Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học du ký lên ngôi?

Thi Thi| 21/10/2012 07:10

(HNM) - Không phải bây giờ mới có, nhưng mươi năm gần đây, nhiều cây bút cả lứa 8X, 7X đến lớp lão làng đã cho trình làng những tác phẩm văn học dạng du ký nhiều hấp dẫn.

Đó là tác phẩm của Ngô Thị Giáng Uyên, Nguyễn Phan Quế Mai, lão nhà báo Phan Quang, hay cô bé "Huyền chíp" vừa gây xôn xao làng sách với cuốn "Xách ba lô lên và đi". Ngay cả văn học dịch cũng chú ý đến những tác phẩm dạng này, trong đó mới nhất là cuốn "Phương Đông lướt ngoài cửa sổ" - một cuốn sách du ký kinh điển được viết từ đầu những năm 1970…

Một số tác phẩm văn học du ký đang được bạn đọc ưa chuộng.

Sức hấp dẫn của những bước chân

Đi vốn là thuộc tính của nhà văn. Văn học du ký không phải bây giờ mới có, và ngay cả trong nhiều tác phẩm không hẳn nằm trong dạng du ký, nhưng chất "ký" vẫn ăm ắp, dẫn dụ người đọc cùng trải nghiệm với tác giả.

Mươi năm gần đây, sự hội nhập, phong trào du học đã khiến nhiều người trẻ có cơ hội một bước là ra thế giới. Những 8X, 9X đi chừng vài chục nước trên khắp Á, Âu, Phi không còn là chuyện lạ nữa. Họ đã đón nhận những điều mới mẻ với tất cả giác quan và sự nhạy cảm của tuổi trẻ. Ngô Thị Giáng Uyên (sinh năm 1981) viết "Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương", "Bánh mì thơm, cà phê đắng" với không khí của cái sự khám phá thế giới đầy phơi phới ấy. Đọc tác phẩm, người ta thấy mình trẻ lại, sống dậy khí thế hừng hực một thời rằng phải đi đây đi đó. Nguyễn Phan Quế Mai (sinh năm 1973) viết "Từ tuyết đến mặt trời" thực ra chỉ mới là một phần trong chuỗi du ký dài, sống động của chị - một sinh viên du học ở Australia đầy năng động, một nhà hoạt động xã hội, vợ của một nhà ngoại giao người Đức cứ vài năm lại đến công tác ở một quốc gia mới. Rồi nhà văn, nhà báo Phan Quang, một cây bút lớn của làng văn, làng báo cũng mang đến cho bạn đọc bộ ba tác phẩm du ký nhiều thú vị của ông gồm "Bên mộ vua Tần", "Thơ thẩn Paris", "Chia tay trên sông". Mới đây nhất, cô bé thuộc thế hệ 9X Nguyễn Thị Khánh Huyền làm xôn xao làng sách với cuốn "Xách ba lô lên và đi" - chia sẻ hành trình qua chừng 25 nước trên thế giới của cô. Cuốn sách cũng đã chạm đến một niềm khao khát tự nhiên nhất của tuổi trẻ là đi, khám phá những điều mới mẻ, thể hiện thật đúng là mình… Nếu như năm 2006, một cuốn sách du ký bán được 3 nghìn bản trong vòng ba tháng đã được xem như kỷ lục phát hành của thể loại này thì mới đây, một tác phẩm du ký khác đã phát hành được 5 nghìn bản trong tuần đầu ra mắt.

Văn học du ký trong nước rộn ràng như vậy có thể cũng là một lý do để tác phẩm dịch dạng này ra mắt bạn đọc. "Phương Đông lướt ngoài cửa sổ" do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành là một ví dụ. Paul Theroux viết cuốn sách này sau khi ông thực hiện chuyến đi vòng quanh Châu Á năm 1973. Hôm nay, sau gần 4 thập kỷ, ấn bản tiếng Việt cuốn sách có mặt ở Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của câu chuyện từ những bước chân du ký.

Những chuyến đi trong tâm tưởng

Phải nói là những tác phẩm văn học du ký đang rất được chú ý. "Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương" của Giáng Uyên ra mắt 6 năm nay, sau những lần tái bản vẫn tiếp tục được bạn trẻ tìm kiếm. Nguyễn Thị Khánh Huyền thì không những sắp ra tập hai của cuốn sách mà còn ra bản tiếng Anh và dự định sẽ xuất bản dưới dạng truyện tranh nữa… Bộ ba tác phẩm của nhà văn Phan Quang từng được đánh giá là như một "tín hiệu phục hồi một thể dạng văn học"…

Văn học du ký sẽ phát triển dễ dàng thời gian tới? Tất nhiên là không! Bởi chẳng phải cứ đi và viết là thành tác phẩm. Cùng là hành trình ấy nhưng người này nhìn ra vẻ đẹp này, người kia lại phát hiện ra những mới mẻ khác. Độ rung cảm của văn phong người viết truyền tới bạn đọc cũng khác nhau.

"Xách ba lô lên và đi" của Nguyễn Thị Khánh Huyền gây ấn tượng tốt với giới trẻ bởi một thái độ sống đầy tích cực, phù hợp với xu thế hội nhập thế giới. Văn cô phần nhiều mộc mạc, hồn nhiên. Còn "Từ tuyết đến mặt trời" của Nguyễn Phan Quế Mai lại thuyết phục người đọc ở chất văn, chất thơ, chất suy tưởng trong và sau mỗi bước chân du ký.

Thực sự đã có một chuyến đi khác trong tâm tưởng, nối dài những bước đi cơ học, địa lý của con người. Kiến thức lịch sử, văn hóa, khoa học, xã hội… của mỗi vùng đất mà tác giả có dịp trải nghiệm cũng được chuyển hóa qua sự hiểu biết vốn sống, cảm nhận của bản thân từng người viết. Dễ nhận thấy, dẫu không phải là một cuốn du ký rõ nét, nhưng cuốn "Thời gian như thứ thuốc hiện hình" của nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có rất nhiều bài viết dạng du ký. Mà nét nổi bật trong đó là những chuyến đi đầy suy ngẫm sau những gì ông thấy ở xứ người.

Đi thời nay, nhất là đi ra thế giới đã không còn là việc quá khó với nhiều người trẻ. Nhưng để có những trang du ký sống động và nhiều độ lắng thì phải chăng cũng lại cần thêm những chuyến đi dài trong tâm tưởng người cầm bút!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học du ký lên ngôi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.