Công nghiệp văn hóa

Bài 1: Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội

Nhóm tác giả 10/08/2023 19:55

Là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước, Hà Nội xác định việc phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô, của dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quảng bá hình ảnh là nhiệm vụ chiến lược.

bia-b1-new.jpg

Là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước, Hà Nội xác định việc phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô, của dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quảng bá hình ảnh là nhiệm vụ chiến lược. Thành phố đã có những định hướng và bước đi nhằm định vị thương hiệu văn hóa và xác lập dấu ấn Thăng Long trong lòng bạn bè quốc tế.


tit-dinhvi-1.png

Nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Blackpink đã tạo ra một cơn “địa chấn” âm nhạc trong giới trẻ Hà Nội và cả nước. Lượng vé lớn được bán ra hết trong một thời gian ngắn kỷ lục, nhiều khách sạn quanh khu vực sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nơi diễn ra buổi biểu diễn, đã gần như cháy phòng khi nhiều bạn trẻ muốn được sống trong không gian âm nhạc đặc sắc với thần tượng của mình. Tôi thấy thật vui, vì với sự nổi tiếng của nhóm nhạc, Hà Nội và quê hương Việt Nam chắc chắn được ghi dấu trong câu chuyện giữa những người hâm mộ đông đảo của nhóm nhạc này trên toàn cầu.

Thế nhưng, tôi lại miên man trong dòng suy nghĩ đến khi nào Việt Nam có thể tạo ra những cơn sóng mạnh mẽ trên thị trường văn hóa quốc tế? Đây quả thực là một vấn đề lớn bởi đã chạm tới phạm vi của câu chuyện xuất khẩu văn hóa mà nhiều nhà nghiên cứu, quản lý, học giả vẫn đau đáu lâu nay. Đồng ý là chúng ta còn chưa chuẩn bị đủ hành trang cần thiết nhưng rõ ràng đã đặt được những dấu chân đầu tiên trên con đường này. Hãy bắt đầu từ Hà Nội của tôi!

"...Thế nhưng, tôi lại miên man trong dòng suy nghĩ đến khi nào Việt Nam có thể tạo ra những cơn sóng mạnh mẽ trên thị trường văn hóa quốc tế?"

-Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội-

Tôi vẫn còn nguyên cảm giác phấn khích khi đọc được chia sẻ của nhiếp ảnh gia người Anh Andrew Wiggin. Ông cho biết thực sự hào hứng với những nội dung mà chương trình về Hà Nội của kênh truyền hình Mỹ CNN mang đến cho khán giả. Với ông, từ ẩm thực, cảnh quan đến những góc phố yên tĩnh, Hà Nội là điểm đến trong mơ của các nhiếp ảnh gia.

Có lẽ không chỉ với người nước ngoài, bất kỳ công dân Thủ đô nào cũng xao xuyến khi nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc của thành phố thân thương xuất hiện giản dị nhưng đầy mê hoặc và thôi thúc sự khám phá trong các phóng sự của kênh truyền hình Mỹ. Đây là thành quả của một chiến lược quảng bá mang tính đột phá và táo bạo. Bản hợp đồng đầu tiên trị giá 2 triệu USD cho một năm hợp tác giữa Hà Nội với CNN được ký kết vào cuối tháng 12-2016 để thực hiện những phóng sự, chương trình quảng bá hình ảnh của Thủ đô và phát sóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ, Nam Á. Sự kiện đã gây chấn động dư luận vào thời điểm đó không chỉ vì quy mô tài chính lớn mà còn bởi Hà Nội là thành phố đầu tiên của cả nước xây dựng kế hoạch truyền thông trên một kênh truyền hình có độ phủ sóng hàng đầu thế giới. Điều này khẳng định chính quyền thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt với khát vọng tạo bứt phá trong việc đưa vẻ đẹp độc đáo của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi tới bạn bè quốc tế.

dinhvi-anhghep-01-1-.png
Nhà hát Lớn trong thước phim quảng bá của CNN về Hà Nội.

Nguồn tài nguyên văn hóa ẩn chứa trong mọi ngõ ngách của thành phố với hệ thống di sản dày đặc, làng nghề thủ công truyền thống trải rộng, lễ hội dân gian phong phú, ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và đặc biệt là một cộng đồng sáng tạo mới đang hình thành trên nhiều lĩnh vực. Đây là nguồn lực, tài sản vô giá để Hà Nội định hình những sản phẩm có chất lượng cho thị trường văn hóa thời hội nhập. Trong đó, hệ thống chính sách, cơ chế là điểm tựa vững chắc để Hà Nội thực hiện mục tiêu nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp phát triển văn hóa hàng đầu, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng, có tầm cỡ khu vực và thế giới.

Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thành ủy Hà Nội (Nghị quyết 09-NQ/TU) đã mang tới động lực mạnh mẽ khi hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, tầm nhìn và trách nhiệm của Thủ đô trong triển khai đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô sẽ giúp văn hóa của Thăng Long - Hà Nội tỏa sáng, tạo điều kiện cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung, đồng thời tạo đà cho những hoạt động xuất khẩu văn hóa Thủ đô ra thế giới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định.

Nguồn tài nguyên văn hóa ẩn chứa trong mọi ngõ ngách của thành phố với hệ thống di sản dày đặc, làng nghề thủ công truyền thống trải rộng, lễ hội dân gian phong phú, ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và đặc biệt là một cộng đồng sáng tạo mới đang hình thành trên nhiều lĩnh vực.

-Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội-

Từ nền tảng chính sách cởi mở và giàu thực tiễn, thành phố có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội đến với người dân các nước thông qua những chương trình, lễ hội quảng bá như: Tuần lễ văn hóa Hà Nội tại Toulouse (Pháp), Những ngày Hà Nội tại Mátxcơva (Nga), Lễ hội Việt Nam - Hà Nội tại Fukuoka (Nhật Bản)… Các chương trình xúc tiến thương mại tại Mỹ, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc được tổ chức thường xuyên cũng mở ra cơ hội giới thiệu những sản phẩm văn hóa truyền thống và sáng tạo của Hà Nội với bạn bè năm châu.

dinhvi-anhghep-02.png

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh chia sẻ: “Những chương trình đưa nghệ nhân, thợ nghề và sản phẩm tiêu biểu của thành phố ra nước ngoài đã góp phần đưa thủ công mỹ nghệ thành một trong những sản phẩm xuất khẩu văn hóa chủ lực của Hà Nội và Việt Nam, giúp lan tỏa hình ảnh Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế”. Thành công của những hoạt động này khẳng định Hà Nội đã có hướng đi đúng trong hành trình quảng bá những giá trị văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến, tạo chuyển động mới để phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy xuất khẩu văn hóa. Điều đó xây dựng nền tảng để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa của thành phố.

quote-hanoimoi-3-.png

Bên cạnh thủ công mỹ nghệ, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, du lịch là ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn và đóng góp mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch của Hà Nội đã trở thành thương hiệu, thu hút số lượng lớn du khách quốc tế. Việc Hà Nội có hàng loạt nhà hàng được giới thiệu và chiếm giữ 3 trong số 4 nhà hàng của Việt Nam được gắn sao Michelin đã giúp thành phố tiếp tục ghi danh trên bản đồ ẩm thực thế giới. Chúng ta hy vọng sẽ có thêm những cái tên như chả cá Lã Vọng, cà phê trứng Giảng, bún chả Hương Liên, phở Thìn… tiếp tục nổi danh toàn cầu, trở thành các “đại sứ" đặc biệt đưa Hà Nội đến gần hơn với bạn bè và du khách quốc tế.

Chúng ta hy vọng sẽ có thêm những cái tên như chả cá Lã Vọng, cà phê trứng Giảng, bún chả Hương Liên, phở Thìn… tiếp tục nổi danh toàn cầu, trở thành các “đại sứ” đặc biệt đưa Hà Nội đến gần hơn với bạn bè và du khách quốc tế.

-Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội-

Bằng sức hấp dẫn riêng có, những năm gần đây, Hà Nội liên tục lọt vào danh sách điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới do các tạp chí, tổ chức uy tín về du lịch xếp hạng như: Top 10 thành phố hàng đầu châu Á do Travel+Leisure Luxury Awards Asia Pacific xếp hạng; 1 trong 10 thành phố đẹp nhất Đông Nam Á theo công bố của The Travel (Canada); Top 27 trong danh sách những thành phố được yêu thích nhất theo bình chọn bởi độc giả của tờ Telegraph trên toàn cầu; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 do trang tin BuzzFeed (Mỹ) xếp hạng…

Như vậy để thấy rằng những nỗ lực định vị thương hiệu Hà Nội trong mắt du khách nước ngoài đã mang lại thành công đáng khích lệ khi giờ đây bản thân Hà Nội đã trở thành một thương hiệu quốc tế về du lịch.


tit-dinhvi-2.png

Những chính sách về phát triển văn hóa ở Thủ đô thời gian qua không chỉ thúc đẩy một cách hiệu quả việc quảng bá văn hóa mà còn góp phần khơi nguồn sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành mảnh đất bồi dưỡng, phát triển các xu hướng thể hiện mới mẻ, hấp dẫn, những sản phẩm văn hóa lấy cảm hứng từ kho tàng di sản và tri thức dân gian.

Ra mắt công chúng từ cuối tháng 10-2017, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” mang đến những cảm xúc choáng ngợp cho khán giả trước sân khấu nước mênh mông dưới chân núi Thầy, nơi khắc họa chân thực mà tinh tế vẻ đẹp đời sống văn hóa của cư dân nền văn minh lúa nước. Điểm đặc biệt của vở diễn không chỉ ở không gian văn hóa trải rộng, lối dẫn chuyện dung dị, lôi cuốn, khả năng tối ưu hóa thế mạnh công nghệ trình chiếu, mà còn là sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ hoàn toàn bước ra từ đồng đất xứ Đoài. Truyền thông Mỹ đã nhận định, chương trình thực cảnh với sân khấu mặt nước lớn nhất và số lượng diễn viên nông dân đông nhất này “hội tụ đủ mọi yếu tố để vươn tầm đẳng cấp quốc tế”.    

22-1-.jpg
Một hình ảnh của vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”

Trước đó, vở diễn “Tứ Phủ” của đạo diễn Việt Tú - khai thác một biểu tượng trong đời sống tâm linh của người Việt thông qua nghệ thuật sân khấu đương đại với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và phục trang đặc sắc - cũng đã gây chấn động tại nhiều sân khấu trong nước và quốc tế, nhân lên niềm tự hào cho người Việt về một trong những di sản văn hóa đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ Mẫu. Cũng trong thời gian này, vở diễn “Làng tôi” đã có hành trình hơn 10 năm chinh phục khán giả năm châu bằng một câu chuyện được đóng gói hoàn chỉnh về một ngày ở làng quê Bắc Bộ - bắt đầu từ buổi sáng tinh mơ với tiếng gà gáy văng vẳng cho đến khi ngọn đèn dầu cuối cùng được thổi tắt. Bị hấp dẫn bởi vở diễn từ những ngày đầu, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Vở diễn chỉ với 14 diễn viên, 6 nhạc công cùng đạo cụ chính là những cây tre mà biến hóa khôn lường thành những hoạt cảnh tái hiện cuộc sống yên ả, thanh bình nơi làng quê. Một người bạn ở Pháp từng thông tin cho tôi biết vở diễn này tại Viện Bảo tàng Branly đã thành công ngoài mong đợi. Khán giả sau khi xem xong đã đứng cả dậy vỗ tay không dứt cho đến khi các diễn viên phải ra cúi chào đến lần thứ 7 mới thôi”.

24-1-.jpg
Một phân cảnh trong vở diễn xiếc tre “Làng tôi”.

Là người luôn trăn trở với việc xây dựng một thương hiệu văn hóa, thương hiệu âm nhạc mang tầm quốc tế cho Hà Nội, Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Trung đã dành nhiều tâm huyết để dàn dựng, đạo diễn Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival. Qua nhiều năm tổ chức, mùa lễ hội mới 2023 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận chuẩn bị khởi động với chủ đề “Phố Hàng Nhạc”, lấy cảm hứng từ tên gọi 36 phố phường của Hà Nội.

Theo Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Trung, sự kiện hội tụ hơn 40 nghệ sĩ trong nước và quốc tế với hơn 70 buổi biểu diễn sẽ kéo dài từ ngày 14 đến 22-10. Thời điểm này, Hà Nội đón gió chuyển mùa từ thu sang đông hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả những giây phút thăng hoa hạnh phúc cùng âm nhạc, đồng thời thúc đẩy quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam. “Lễ hội sẽ khép lại bằng 2 đêm diễn tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, địa điểm sẽ gắn liền với Monsoon Music Festival trên lộ trình xây dựng một lễ hội âm nhạc có uy tín, đẳng cấp trong khu vực và quốc tế”, Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Trung nói.

Trên đây chỉ là một vài câu chuyện thành công tiêu biểu. Còn rất nhiều những sáng tạo độc đáo khác giúp khẳng định thực tế rằng, cùng với tầm nhìn chiến lược mới, chúng ta đã có những con người tiên phong, đủ tài năng, trí tuệ, khát khao và nhiệt thành tạo ra những sản phẩm có giá trị mang bản sắc văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam và quảng bá chúng ra thế giới. Tất nhiên, để những bộ phim, vở diễn, album nhạc, chương trình nghệ thuật… tự tin “ra khơi”, có chỗ đứng trên “đại dương” văn hóa toàn cầu và trở thành các sản phẩm Việt có thương hiệu quốc tế mạnh thì vẫn còn là một câu chuyện dài.

thiet-ke-chua-co-ten-15-.png

Lời tòa soạn

Bài 2: Gian nan đường ra “biển lớn”

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.