Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương tác cởi mở thông qua trò chuyện, lắng nghe

Hoàng Lan| 30/10/2022 06:52

(HNMCT) - Kết nối với con là một nhu cầu tinh thần cần của cả cha mẹ và con cái. Sự tương tác cởi mở thông qua trò chuyện, lắng nghe chính là cách phá vỡ những "vách ngăn", đưa bố mẹ và con cái xích lại gần nhau. Tuy nhiên, đâu đó trong nhịp đập gấp gáp của cuộc sống hiện đại vẫn có một bộ phận cha mẹ tự làm mất đi sự kết nối với con cái, đẩy khoảng cách giữa hai thế hệ ngày càng xa và gây nên những hệ lụy đáng tiếc.

Kết nối là một nhu cầu tinh thần của cả cha mẹ và con cái. Ảnh: Nam Phong

Rào cản mang tên thế hệ

Trong bộ phim "Reply 1988", sau những lần thể hiện cách ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên là Duk Sun, người bố giãi bày rằng: “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”. Câu nói này sau đó được biết đến rộng rãi tại Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ bởi nó phản ánh rất chân thực mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trong gia đình hiện đại. Không ai phủ nhận rằng, đại đa số người làm bố làm mẹ làm mọi việc đều xuất phát từ tình yêu thương con cái, luôn muốn mang lại điều tốt cho con, nhưng chính vì chọn sai cách thể hiện mà không ít cha mẹ đã vô tình bỏ qua cảm nhận của con, gây áp lực cho con, thậm chí ép con trẻ làm quá nhiều việc mà chúng không muốn hoặc không có khả năng thực hiện...

Em Nguyễn Hoàng Ngân, học sinh Trường THCS Ái Mộ (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) kể, do bận bịu với công ty riêng nên bố mẹ em đi làm suốt ngày và về rất muộn, em rất ít có cơ hội được trò chuyện với bố mẹ hay được bố mẹ hỏi han rằng con hôm nay đi học có vui không, có việc gì ở trường không?... Ngân cho biết, em từng phải trải qua những ngày bị nhóm bạn bắt nạt, có nhiều lúc em cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi nhưng không biết tâm sự với ai. Vì thế, dù lớn lên trong hoàn cảnh có đầy đủ điều kiện về vật chất nhưng em vẫn cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình.

Còn em Nguyễn Thu Thủy, học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ rằng, do bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng nên em luôn chịu áp lực phải học thật giỏi. Áp lực ấy khiến em không được sống cuộc đời của riêng mình, mong muốn của bố mẹ càng cao thì em càng tự ti, sống khép mình và không muốn tâm sự hay chia sẻ với bố mẹ nữa.

Ở chiều ngược lại, người làm cha mẹ trong thời hiện đại cũng mang trong mình áp lực bởi bọn trẻ thời nay nhanh nhạy với mạng xã hội, dễ học và dễ tiếp thu nhiều luồng văn hóa và đôi khi cha mẹ không thể bắt kịp với những sự thay đổi này. Cách nghĩ, sự quan tâm, lối sống khác biệt cứ thế đẩy cha mẹ và con cái xa nhau.

“Bố mẹ chẳng hiểu con gì cả” - chị Hoàng Thu Thủy (phố Đội Cấn, quận Ba Đình) kể rằng đó là câu cửa miệng của con gái nói với chị bất cứ khi nào cuộc nói chuyện của hai mẹ con trở nên bế tắc. Xung đột giữa hai mẹ con chị đôi khi bắt đầu chỉ bởi chị quan tâm tới cháu nhiều hơn bình thường, nhắc cháu bớt giao lưu với bạn bè trên mạng, khuyên cháu ăn mặc kín đáo... Còn chị Nguyễn Thu Trang (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) lại than thở rằng, chị chưa bao giờ để cho con thiếu thốn bất cứ thứ gì, nhưng cái mà chị nhận lại là sự hờ hững và cách sống ngày càng khép kín của con...

Những câu chuyện nói trên, theo lý giải của chuyên gia tâm lý, thể hiện sự mất kết nối giữa bố mẹ và con cái. Nhà báo Hoàng Anh Tú khẳng định, sự mất kết nối này diễn ra âm thầm nhưng ảnh hưởng của nó là cực kỳ lớn. Anh chia sẻ, có khi sự mất kết nối ấy bắt đầu chỉ với lời từ chối đi chung với cha mẹ, là việc con chú tâm vào chiếc ti vi với những chương trình hấp dẫn, nơi có thần tượng của con đang xuất hiện, hay là việc con ôm khư khư chiếc smartphone - công cụ để trẻ kết nối với thế giới bên ngoài, cụ thể là bạn bè của con... Ở chiều ngược lại, việc mất kết nối diễn ra khi cha mẹ nhận ra cảm giác bị "cho ra rìa"...

Cha mẹ cần tăng cường sự kết nối với con cái bằng việc lắng nghe con nhiều hơn. Ảnh: Hoàng Thao

Vì sao khoảng cách lớn dần?

Khi bố mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung, nguyên nhân dễ nhận thấy nhất đó chính là khoảng cách thế hệ. Trong gia đình Việt Nam trước đây, do ảnh hưởng của Nho giáo, con cái phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ. Câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi” được xem là một biện pháp giáo dục, thể hiện cách thương yêu, quan tâm của cha mẹ đối với con cái nhằm giúp con không đi chệch khỏi các chuẩn mực đạo đức, lối sống, cách ứng xử.

Ngày nay, lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử này vẫn còn ở một bộ phận người dân - nói theo ngôn ngữ hiện đại là không công nhận quyền có tiếng nói của trẻ em trong gia đình. Cha mẹ độc đoán, gia trưởng, quen áp đặt thì thường có những biện pháp kiểm soát gia đình chặt chẽ, khống chế mọi hành vi của con cái, áp dụng các hình phạt khắt khe với con, kiểm soát con quá mức... Chính điều này đã khiến trẻ sống ngày càng khép kín và ít tâm sự hơn.

Con cái ngày càng xa rời cha mẹ còn là hậu quả của việc thể hiện tình yêu sai cách của người lớn. Có người chỉ chăm chăm lo tài chính để con được học ở trường tốt nhất, sống đầy đủ tiện nghi nhất mà quên đi nhu cầu được trò chuyện, được chia sẻ cảm xúc của con. Cũng có người biến con trở thành "công cụ" phục vụ cho những ước mơ dang dở, chưa thể thực hiện của bản thân. Người thì cho rằng xã hội có biến đổi thế nào thì con cái vẫn phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, “cá không ăn muối, cá ươn”... mà bỏ qua cảm nhận của con... Và cứ thế, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng bị nới rộng, sự kết nối cứ mỏng dần, những bất đồng xuất hiện nhiều hơn, những lời yêu thương bỗng gây ngột ngạt bởi được thể hiện không đúng lúc, đúng chỗ... Cuối cùng, họ tâm sự, than phiền với người ngoài chứ không phải với nhau trong gia đình, rằng: "Bố mẹ chẳng bao giờ chịu hiểu cho con", còn với cha mẹ thì "nói thế nào nó cũng không chịu hiểu"!

Tăng tính kết nối

Người ta thường nói: “Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn”. Chính vì thế, để cha mẹ và con cái không mất đi mối dây kết nối, theo nhà báo Hoàng Anh Tú, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy tạo sự kết nối vững chắc bằng việc chọn cách cùng con lớn lên, giúp trẻ có thói quen chia sẻ mọi điều với mình. Anh chia sẻ, cha mẹ hãy tăng cường kết nối bằng việc lắng nghe con nhiều hơn. Đừng tìm cách điều khiển, hãy chọn cách điều hướng, điều chỉnh bởi điều khiển là áp đặt còn điều hướng là dẫn lối, tạo lối. Điều chỉnh là căn theo con, điều chỉnh chính bản thân mình. Khi con bước vào tuổi teen, cha mẹ hãy dùng sự hiểu con để đi cùng con. Muốn hiểu con thì cần lắng nghe, đặt mình vào vị trí của con, trở thành "đồng bọn" của con. Cha mẹ cũng nên thử sai theo con để cùng con tìm ra cái đúng. Và, nếu cha mẹ đã lỡ mất kết nối với con lâu ngày rồi mà muốn kết nối trở lại thì chính cha mẹ phải là người thay đổi "cấu hình" để phù hợp với "cấu hình" của con.

Mới đây, trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, cách ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu được nhấn mạnh qua 2 tiêu chí: Gương mẫu, yêu thương. Quả thật, chỉ có sự gương mẫu, tình yêu thương chân thành mới khiến sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên bền chặt, vững vàng.

Tuy nhiên, thể hiện tình yêu sao cho đúng cách lại là một nghệ thuật - nghệ thuật của văn hóa ứng xử. Bởi, theo Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia: “Yêu thương con chưa đủ, mà cần yêu con trên sự thấu hiểu con và bày tỏ tình yêu đúng cách qua kỹ năng giao tiếp phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của con. Nếu cha mẹ còn áp đặt con, còn kỳ vọng con, la rầy con, cha mẹ sẽ càng đẩy con ra xa mình hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương tác cởi mở thông qua trò chuyện, lắng nghe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.