(HNM) - Dự báo nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm của người dân Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, hiện nay hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát...
Việc giết mổ tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Nỗi lo mất an toàn
Bất chấp sự kiểm soát của cơ quan chức năng, trong khoảng thời gian từ 4h đến 6h và từ 14 đến 15h hằng ngày, không ít tiểu thương vẫn đến mua thịt lợn tại lò mổ tự phát trên địa bàn phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đưa về các chợ dân sinh tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Đông, chuyên thu mua thịt lợn ở đây cho hay, 100% tiểu thương đến lò mổ mua lợn để nguyên cả con sau giết mổ vắt ngang qua xe máy chở đến chợ dân sinh pha lóc, bán lẻ.
Thực tế, việc vận chuyển lợn đã giết mổ bằng xe máy không che chắn, không có thùng bảo quản gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, số lượng thịt lợn được vận chuyển bằng xe chuyên dụng bảo quản thực phẩm rất ít. Theo quy định, khâu vận chuyển thịt gia súc, gia cầm trong quá trình lưu thông phải sử dụng thùng kín để bảo quản.
Theo ông Trần Hồng Quang, phường Quang Trung, quận Hà Đông, việc sử dụng xe máy để chở thịt lợn từ cơ sở giết mổ đến các chợ dân sinh vào dịp Tết Nguyên đán chiếm tỷ lệ khá cao. Bất kể trời mưa, nắng… các xe máy được sử dụng để vận chuyển thịt lợn đều không có thùng mát, thùng kín bảo vệ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn và giảm chất lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày, người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 900 tấn thịt gia súc, gia cầm. Theo tính toán, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của người dân Hà Nội tăng khoảng 30% so với những ngày bình thường. Nhưng hiện nay, cơ quan chức năng thành phố mới kiểm soát được khoảng 492 tấn/ngày, đáp ứng 55% nhu cầu tiêu thụ. Phần còn lại, được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, nhỏ lẻ hoặc nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Đa số các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 988 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 937 cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ; 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 7 cơ sở giết mổ công nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp chỉ hoạt động được từ 30 đến 70% công suất thiết kế. Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh chia sẻ, cơ sở giết mổ gia súc của đơn vị đầu tư hàng chục tỷ đồng với đầy đủ các trang thiết bị để giết mổ công nghiệp, nhưng mới hoạt động được 30% công suất. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có cán bộ thú y kiểm soát tại các địa phương vẫn ung dung hoạt động...
Cần siết chặt quản lý
Giết mổ công nghiệp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai). Ảnh: Linh Ngọc |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn chỉ rõ, những hạn chế, bất cập trong hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố thời gian qua chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân cơ quan chức năng và các cấp chính quyền ở cơ sở buông lỏng quản lý. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố. “Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố xử lý nghiêm tình trạng thương lái sử dụng xe máy chở thịt gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức của người dân trong khâu vận chuyển sản phẩm thịt, bảo đảm vệ sinh và chất lượng đến tay người tiêu dùng. Chi cục cũng tăng cường lực lượng cán bộ thú y trực tại các lò mổ và kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ tập trung; tổ chức ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch bệnh với 100% cơ sở...” - ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là sản phẩm thịt gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, các đơn vị trực thuộc Sở ngoài việc triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sẽ áp dụng chế tài xử phạt các hộ chăn nuôi cố tình không báo với cơ quan chức năng, mà giết mổ chui gia súc, gia cầm bị bệnh để bán tháo ra thị trường. Về phía chính quyền các quận, huyện, thị xã thời điểm trước và sau Tết, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện các hoạt động giết mổ nhỏ lẻ tự phát tại địa bàn, có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa các vi phạm.
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đến năm 2020, toàn thành phố giảm khoảng 50% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.