Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa ứng xử trong gia đình: Cần nhất là khả năng thích ứng, linh hoạt

Đoan Trang| 26/06/2022 05:45

(HNMCT) - Duy trì lối ứng xử có văn hóa trong gia đình chính là cách tạo ra nền nếp, gia phong - cái gốc của mọi gia đình. Tuy nhiên sự vận động dẫn đến thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống lại đang đặt ra đòi hỏi về sự thích ứng và linh hoạt trong ứng xử của các nhân tố liên quan bên cạnh việc tiếp tục phát huy giá trị tích cực của văn hóa gia đình. Hànộimới Cuối tuần ghi lại ý kiến của các chuyên gia tâm lý để cùng nhìn nhận, đưa ra giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp trong mỗi gia đình thời hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Chú ý vào những điểm tích cực

Xã hội ngày càng hiện đại, các mô hình gia đình phi truyền thống như gia đình bố/mẹ đơn thân, gia đình đa huyết thống, gia đình đa chủng tộc... xuất hiện ngày càng nhiều. Những gia đình hỗn hợp như thế khi cố gắng tổ chức thành cấu trúc một gia đình truyền thống sẽ đối diện với nhiều căng thẳng và cản trở. Vấn đề hay gặp nhất ở các gia đình hỗn hợp là văn hóa ứng xử trong mối quan hệ giữa dì/ dượng và con riêng. Trong nhiều gia đình, người bố/mẹ ruột vẫn tham gia và tiếp tục đặt các giới hạn, cung cấp sự chỉ dẫn cho bọn trẻ. Rồi sự thiếu thời gian và năng lượng của cặp vợ chồng trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ của cặp đôi tái hôn cũng là yếu tố thường xuyên được nhắc tới. Nếu không dàn xếp cẩn thận hoạt động của các thành viên trong gia đình và đáp lại nhu cầu khác nhau của họ, nhiều ông bố bà mẹ có thể kiệt quệ sức lực và tinh thần. Còn với những gia đình đa chủng tộc, họ có thể gặp khó khăn lớn trong vấn đề hòa hợp văn hóa, chủng tộc trong cấu trúc gia đình mới. Các quy tắc về tôn giáo hay văn hóa có thể là mồi lửa dẫn tới xung đột...

Chính vì thế, trong các gia đình phi truyền thống này, bố/mẹ có thể học cách cân bằng nhu cầu của các thành viên. Đặc biệt, hãy chú ý vào những điểm tích cực thay vì những mất mát, những tiêu cực của gia đình phi truyền thống. Mỗi thành viên đều có quyền trải nghiệm, vui thú, duy trì thói quen về ẩm thực, cuộc sống hằng ngày khác nhau, làm cho cuộc sống của cả gia đình trở nên nhiều màu sắc. Sẽ có nhiều người lớn có mặt, nhiều nguồn lực giúp đỡ cho những đứa trẻ. Bố mẹ kế thường khách quan hơn, bớt áp đặt hơn, và vì vậy sẽ phát huy sự tự do, tiềm năng của những đứa trẻ nhiều hơn. Họ tích cực xử lý mâu thuẫn gia đình sau những trải nghiệm của cuộc hôn nhân trước. Bố mẹ thường hợp tác và chia sẻ nhiều hơn vì họ phải đóng rất nhiều vai và chuyển vai linh hoạt để hòa hợp trong các phong cách gia đình. Người con trong những gia đình này thường thích ứng tốt hơn, tính tự chủ cao hơn...

Tiến sĩ Xã hội học Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người:
Cá nhân tự lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình

Tại Việt Nam, sự gia tăng các mô hình gia đình phi truyền thống trong những năm gần đây là hệ quả của sự phát triển xã hội, các cá nhân có nhiều cơ hội lựa chọn trong cuộc sống, cởi mở hơn, ưu tiên nhu cầu và theo đuổi sự phát triển của cá nhân, chú trọng đến tình cảm, sự chia sẻ. Trong khi đó, sự chi phối của các quan hệ xã hội truyền thống và hệ thống chuẩn mực, niềm tin đối với hành vi của con người có xu hướng giảm xuống. Các mô hình gia đình đều có những ưu, nhược điểm riêng. Đối với các mô hình gia đình phi truyền thống, ví dụ như gia đình đa huyết thống, gia đình đa chủng tộc, các cá nhân được lựa chọn hạnh phúc và sống trong cuộc hôn nhân mà họ mong muốn. Ngay cả với những gia đình đơn thân, họ lựa chọn điều đó có thể bởi nó đem lại nhiều lợi ích (về vật chất hoặc tinh thần) hơn hoặc ít đau khổ, khó khăn hơn so với việc duy trì cuộc hôn nhân cũ hay bắt đầu một cuộc hôn nhân mới. Như vậy, ở mức độ nào đó, các cá nhân có được sự thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của mình hoặc theo đuổi những giá trị của họ khi lựa chọn các mô hình hôn nhân phi truyền thống. Mặc dù vậy, mô hình hôn nhân nào cũng có những điểm hạn chế. Đối với gia đình bố/mẹ đơn thân hoặc gia đình đa huyết thống thì trẻ em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi chúng có thể không thường xuyên nhận được sự quan tâm, dạy bảo của cả cha và mẹ ruột hằng ngày. Việc xây dựng những mối quan hệ mới với cha dượng/mẹ kế, với anh chị em là con riêng của cha dượng/mẹ kế hoặc con chung của hai người không phải lúc nào cũng dễ dàng trong khi lứa tuổi của trẻ lại dễ bị tổn thương về tâm lý, tình cảm. Đối với các gia đình đa chủng tộc, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống dễ dẫn đến mâu thuẫn...

Xã hội càng phát triển, con người cũng có nhiều sự lựa chọn và cơ hội để theo đuổi những thứ mà mình mong đợi; các chuẩn mực, giá trị trói buộc con người ta trong các mối quan hệ của mô hình hôn nhân truyền thống không còn lớn như trước nữa. Các cá nhân lựa chọn và họ tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Cộng đồng nên tôn trọng điều đó và tránh có sự kỳ thị hoặc định kiến đối với vợ, chồng hoặc con cái ở trong các mô hình hôn nhân phi truyền thống.

Tiến sĩ Tâm lý học Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục Khai Tâm:
Tôn trọng sự khác biệt

Trước tiên, phải khẳng định rằng, sự hình thành và phát triển các mô hình gia đình phi truyền thống là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển xã hội hiện nay. Tuy nhiên, sau khi các gia đình phi truyền thống giải tỏa được áp lực về kinh tế, công việc thì thời gian còn lại họ sẽ có xu hướng kết nối lại các mối quan hệ trong gia đình, củng cố sự tương tác của các thành viên trong gia đình hạt nhân với mối quan hệ đa tầng trong gia đình truyền thống. Cơ chế bù đắp tâm lý này là sự đáp ứng nhu cầu về tình cảm của mỗi con người, như một cách tìm về nguồn cội.

Như vậy, ở một giai đoạn nào đó, các gia đình phi truyền thống có thể không quan tâm đúng mức tới các giá trị văn hóa gia đình nhưng nó không mất đi trong tâm thức của họ, nó trở lại và được điều chỉnh để góp phần duy trì giá trị văn hóa gia đình khi mỗi thành viên đã cân bằng được các nhu cầu, lợi ích, giá trị vật chất. Sự điều chỉnh, thích ứng này là chất liệu tạo dựng nên hình mẫu gia đình tiên tiến, hiện đại nhưng không mất đi bản sắc văn hóa, cốt cách làm người. Gia đình phi truyền thống có thể phá vỡ kết cấu gia đình truyền thống để đa dạng hơn, nhưng nó không làm thay đổi các giá trị văn hóa gia đình truyền thống. Vì bản chất của gia đình là sự gắn kết giữa các thành viên, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Sự hình thành và phát triển của mô hình gia đình trong xã hội hiện đại là một diễn tiến lịch sử cần được tôn trọng. Việc luật hóa các loại hình kết hôn, các mô hình gia đình phi truyền thống là nhằm tạo ra sự công bằng, văn minh và đảm bảo quyền bình đẳng cho mỗi cá nhân trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa ứng xử trong gia đình: Cần nhất là khả năng thích ứng, linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.