(HNMCT) - Văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình góp phần không nhỏ hình thành nên giá trị văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mô hình gia đình phi truyền thống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề bức bách, đặc biệt là về văn hóa ứng xử.
Biến đổi cùng thời cuộc
Sau khi ra trường và được nhận vào làm tại một tập đoàn của nước ngoài, Đỗ Hải Yến (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quyết định ra ở riêng vì muốn được tự lập. Sau 5 năm, khi cuộc sống riêng đã ổn định, Yến quyết định làm mẹ đơn thân. Khó khăn không kể xiết nhưng Yến đã cố gắng vượt qua để làm tốt vai trò của cả một người cha và một người mẹ với con, giúp con có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Yến chia sẻ, trong xã hội Việt Nam truyền thống, người phụ nữ không lấy chồng mà có con thường phải chịu sự lên án gay gắt của xã hội, cộng đồng và gia đình. Nhưng hiện nay, phụ nữ hiện đại ngày càng tự chủ về kinh tế và công việc, không ít phụ nữ chọn giải pháp làm mẹ đơn thân. Họ muốn sống một cuộc đời của riêng mình và sắp xếp cuộc đời theo ý mình...
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), hiện đang sống cùng với người chồng quốc tịch Hàn Quốc, chia sẻ: “Kết hôn với người nước ngoài không còn là việc xa lạ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Toàn cầu hóa, tự do đi lại cũng như sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin đã tạo thuận lợi cho mọi người trên khắp thế giới gặp gỡ “nửa kia” của mình ở một “chân trời góc bể” nào đó rất xa so với nơi mình đang ở”.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ cho thấy tại Việt Nam hiện nay, mô hình gia đình đã có nhiều biến đổi. Nếu trước đây, mô hình gia đình thông thường (có bố mẹ cùng là người Việt, có hôn thú...) chiếm đại đa số thì ngày nay, mô hình gia đình đa dạng hơn nhiều: Gia đình truyền thống (gia đình 3 thế hệ trở lên cùng chung sống); gia đình hạt nhân (bố mẹ và con); gia đình không có con; gia đình ly hôn (bố và mẹ mỗi người nuôi một hay vài con); gia đình đa huyết thống (gia đình có con riêng của chồng, của vợ và con chung); gia đình đa chủng tộc (bố hoặc mẹ là người nước ngoài); gia đình bố/mẹ đơn thân; gia đình đồng tính nam, đồng tính nữ... Đáng lưu ý, vì là mô hình “phi truyền thống” nên trong những mô hình gia đình này đang nảy sinh khúc mắc trong cách ứng xử. Từng được độc giả biết đến qua hai cuốn sách “Gom nắng cho em” và “Hãy để anh vào tầm mắt em”, và đến giờ là “Em đồng ý ly hôn”, Chúy (tên thật là Trần Diệu Thúy) được mặc định là “cây bút của các bà mẹ đơn thân”. Tuy nhiên, trong lần ra mắt cuốn sách “Em đồng ý ly hôn”, Diệu Thúy đã tâm sự rằng, bản thân cô gặp phải những khó khăn mà bất cứ một người phụ nữ nào đơn phương ly hôn đều gặp phải. Hay với chị Phạm Thị Quỳnh, người có chồng mang quốc tịch Mỹ (trú tại khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, sau khi sống chung, theo văn hóa các nước phát triển, đại đa số các cặp vợ chồng trẻ “ra ở riêng”. Họ tự phân công việc nhà một cách bình đẳng, sắp xếp thời gian đưa đón con... chứ không được nhờ vả ông bà như thường thấy ở Việt Nam. Văn hóa giao tiếp phương Đông và phương Tây có sự khác biệt, chẳng hạn, người phương Tây thiên về lý nên hay sử dụng cách nói thẳng, trực tiếp trong khi người phương Đông thiên về tình nên hay dùng cách nói vòng vo; người phương Tây thường thể hiện phong cách tự tin trong khi người Á Đông lại thiên về lối giao tiếp hòa nhã (dĩ hòa vi quý)... Những ngày đầu, vợ chồng chị Quỳnh cũng có xung đột do sự khác biệt về văn hóa, thói quen ứng xử.
Bên cạnh đó, những gia đình phi truyền thống hiện nay ít nhiều vẫn phải đối mặt với định kiến. Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa), nhiều người Việt Nam cho đến nay vẫn duy trì quan niệm rằng gia đình toàn vẹn, hạnh phúc là gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái. Chính quan niệm về sự toàn vẹn của gia đình như vậy đã khiến xã hội xuất hiện những định kiến, cho rằng gia đình “phi truyền thống” là bất hạnh hoặc lệch lạc.
Sự thích nghi và lời cảnh báo
Ở một khía cạnh nào đó, những mô hình gia đình phi truyền thống cho thấy cái tôi cá nhân ngày càng được tôn trọng, quan niệm cũ bao lâu nay kìm hãm sự phát triển của cá nhân nay đã được tháo gỡ dần. Tuy nhiên, bên cạnh sự hình thành và phát triển như một xu thế tất yếu, các mô hình gia đình phi truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của đời sống xã hội. Đó là sự quá đề cao tự do cá nhân, coi trọng kinh tế, tâm lý chuộng hình thức, tính thực dụng... dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể trong văn hóa ứng xử gia đình. Đơn cử như trong các gia đình có bố/mẹ đơn thân hay các gia đình hình thành từ cặp đồng tính nam hoặc đồng tính nữ, trẻ sẽ không nhận được sự giáo dục hoàn chỉnh. Với gia đình đơn thân, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp có nguy cơ bị phá vỡ, điển hình là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, nhưng với những bà mẹ đơn thân, đặc biệt là bà mẹ đơn thân sinh con gái thì việc tạo lập và duy trì thói quen thờ cúng tổ tiên dễ mất đi... Người Việt Nam vốn trọng mối liên hệ dòng họ, làng xóm. Tuy nhiên, với hình thái gia đình đơn thân, những mối liên hệ ấy trở nên lỏng lẻo. Theo Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), khi bà mẹ đơn thân trở thành trụ cột gia đình, họ đồng thời phải thực hiện đầy đủ bổn phận làm cha và làm mẹ. Do đó, họ không có đủ thời gian cần thiết để hỗ trợ, chăm sóc, giám sát con cái đầy đủ và chính điều này đã để lại một khoảng trống đối với con trẻ. Tương tự, với mô hình gia đình đa văn hóa, khi “về chung một nhà”, các thành viên phải đối diện với sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ... khiến cuộc sống lứa đôi trở nên phức tạp.
Giữ gìn hệ giá trị không thể thay thế
Để cho một gia đình bền vững, bất cứ ai khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa hôn nhân đều cần hiểu rằng, họ không chỉ kết hôn với một con người cụ thể, mà còn chịu ảnh hưởng từ những khác biệt về văn hóa, lối sống, cách ứng xử... Chính vì thế, văn hóa ứng xử trong gia đình, đặc biệt là trong các gia đình phi truyền thống càng cần được coi trọng. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành chủ trương, chính sách nhằm phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Nhằm đưa ra giải pháp chấn chỉnh những hành vi ứng xử không phù hợp, ngày 28-1-2022, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kèm theo Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL với những tiêu chí cơ bản, có ý nghĩa sâu sắc, quy định về chuẩn mực hành vi văn hóa ứng xử trong quan hệ gia đình. Đặc biệt hằng năm, Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa cả nước, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.
Điều đáng mừng, từ các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam, quan điểm của thế hệ trẻ hiện nay cho thấy, tuy có sự dịch chuyển về mô hình gia đình nhưng văn hóa gia đình vẫn được quan tâm. Gia đình vẫn là một giá trị quan trọng không thể thay thế, phần lớn giới trẻ có xu hướng tin tưởng vào gia đình, bố mẹ cũng như nhận định khá rõ ràng về giá trị hôn nhân, gia đình.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong bối cảnh các giá trị gia đình vẫn được người dân coi trọng trong cuộc sống cũng như quy mô, cơ cấu, chức năng gia đình đang thay đổi theo hướng hiện đại hóa, cá nhân hóa, cần đẩy mạnh việc thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới; tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi định kiến xã hội về hôn nhân và gia đình... Tiếp đó, cần xây dựng chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các mô hình gia đình hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cần phổ biến kết quả nghiên cứu về các giá trị gia đình mà người dân Việt Nam đang ủng hộ để các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình nắm rõ thực tế này. Cũng cần có sự hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội dành cho các nhóm đang có xu hướng theo đuổi những giá trị hiện đại của gia đình, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.