(HNM) - Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã thực sự thẩm thấu và lan tỏa trong đời sống Hà Nội hôm nay. Văn hóa đang thực sự trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển.
Bước phát triển đáng tự hào
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu. Với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là giải pháp cơ bản, lâu dài. Chính vì vậy, không chỉ 5 năm trở lại đây, mà nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội luôn có một chương trình công tác lớn về phát triển văn hóa, con người, với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, đồng hành với phát triển kinh tế; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng con người, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng.
Trong 5 năm qua, Chương trình số 04-CTr/TU tiếp tục được triển khai bài bản, quyết liệt và sáng tạo; trong đó, công tác xây dựng văn hóa Thủ đô được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: “Chi đầu tư cho phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử, phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; đồng thời đẩy mạnh giao lưu, hợp tác về văn hóa, tạo nhiều sự kiện có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế”.
Đặc biệt, với việc xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, môi trường văn hóa từ công sở tới nơi công cộng, từ gia đình ra ngoài xã hội từng bước được định hình rõ nét; văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhiều phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp; nhiều mô hình hay, cách làm tốt trở thành điểm sáng, được nhân rộng. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục, y tế, an sinh xã hội có sự phát triển toàn diện. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước, cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, đến nay, đã xóa được toàn bộ nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách; tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,16%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra của thành phố.
Cũng trong giai đoạn này, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) sau 20 năm vinh dự nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Theo Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn, đây là cơ hội để làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô với thế giới và giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống Thăng Long - Hà Nội, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn nhân lực văn hóa trong xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Xây dựng con người Thủ đô thực sự tiêu biểu
Trong suốt chiều dài của lịch sử, Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội luôn tỏa sáng với đặc trưng hội tụ, kết tinh và lan tỏa tinh hoa văn hóa của cả nước. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô luôn được đặt ra với những yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần, “sức mạnh mềm”, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Thủ đô.
Quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu phát triển văn hóa, con người Hà Nội trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa nội dung này bằng Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Tham góp ý kiến cùng thành phố, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá phù hợp, tập trung vào định hướng nếp sống đô thị và nếp sống ở nơi công cộng, ứng xử vì lợi ích cộng đồng; khai thác hiệu quả yếu tố giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho rằng, để tạo được chuyển biến trong nhận thức, trước hết phải từ các phương tiện thông tin đại chúng, rồi hình thành nếp làm gương từ trong gia đình, nhà trường, nếp nhắc nhở nhau từ cộng đồng. Cùng với đó, cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ giữa các ngành, xác định đâu là vấn đề rường cột của văn hóa người Hà Nội để xây dựng những tiêu chí, hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu cho người dân thực hiện.
Còn theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, từ thành phố tới cơ sở cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai, tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, coi đây là giải pháp trọng tâm để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư các nền tảng công nghệ cho công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo; thực hiện có hiệu quả chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng người tài, tạo điều kiện cho họ phát huy sáng tạo. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả của các cấp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc...
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố, hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, rất cần sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia trách nhiệm, tự nguyện, tự giác của cộng đồng và mỗi người dân Thủ đô cùng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thủ đô thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của Thủ đô và tình cảm, mong đợi của nhân dân cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.