(HNMCT) - Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con của mình. Tuy nhiên, có những lúc quan hệ giữa cha mẹ và con cái trải qua giai đoạn không tốt đẹp bởi rất nhiều nguyên nhân; trong đó, khoảng cách thế hệ là điều ngăn trở sự thấu hiểu, cảm thông. Chính vì thế, duy trì sợi dây kết nối là điều quan trọng để xây dựng môi trường giáo dục tại gia đình.
Nhà văn người Anh Shadonna Richards cho rằng, trước khi đưa con bạn ra ngoài thế giới, cha mẹ hãy bao bọc chúng trong nhiều lớp tình yêu lành mạnh, vô điều kiện để chúng không bị ảnh hưởng bởi cái “lạnh giá” bất chợt của cuộc đời. Tuy nhiên, nhiều khi cha mẹ cảm thấy, mặc dù họ đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn luôn có điều gì đó thiếu sót. Giải pháp đơn giản cho thắc mắc trên là hãy thử kết nối với con bạn ở cấp độ của chúng.
Chia sẻ sau khi thực hiện một cuộc giao lưu với phụ huynh học sinh trường Gurukul (thành phố Ghaziabad, Ấn Độ), nhà văn Shadonna Richards cho biết: “Các bậc cha mẹ tại Ấn Độ cũng có nhiều áp lực và nhiều khi không giữ được sự bình tĩnh, dẫn tới khoảng cách giữa họ và con cái ngày càng xa cách. Nếu tình trạng này không được nhanh chóng khắc phục, cha mẹ sẽ không còn được bọn trẻ tin tưởng để chia sẻ về những khúc mắc. Có rất nhiều cách để hàn gắn mối quan hệ và cha mẹ nên là những người chủ động bằng tấm lòng bao dung. Bạn có thể đọc cho con một câu chuyện trước khi đi ngủ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sở thích của con, ăn chơi cùng chúng và bày tỏ sự yêu thương bất cứ khi nào có thể”.
Theo các chuyên gia tâm lý, giao tiếp một cách tích cực có khả năng làm nên điều kỳ diệu, giúp cải thiện ngay cả những mối quan hệ “cay đắng” nhất. Chẳng hạn, nụ cười trìu mến cho phép những đứa trẻ biết rằng cha mẹ đang quan tâm đến chúng. Các phương thức giao tiếp tích cực và yêu thương sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển tâm lý cũng như nhận thức của trẻ. Nếu con cái thường xuyên nhận được thông tin tiêu cực từ cha mẹ, chúng có thể nghĩ rằng, cha mẹ không lo lắng cho chúng hoặc không hài lòng với sự hiện diện của chúng. Trẻ có thể cảm thấy bị từ chối hoặc thất vọng.
Để tìm hiểu phương pháp tốt nhất giúp cha mẹ kết nối với con cái, nhiều tổ chức giáo dục quốc tế đã thực hiện khảo sát tại Nhật Bản - đất nước có nhiều thành tựu về giáo dục. Một trong những điều tạo ấn tượng tại đất nước Mặt trời mọc chính là sự thấu hiểu đáng ngạc nhiên giữa các thế hệ. Có thể một trong những lý do chính là truyền thống lịch sử hàng thế kỷ buộc bố mẹ phải luôn giữ con trẻ ở bên mình.
Nhiều năm trước, những người mẹ Nhật vừa làm việc nhà vừa trông con. Các bà mẹ Nhật thường sử dụng khăn để buộc con vào người. Khi địu con bên mình, mẹ thường trò chuyện và giải thích mọi sự vật, sự việc với con. Điều này giúp trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ, biết nói sớm. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người mẹ Nhật Bản địu con trên lưng hoặc giữ trước ngực; họ liên tục trò chuyện cùng con. Các em bé Nhật Bản có được sự quan tâm đầy đủ của người lớn. Bố mẹ luôn cố gắng tránh la mắng và không sử dụng các biện pháp trừng phạt với con trẻ. Trẻ em Nhật có xu hướng cảm thấy có lỗi thực sự mỗi khi chúng làm điều gì khiến bố mẹ buồn và tự điều chỉnh hành vi, lời nói của mình để không phụ lòng bố mẹ.
Theo một cuốn sách của Tiến sĩ Tâm lý học Erik Fisher (Đại học Columbia, lllMỹ), sự giao tiếp thường xuyên giữa cha mẹ và con cái mang đến cho các bé cảm giác an toàn, sự tự tin, lòng tự trọng. Tuy nhiên, khi trẻ đến tuổi trưởng thành thì việc giao tiếp với chúng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo Tiến sĩ Erik Fisher, cha mẹ cần tránh để mối quan hệ với con cái rơi vào tình huống không đáng có. Thứ nhất, họ cần tránh chỉ trích trẻ. Hầu hết các bậc cha mẹ coi chỉ trích con cái là nhằm giúp chúng hoàn thiện. Tuy nhiên, trẻ ít khi hiểu được theo hướng tích cực khi bị chỉ trích; thay vào đó, chúng sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Vì vậy, lời khen sẽ có tác dụng hơn rất nhiều. Thứ hai là nên họp gia đình với đầy đủ thành viên; đây là cơ hội để họ giải quyết mâu thuẫn với nhau. Hãy tạo ra một cuộc họp ngắn gọn và ngọt ngào, thể hiện lòng tin với con cái. Nên thẳng thắn hỏi xem chúng cảm thấy như thế nào về bản thân hay về cuộc sống, và thậm chí là về cuộc sống của bạn bè chúng. Điều này không chỉ giúp trẻ tự nhận thức, mà còn cho các con thấy rằng cha mẹ luôn quan tâm lắng nghe và tin tưởng vào chúng.
Nhìn chung, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa để gia đình củng cố tình yêu, sự tin tưởng, tôn trọng. Những người con sẽ cảm thấy mình luôn được sự ủng hộ từ phía cha mẹ, gia đình để nếu có khó khăn, vấp váp trên đường đời, họ vẫn có thể quay trở về để được giãi bày nỗi niềm và nhận lại năng lượng, sự động viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.