũng không đơn giản. Trên địa bàn có 3 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 1788, thời hạn xử lý trong 2 năm (2017-2018) gồm: Bệnh viện Nam Thăng Long; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, đến nay mới có 1 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; còn lại đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Luật Bảo vệ môi trường.

Tháo gỡ để chương trình kịp tiến độ

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để.


Theo Tổng cục Môi trường, việc triển khai xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế do một số bộ, ngành, địa phương chậm vào cuộc, thiếu quyết liệt. Trong khi đó, các đơn vị, cơ sở, nhất là cơ sở hoạt động công ích chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng kinh phí trong việc xử lý ô nhiễm. Một số cơ sở gây ô nhiễm còn ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp, do hậu quả của việc quá chú trọng phát triển kinh tế mà chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, năng lực, nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn yếu kém, trong khi năng lực và các nguồn lực cần thiết của hệ thống các cơ quan quản lý, cũng như lực lượng giám sát thi hành về bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và có hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát vi phạm về môi trường...

Khắc phục những khó khăn, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về môi trường, Tổng cục sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng chú ý, để tháo gỡ khó khăn về kinh phí đầu tư, ngày 3-7-2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 807-QĐ/TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, tổng kinh phí dành cho chương trình này là 535 tỷ đồng với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 1788); thu gom, tiêu hủy thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu và cải thiện, phục hồi môi trường đối với 70 điểm tồn lưu bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu gây ra; đầu tư xây dựng 3 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, Bộ sẽ cụ thể hóa quyết định trên để đẩy mạnh chương trình cho kịp tiến độ và hiệu quả. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.