Văn hóa

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”

PGS. TS Phạm Quang Long 25/07/2024 16:17

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi, để lại một khoảng trống vắng cho xã hội và cho mỗi người. Nhưng di sản mà ông để lại không hề nhỏ. Ở đây tôi không nói đến những vấn đề lớn lao khác mà chỉ nói đến khía cạnh văn hóa.

z5657325060620_2321de5366fb8c084808039eb663d23c.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

1. Không chỉ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng mới dành thời gian quan tâm nhiều tới vấn đề văn hóa. Khi còn là Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội, văn hóa luôn được ông đặc biệt coi trọng.

Tôi còn nhớ khi thảo luận về những vấn đề phát triển văn hóa, xã hội của Hà Nội, có người nói rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, cần chú ý trước tới những vấn đề kinh tế - xã hội bởi những lĩnh vực này thiết thực hơn; nó là những công việc có thể nhìn thấy, đo đếm từng ngày, đã đành, mà “từ thực tiễn thì thấy kinh tế lên, văn hóa cũng lên”, bởi văn hóa là một thành tố thuộc về ý thức xã hội, nó phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng xã hội. Luận điểm này, nói cho công bằng là một nội dung quan trọng của khái niệm hình thái ý thức xã hội đã được xếp vào loại kinh điển, có lẽ vì vậy mà thuyết phục được không ít người dự hội nghị.

Giờ giải lao, những vấn đề ở hội trường được các đại biểu trao đổi khá sôi nổi. Rồi Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng kết luận, đại ý: Các ý kiến trao đổi rất chất lượng, trách nhiệm. Vì trách nhiệm nên các đại biểu chịu khó suy nghĩ, đưa ra những lý giải rất bổ ích. Vì là báo cáo nên ít có điều kiện diễn giải mọi lý do của luận điểm cần chú trọng phát triển văn hóa, thậm chí phải đi trước một bước. Luận điểm văn hóa là một thành tố thuộc về ý thức xã hội, nó hình thành trên cơ sở kinh tế - xã hội, suy cho cùng không hề sai. Vấn đề ở chỗ chúng ta cần hiểu đúng, hiểu sâu luận điểm đó và vận dụng thật hiệu quả. Có nhận thức đúng thì khi xử lý những vấn đề của thực tiễn mới không lúng túng. Có cái bất biến đúng, sẽ ứng xử tốt với cái vạn biến trong thực tiễn.

Ý kiến của Bí thư Thành ủy khi đó gợi ra biết bao điều cả về lý luận và thực tiễn.

Đến khi Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội được giao soạn thảo Chương trình 08 “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, tôi vừa lo, vừa băn khoăn. Theo nhận thức của tôi, khái niệm “thanh lịch, văn minh” cần phải xác định rõ hơn về nội hàm, cần khảo sát kỹ về sự tồn tại và biến động của nó trong thực tiễn mới có thể có đề xuất phù hợp. Mới về Hà Nội công tác nhưng tôi biết từ nhiệm kỳ trước, Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị khá bài bản cho kỷ niệm 1.000 năm Lý Thái Tổ dời đô ra Đại La. Vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng là định hướng lâu dài và đã có hẳn một chương trình nghiên cứu do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, đã được nghiệm thu và các đoàn thể đang triển khai thực hiện.

Tôi đem băn khoăn này trình bày với Bí thư Thành ủy. Ông nói: Không phải ngẫu nhiên trong chương trình có hai chữ thiết thực. Thiết thực tưởng dễ mà rất khó. Không thiết thực thì chúng ta sẽ bắn lên trời hết. Chúng ta đang làm văn hóa theo kiểu phong trào. Phong trào rất cần nhưng đó chỉ là một mặt của văn hóa. Cần chú ý đến những giá trị. Đó là phần tinh hoa của phong trào, là thước đo để xây dựng văn hóa đấy. Không có văn hóa chung chung đâu. Điểm hội tụ là con người. Cứ nhắm tới đích ấy mà làm. Cái gì chưa rõ thì tìm hiểu tiếp, mọi người cùng tìm mới hy vọng tìm ra. Còn cứ chàng màng thì kết quả cũng chàng màng thôi, chẳng để làm gì.

Khi trình bày đề cương chương trình trước Ban Thường vụ Thành ủy, có đồng chí đã yêu cầu chúng tôi thực hiện những vấn đề không sát thực tiễn, nặng về lý thuyết chung chung, rất khó triển khai. Tôi rất hoang mang vì hướng đi như thế thì không biết sẽ thực hiện thế nào, lấy căn cứ nào để kiểm chứng, đánh giá kết quả? Mọi người trao đổi mà không thống nhất được. Lúc kết luận, đồng chí Bí thư nói rất nhẹ nhàng, đại ý: Khái niệm văn hóa rộng, nội dung nhiều, hệ thống vấn đề có nhiều tầng bậc. Chúng ta thực hiện chương trình này chỉ nhằm vào mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người sao cho thiết thực để tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cha ông ta đã làm một cuộc dời đô mang ý nghĩa lớn đến thế, Hà Nội của chúng ta sau 1.000 năm đã làm được những gì, để lại những gì cho con cháu, cần phải xác định rõ ràng. Có cái làm cho hôm nay, có nhiều cái làm cho ngày mai. Phải chia ra như thế để thực hiện, phải xây dựng một kế hoạch cụ thể để làm bằng được những gì cần làm, phải giám sát việc thực hiện chi tiết chứ không “đánh trống bỏ dùi”, phát động thật hoành tráng là coi như đã thực hiện gần xong, chỉ còn chờ tổng kết. Thế là mọi việc được thông qua. Nhưng lúc chuẩn bị ra về, ông ghé tai tôi: “Làm văn hóa khó thế đấy, đừng nản nhé. Cứ cố gắng làm hết sức đi, thực tiễn sẽ kiểm nghiệm những gì mình làm”.

Tôi nhớ, có lần ông chỉ đạo Hà Nội không nhất thiết phải phấn đấu thành trung tâm kinh tế dẫn đầu cả nước nhưng về văn hóa thì nhất thiết phải trở thành đầu tàu, phải là hình mẫu cho cả nước. Đây là việc khó khăn, lâu dài, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải kiên trì phấn đấu cho mục tiêu này.

Công việc đang triển khai thì ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông rời Hà Nội nhưng những chỉ đạo của ông về văn hóa vẫn được Hà Nội triển khai. Khi Luật Thủ đô ra đời, mục tiêu phấn đấu để trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa đã được luật hóa. Tư tưởng ấy khẳng định tầm nhìn của ông khi còn giữ trọng trách Bí thư Thành ủy.

Trong những văn bản dự thảo về mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người của Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cân nhắc rất thận trọng về nội hàm khái niệm, nội dung cụ thể của những nhiệm vụ này. Con người Việt Nam mang phẩm chất gì, văn hóa truyền thống Việt Nam đặc sắc ở điểm nào, văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn hội nhập ra sao... Đó luôn là mối quan tâm hàng đầu của ông.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề chấn hưng dân khí, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, khơi gợi nguồn lực trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xây dựng đất nước hùng cường, để nhân dân được sống hạnh phúc. “Văn hóa còn thì dân tộc còn” là những mệnh đề được ông nhấn mạnh nhiều lần ở nhiều cuộc gặp gỡ với nhân dân. Phát triển đất nước luôn đi liền với phúc lợi xã hội, dân chủ và công bằng thì mới có thể đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Cụ thể hơn là “hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện sự nhất quán sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Ông không ít lần nói đến danh dự, phẩm giá con người, nói đến những giá trị tinh thần cao quý thuộc về phẩm giá con người cao hơn mọi thứ khác.

Có người băn khoăn: Tại sao ông hay trích dẫn những câu nói về nhân phẩm, danh dự, đạo đức được đề cập nhiều trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Tôi cho rằng khoảng những năm 1960, 1970, đời sống tinh thần của xã hội miền Bắc lành mạnh nhất. Những tư tưởng nhân văn, vì con người trong thể chế xã hội mới được từng bước khẳng định và thay đổi chuẩn mực giá trị của thời đại. Sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống vì cộng đồng, đất nước trở thành quan niệm sống của mọi người, đến mức có nhà thơ tự chiêm nghiệm “khi riêng tư ta thấy mình xấu hổ”. Lối sống ấy, như một biểu tượng đẹp đẽ của đạo đức mới, tiếc thay bây giờ nhiều người không coi trọng điều đó.

Tổng Bí thư trưởng thành từ những năm ấy, lựa chọn lối sống ấy là lẽ sống của đời mình như nhiều triệu người khác và ông theo đuổi nó suốt đời, mong muốn nó trở thành lẽ sống của xã hội, cộng đồng nên ông bảo vệ và truyền nhiệt huyết sống ấy cho người khác. Nói cho to tát thì thái độ tu thân của ông rất nghiêm cẩn, mang dáng dấp của kẻ sĩ Bắc Hà. Đây là con người theo đúng nghĩa cao quý của nó: Không bị mai một vì bất cứ lý do gì, không suy suyển vì hoàn cảnh. Gia đình của ông đều sống theo tinh thần ấy. Ông “tề gia, trị quốc” đúng theo tinh thần người quân tử. “Quân tử khứ nhân ô hồ thành danh” (người quân tử không thể bỏ qua điều nhân). Ông ghét cái xấu, ghét bọn sâu mọt tham nhũng như ghét những cặn bã của xã hội. Ông kiên trì chống tham nhũng, không trừ vùng cấm nào với tinh thần “diệt giặc nội xâm”, “ai không muốn làm thì đứng sang một bên” vì muốn môi trường xã hội lành mạnh. Ông mong muốn xây dựng con người Việt Nam theo hướng này, không mất những phẩm chất truyền thống nhưng cũng hòa cùng nhịp bước với thời đại.

Xã hội ghi nhận đóng góp của ông, tôn trọng lối sống của ông. Một vị giáo sư già đã tặng ông câu đối trong buổi gặp mặt thầy trò, sau khi ông nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư chưa lâu: “Trọng chính, trọng liêm, hưng Đảng tiết/ Giương tài, giương trí, kết dân tâm” (“Trọng sự liêm chính, trọng sự liêm khiết, chấn hưng khí tiết Đảng/ Đề cao người tài, coi trọng trí thức, kết chặt lòng dân”). Ông nhận quà thầy tặng và đáp lễ: “Em cảm ơn thầy. Đây là một nhiệm vụ cao cả và cực kỳ khó khăn. Nhưng em xin cố gắng hết mình để đáp lại niềm tin yêu của thầy dành riêng cho em”. Mấy lời ngắn gọn ấy, không chỉ thể hiện đức khiêm tốn của ông mà bộc lộ nhân cách lớn của một con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.