Tổ chức trọng thể lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25-7 và từ 7h đến 13h ngày 26-7-2024.
Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25-7 và từ 7h đến 13h ngày 26-7-2024.
Đến hơn 23h30, tức là quá 1 giờ 30 phút so với giờ viếng theo quy định của Ban Tổ chức Lễ tang, nhiều người dân vẫn tề tựu bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đến 23h35, để bảo đảm công tác tổ chức, những người vào viếng bên trong cuối cùng bắt đầu rời Nhà tang lễ Quốc gia, dù còn rất nhiều người mong muốn được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục diễn ra vào 7h sáng 26-7 đến 13h cùng ngày. Sau đó là Lễ truy điệu.
15h cùng ngày, lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được tổ chức tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
Do số lượng người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất vào chiều và tối 25-7 rất đông nên UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định kéo dài đến 23h cùng ngày.
Trước đó, chiều 25-7, hàng chục nghìn người dân tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã đến xếp hàng trước cổng Hội trường Thống Nhất. Càng về chiều và tối, dòng người đổ về Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng đông. Bất chấp cơn mưa lớn ập đến, dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng.
Do số lượng người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất tối nay rất đông nên UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định kéo dài thời gian viếng đến 23h, thay vì 22h như thông báo trước đó, nhằm tạo mọi điều kiện để người dân tiễn biệt nhà lãnh đạo vì nước, vì dân.
Theo Ban tổ chức, có hơn 500 đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành, ngành đã đăng ký vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các ngày 25, 26-7.
Tại Triều Tiên, đồng chí Jo Yong Won, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ghi sổ tang tại Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên. Trong sổ tang, đồng chí Jo Yong Won viết: Công lao bất diệt của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ còn mãi trong lòng người dân Việt Nam và Triều Tiên.
Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh thay mặt Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam. Viết trong sổ tang, Bộ trưởng Rajnath Singh bày tỏ tình đoàn kết và chia buồn với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc tăng cường mối quan hệ bền vững lâu đời và đáng tin cậy Việt Nam - Ấn Độ.
Tại Singapore, Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Hiển Long đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Viết trong sổ tang tại Đại sứ quán Việt Nam, Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Hiển Long bày tỏ chia buồn sâu sắc với nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những cống hiến xuất sắc cho đất nước, qua đó giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Theo Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Hiển Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đóng góp quan trọng vào củng cố và thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) Solly Mapaila đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Nam Phi. Trong sổ tang, đồng chí Solly Mapaila viết:
"Chúng tôi xin bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc nhất tới nhân dân Việt Nam và gia đình Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính yêu".
Tổng Bí thư Solly Mapaila khẳng định, SACP cùng ban lãnh đạo và các thành viên sẽ luôn ghi nhớ những nỗ lực to lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đấu tranh lâu dài chống đế quốc xâm lược.
"Những tấm gương vĩ đại này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp nối và chúng ta tự hào về những đóng góp của ông trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế vì chủ nghĩa xã hội và lãnh đạo nhân dân Việt Nam anh hùng xây dựng chủ nghĩa xã hội tự cường và bền vững. Cầu mong tinh thần đấu tranh của ông sẽ sống mãi...", Tổng Bí thư Solly Mapaila viết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cũng đã long trọng tổ chức lễ viếng và mở sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Toàn bộ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng gia đình đã tham dự lễ viếng. Trong ngày đầu mở sổ tang, đông đảo đoàn ngoại giao đã tới viếng và ghi sổ tang, gửi điện chia buồn, tỏ lòng thương tiếc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia, các điểm trông giữ xe miễn phí cho người dân mở cửa phục vụ liên tục trong thời gian tổ chức lễ viếng, tạo thuận lợi nhất cho người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khoảng 17h35.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Vũ Quang Quyền, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, từ khi có thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông và người dân trên địa bàn đều tiếc thương vô hạn. Tình cảm đó không chỉ là của một đảng viên với vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, với một tấm lòng luôn vì nước, vì dân mà còn thân thuộc, gần gũi như ruột thịt.
"Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, qua những giai đoạn khác nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương sáng của người cộng sản kiên trung, cả đời vì nước, vì dân. Chúng tôi xin thắp nén tâm nhang hướng về Tổng Bí thư", ông Quyền bày tỏ.
Còn đối với bà Vũ Thị Hòa, số 73 phố Hàng Gai, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng Bí thư thực sự là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo. Bà chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi kịp đăng ký viếng Tổng Bí thư vào tối nay (25-7), tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Trong tâm thức mỗi người dân như chúng tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn rất gần gũi, là người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".
Hòa trong dòng người xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Hữu Sèn (79 tuổi) và bà Nguyễn Thị Mưu (75 tuổi) cho biết, hai ông bà đã dậy từ 3h ngày 25-7, đón xe đi Hà Nội.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “trái tim hồng” của Đảng, là nhà lãnh đạo của nhân dân, luôn quan tâm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tổng Bí thư sẽ sống mãi trong lòng dân. Nhân dân mãi khắc ghi những đóng góp của ông với đất nước, với nhân dân”, bà Mưu xúc động chia sẻ.
Đến từ Tổ dân phố 17, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, ông Chu Văn Đằng (82 tuổi) và ông Nguyễn Kiêm Hiền (71 tuổi), cựu chiến binh Sư đoàn 361 cho biết đã đến nhà tang lễ từ 14h với mong muốn được thắp hương kính viếng Tổng Bí thư.
Bày tỏ sự ấn tượng sâu sắc với kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng và Tổng Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện suốt những năm qua, ông Chu Văn Đằng cho biết: Với quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư đã kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm. Ông cũng là nhà ngoại giao tài tình với việc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc trên thế giới. Tổng Bí thư cũng là tấm gương sáng về sự thanh liêm, chính trực, với lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân, khiến bất kỳ ai cũng yêu mến, cảm phục và tiếc thương khi ông về với tổ tiên theo quy luật tự nhiên.
Cựu chiến binh Nguyễn Kiêm Hiền (71 tuổi) cũng xúc động chia sẻ: Với di sản Tổng Bí thư để lại, đất nước ta sẽ từng bước vượt qua khó khăn, trở thành quốc gia phát triển bền vững. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, người dân sẽ được hưởng ấm no, hạnh phúc.
Hình ảnh dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 - Trần Thánh Tông):
Đoàn đại biểu Liên bang Nga do Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Pyotr Tolstoy dẫn đầu, đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Với lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc, Báo Hànộimới số ra ngày hôm nay, 25-7, đã dành phần lớn dung lượng để trang trọng đưa thông tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các bài viết về những đóng góp to lớn của đồng chí với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân cũng như niềm tiếc thương, kính trọng của người dân Thủ đô dành cho nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một trái tim lớn luôn vì đất nước, vì nhân dân.
Theo Ban Tổ chức, tính đến 14h30', đã có 630 đoàn với hơn 23.600 người tới viếng tại quê nhà ủa Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, như đoàn các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng; các quận, huyện của Hà Nội và các xã trên địa bàn huyện Đông Anh…
Từ đầu làng Lại Đà, xuyên trưa, hàng dài người dân đến từ các tỉnh, thành phố nối tiếp nhau, lặng lẽ đợi vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người đã di chuyển từ 4h sáng, thậm chí có người đi từ 1h sáng, để kịp dự Lễ viếng Tổng Bí thư.
Ở đầu làng, đoàn học sinh Trường THCS Phù Đổng, huyện Gia Lâm xếp hàng từ 13h, chờ được vào viếng Tổng Bí thư. Xúc động chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, em Đỗ Bách Khang học sinh lớp 7A1 nói: "Em chưa được gặp Tổng Bí thư bao giờ nhưng qua đọc báo, xem tivi, em thấy Tổng Bí thư là một người phúc hậu, gần gũi. Hôm nay, được về đây viếng Tổng Bí thư, em rất xúc động! Em xin hứa sẽ nỗ lực, chăm ngoan, học giỏi để có thể cống hiến cho đất nước".
Đoàn cựu chiến binh chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên không kìm được nước mắt khi vào thắp nén tâm nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cựu chiến binh Nguyễn Quang Trung cho biết: "Được tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, những người lính như chúng tôi rất đau xót, tiếc thương. Tổng Bí thư là cán bộ kiên trung, hiếm có, liêm khiết, luôn giương cao ngọn cờ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãnh đạo Đảng, đất nước và nhân dân kiên định trên con đường chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi nguyện gương mẫu để con cháu noi theo, xứng đáng là người lính của Cụ Hồ".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Những cơn mưa bất chợt chiều 25-7 không ngăn được dòng người tập trung trước Hội trường Thống Nhất chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dưới mưa, hàng nghìn người kiên nhẫn xếp hàng dài từ sân ra đến tận cổng chính Hội trường Thống Nhất. Thành phố Hồ Chí Minh đang trong mùa mưa nên những cơn mưa ào đến rồi tạnh, sau đó lại rào rào trút xuống.
Đứng trong dòng người chờ viếng, bà Lê Thị Kim Liên (73 tuổi, quê Lâm Đồng) cho biết, bà bắt xe từ Lâm Đồng đến và có mặt từ 5h sáng tại khu vực Hội trường Thống Nhất với tâm nguyện vào thắp nén nhang kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Chúng tôi yêu mến, kính trọng Tổng Bí thư - người có công lao lớn trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vững mạnh, để nhân dân được ấm no, hạnh phúc" - bà Liên xúc động nói.
Áo ướt đẫm vì mưa, Lê Ngọc Sang (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đã cùng nhóm bạn tới Hội trường Thống Nhất từ đầu giờ chiều. Sang chia sẻ: “Nhóm chúng em mong một lần được cúi đầu trước di ảnh của bác Tổng Bí thư và nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng đất nước".
Cùng với lễ viếng cấp quốc gia tại Hội trường Thống Nhất, nhiều địa phương, điểm tôn giáo và khu dân cư tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc - đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không quản đường sá xa xôi, hàng vạn người dân khắp cả nước đã về quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ niềm thương tiếc, tiễn biệt nhà lãnh đạo lỗi lạc mà giản dị. Chiều nay, dòng người ở thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) tiếp tục xếp thành hàng dài chờ viếng. Nhiều người mang theo di ảnh Tổng Bí thư.
Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cả nước không có điều kiện trực tiếp viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã theo dõi chương trình tường thuật lễ viếng trên sóng truyền hình. Mọi người bày tỏ lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân.
*Hải Dương: Đường phố trầm lắng trong ngày Quốc tang
Theo Báo Hải Dương, sáng 25-7, khi Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu được tổ chức, các cơ sở vui chơi, giải trí ở Hải Dương đã dừng hoạt động. Đường phố trở nên trầm lặng, đồng loạt treo cờ rủ.
*Thanh Hóa: Khắc sâu hình ảnh người lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân
Báo Thanh Hoá chia sẻ cảm xúc của ông Lương Văn Bường, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Thanh Hóa.
Ông Lương Văn Bường nhớ lại, năm 2011, khi cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành 2 ngày đến thăm đồng bào các dân tộc huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa): "Lần ấy về Mường Lát, Tổng Bí thư đã dành nhiều thời gian đi thực tế, đến thăm, nói chuyện thân mật với bà con dân tộc Mông ở bản Khằm I (xã Trung Lý), bà con dân tộc Thái ở bản Sáng (xã Quang Chiểu) và tìm hiểu tình hình thực tế tại xã Mường Chanh (xã biên giới xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa). Ở mỗi nơi Tổng Bí thư đến thăm, từ trẻ con đến người già đều nhớ những lời căn cặn, cử chỉ chan chứa tình cảm ấm áp và gần gũi của người lãnh đạo cao nhất của Đảng với người dân".
* Thừa Thiên - Huế: Tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngày 25-7, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tổ đình Từ Đàm, đường Phan Bội Châu, thành phố Huế.
* Kiên Giang: Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nỗi đau chung của toàn dân tộc
Báo Kiên Giang dẫn chia sẻ của bà Trần Thị Kim - Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang: "Tôi đã khóc tiếc thương vị lãnh đạo tài ba của dân tộc. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Không riêng tôi, nhiều người dân ở tỉnh Kiên Giang cùng có tâm trạng tiếc thương. Tôi cùng nhiều đảng viên và người dân tỉnh Kiên Giang nguyện tiếp tục học tập và noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đoàn kết, quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh".
Sáng nay, tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, rất đông người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ những học sinh, sinh viên đến những người lớn tuổi, những người ở tỉnh xa về Thủ đô, tất cả đều một lòng hướng về Tổng Bí thư với niềm xúc động và tiếc thương sâu sắc.
Các tuyến phố Nguyễn Cao, Lò Đúc, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tông, Tăng Bạt Hổ... quanh Nhà tang lễ, dòng người kiên nhẫn xếp hàng đợi vào viếng. Lẫn trong dòng người có tiếng sụt sùi, nức nở...
Lào trang trọng tổ chức lễ Quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, bắt đầu từ 8h sáng nay, tại thủ đô Viêng Chăn, trụ sở Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Lào, trụ sở Văn phòng Quốc hội và trước đó là tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Lễ Quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tổ chức trang trọng.
Lễ viếng trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Campuchia
Sáng 25-7, tại thủ đô Phnom Penh, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã treo cờ rủ, mở sổ tang, tổ chức trọng thể lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngày 24-7 (giờ New York), các Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc (LHQ) và Đại sứ các nước tại LHQ đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ ở New York (Mỹ).
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ tang, từ 18h ngày 25-7, nhân dân sẽ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô sáng nay đã tập trung về Nhà tang lễ Quốc gia với mong muốn được thắp nén nhang thơm kính tiễn Tổng Bí thư về với tổ tiên và các vị tiền bối.
Mặc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, song cụ Nguyễn Văn Cần, 84 tuổi (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) có mặt tại nhà tang lễ từ rất sớm.
“Trong cảm nhận của tôi, Tổng Bí thư là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh đạo xuất sắc nhưng gần gũi, giản dị hết lòng vì đất nước, vì nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Quan hệ đối ngoại của đất nước ta cũng đặc biệt phát triển. Rất nhiều đối tác lớn đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao bền chặt với đất nước ta” - cụ Nguyễn Văn Cần nói.
Là một trong hơn 4.000 thanh niên Thủ đô tình nguyện phục vụ Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bạn Vũ Minh Quân (sinh năm 2001) cho biết đã cùng các đoàn viên có mặt từ rất sớm tại Nhà tang lễ quốc gia làm nhiệm vụ hỗ trợ phân luồng giao thông và nhân dân đến dự lễ viếng.
“Đối với em, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo đã dành trọn cuộc đời phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, thế hệ trẻ chúng em sẽ noi theo tấm gương Tổng Bí thư, đóng góp cho cộng đồng, góp một phần nhỏ để Thủ đô ngày càng phát triển” - sinh viên Vũ Minh Quân bày tỏ.
Cùng với đông đảo người dân Thủ đô, ông Nguyễn Ngọc Triển, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Tập đoàn thương binh Sao Vàng cũng đến Nhà tang lễ Quốc gia bày tỏ lòng tiếc thương với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Tôi mong được thắp một nén nhang thơm để tiễn biệt Tổng Bí thư. Với chúng tôi, Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo có tư duy, tầm nhìn chiến lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Tổng Bí thư, kinh tế đất nước ta ngày càng phát triển. Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện, giúp đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho Thủ đô, đất nước", ông Nguyễn Ngọc Triển bày tỏ.
Trong niềm xúc động, tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đúng 6h sáng 25-7, cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở các điểm, đảo trên huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1/9 (Vùng 2 Hải quân) đã làm lễ treo cờ rủ và tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương.
Với nhiệm vụ trực chiến 24/24, các Nhà giàn DK1, Vùng 2 Hải quân luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, trực canh, trực ca đúng quy định, quan sát, phát hiện kịp thời, chính xác các mục tiêu, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, báo cáo về sở chỉ huy, xử trí khôn khéo, đúng đối sách, có hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Tại quận Ba Đình, không khí Quốc tang diễn ra trang nghiêm, thành kính với niềm tiếc thương vô hạn.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, ngay từ sáng sớm 25-7, người dân chăm chú theo dõi truyền hình trực tiếp lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
UBND quận Ba Đình cho biết, ngày 24-7, trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; trụ sở Đảng ủy, UBND 14 phường; các tổ chức chính trị - xã hội đã treo cờ rủ. Trước khi bắt đầu cuộc họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8-2024 diễn ra sáng 25-7, toàn thể UBND quận Ba Đình và các đơn vị trực thuộc đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chị Phạm Thu Phương, Phó Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam quận Ba Đình cho biết, lực lượng đoàn viên, thanh niên quận được huy động tham gia trực và điều tiết giao thông tại 3 nút giao thông trên địa bàn quận trong 2 ngày Quốc tang; ứng trực trên các tuyến đường mà xe rước linh cữu Tổng Bí thư đi qua, khoảng 200m sẽ bố trí 1 điểm cung cấp nước uống miễn phí, có bố trí áo mưa phục vụ nhân dân. Ngày 26-7, Quận đoàn tổ chức Đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia.
Ông Nguyễn Vy Yên (phường Ngọc Khánh) xúc động cho biết: "Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi hụt hẫng như mất đi một người thân. Tôi may mắn được gặp Tổng Bí thư qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp, nghĩa tình của người đứng đầu đất nước. Tầm nhìn trí tuệ, tư duy chiến lược, một nhân cách lớn, bác Trọng rất giản dị, truyền cảm hứng và tạo niềm tin yêu với nhân dân".
Đúng 7h, tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ghi nhận của phóng viên sáng 25-7 xung quanh khu vực diễn ra Lễ tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất: Ngay từ 5h sáng, phía ngoài khuôn viên Hội trường đã có nhiều đoàn từ các tỉnh, thành đến chờ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh các đoàn, đông đảo người dân tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đến đăng ký viếng. Dòng người trật tự xếp hàng vào đăng ký.
Các lực lượng chức năng đã túc trực, tổ chức điều phối, đảm bảo giao thông thông thoáng từ các ngả đường hướng về Hội trường Thống Nhất.
Các cơ quan, công sở, nơi công cộng và nhà dân treo cờ rủ để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Vương Khắc Duy, hiện trú tại quận Long Biên - bạn học Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cấp 1, cấp 2. Dù đã ngoài 80 tuổi, chân yếu không đi lại được nhưng từ sáng sớm, ông Duy đã bảo các con đưa tới Nhà Văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) để thắp nén nhang tiễn bạn.
Ông Duy chia sẻ: "Tôi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi cùng bàn, củ khoai chia đôi, đi chân đất, mặc quần áo nâu đến trường. Lúc đó nghèo lắm, nhưng được đi học là quý lắm rồi. Chúng tôi học với nhau từ lớp 1, rất nhiều học sinh, nhưng lúc nào cô giáo cũng nhắc, nhớ tới tôi và đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Khi học cấp 2 trường Nguyễn Gia Thiều, chúng tôi phải đi qua sông Đuống, lúc đó phải đi đò, có lần đò muộn nên phải bơi qua sông. Anh em tôi sống với nhau như tri kỷ, thân thiết…".
Vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia còn có các đoàn: Đoàn Ban Tổ chức Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng làm Trưởng đoàn; Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú làm Trưởng đoàn; Đoàn Ban Nội chính Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc làm Trưởng đoàn; Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm Trưởng đoàn.
Đoàn Đảng ủy Công an Trung ương do Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Trưởng đoàn; Đoàn cựu sinh viên lớp Văn khóa VIII (1963-1967) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - là những người bạn học đại học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cùng các đoàn đại diện các bộ, ban, ngành trung ương... cũng đã vào viếng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Phạm Thị Hà, công nhân Tổ Môi trường 8, thuộc Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị cho biết, 5 giờ sáng nay, các công nhân trong tổ đã có mặt để phục vụ Quốc tang.
“Trong trái tim tôi cũng như tất cả những người dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vị lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân. Ông đã dành trọn cả cuộc đời để cống hiến và phục vụ nhân dân”, chị Hà xúc động chia sẻ.
Trong dòng người chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia, ông Vũ Ngọc Trâm, 71 tuổi, hiện sinh sống tại số 3, ngõ 104, phố Kẻ Vẽ, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, cũng có mặt từ rất sớm. Ông Trâm cho biết, ông đi xe buýt từ 5 giờ sáng để có mặt tại Nhà tang lễ trước 7 giờ với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư kính mến.
"Đối với cá nhân tôi, Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo đáng kính gần gũi với nhân dân. Chúng tôi cũng đặc biệt ấn tượng trước những kết quả của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng do đồng chí lãnh đạo. Tổng Bí thư ra đi nhưng tôi tin tưởng rằng, những đóng góp, cống hiến của đồng chí sẽ còn mãi", ông Trâm chia sẻ.
Từ trước 7 giờ sáng, đoàn 20 người bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lớp Văn khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp đã có mặt trước cửa Nhà tang lễ Quốc gia với mong muốn được tiễn đưa người bạn học cùng lớp gần gũi chân thành giản dị.
Bác Đặng Thị Yến, nguyên phóng viên Báo Nhân Dân, bạn học cùng lớp với đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Trong ký ức của chúng tôi, anh Trọng là một người bạn giản dị, chân thành. Dù ở cương vị của anh, thời gian quá bận rộn nhưng cuộc họp lớp nào anh cũng cố gắng dành thời gian để hỏi thăm từng người. Có bạn nào tổ chức đám cưới cho con, anh cũng đều thu xếp thời gian tham dự nhưng cũng chia sẻ rất chân thành, mỗi bạn anh chỉ có thể đến dự đám cưới của một cháu để chia vui cùng gia đình. Sự giản dị, gần gũi của anh khiến chúng tôi rất cảm động”.
Bà Nguyễn Thị Hòa, một người bạn cùng lớp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ, ngoài nhóm 20 cựu sinh viên khóa 8, khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm lớp Văn, khóa 8 dù đã ngoài 90 tuổi cũng đến viếng người học trò cũ của mình.
“Mỗi lần đến họp lớp, anh Trọng rất vui. Anh cũng nói rất chân thành, khi tôi bước chân vào đây, xin được bỏ lại ngoài cánh cửa kia mọi chức vụ. Chúng ta chỉ là những người bạn thôi. Anh Trọng vẫn luôn như vậy với các bạn, rất giản dị, chân thành”, bà Nguyễn Thị Hòa xúc động nhớ lại.
Tại Nhà tang lễ quốc gia trong sáng nay còn có Đoàn Liên minh châu Âu do Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell làm Trưởng đoàn; Đoàn Cộng hòa Vanuatu do Tổng chưởng lý Arnold Kiel Loughman làm Trưởng đoàn; Đoàn Liên bang Thụy Sĩ do Quốc vụ khanh phụ trách Bộ Ngoại giao Alexandre Fasel làm Trưởng đoàn... vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội (huyện Đông Anh) - quê hương Tổng Bí thư, người dân khắp nơi đến từ sáng sớm, có người có mặt tối hôm trước để kịp đăng ký viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Văn hóa thôn.
Đúng 7h, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu.
Đại diện Tiểu ban Tang lễ tại Nhà Văn hóa thôn Lại Đà có đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Mở đầu Lễ viếng, đoàn gia tộc nội, ngoại của đồng chí Tổng Bí thư do ông Nguyễn Phú Thi làm Trưởng đoàn vào viếng.
Tiếp đó là Đoàn Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn vào viếng.
Tiếp theo là Chi bộ Đảng và nhân dân thôn Lại Đà do đồng chí Ngô Duy Dũng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn làm Trưởng đoàn.
Trong dòng người xếp hàng vào dâng hương kính viếng Tổng Bí thư, ông Phạm Tuấn Thành (72 tuổi) ở xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) cho biết: "Từ hôm nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bao đêm tôi không ngủ được. Cả cuộc đời, bác Nguyễn Phú Trọng đã tận tâm cống hiến tài năng cho cách mạng, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh; khẳng định vị thế của đất nước trên chính trường quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân cách lớn, một trái tim nhân hậu, cả đời hết lòng vì nước, vì dân. Từ 4h sáng 24-7, tôi đã thuê xe đi từ huyện Hoài Đức về xã Đông Hội và được bố trí chỗ ở, đến sáng nay 25-7, được vào viếng bác".
Còn ông Ngô Duy Chi - đảng viên chi bộ thôn Lại Đà xúc động nói: Nghe tin bác Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi cũng như mọi người dân trong thôn rất bàng hoàng, xúc động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời. Đặc biệt, mỗi khi Tổng Bí thư về thăm quê, tôi đều được gặp, ông là người rất chan hòa, tình cảm với người dân, ân cần hỏi thăm làng xóm, bạn bè…
Trước đó, từ 6h đến 6h40, đại biểu gia đình, người thân và nhân dân thôn Lại Đà đã xếp hàng vào viếng, dâng nén hương tri ân, kính tiễn Tổng Bí thư về với “thế giới người hiền”, tiên tổ…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước ta, đồng chí còn là người con ưu tú, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đã vào viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Tham gia đoàn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy: Phạm Quang Nghị, Đinh Tiến Dũng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Thành kính dâng hương bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí và chia sẻ, động viên với người thân gia đình đồng chí.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô ghi sổ tang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài xúc động viết:
"Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô Hà Nội vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo lỗi lạc, có uy tín lớn, nhà lý luận, nhà văn hóa uyên bác, người cộng sản kiên trung, chân chính, trọn đời vì nước vì dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước của dân tộc ta".
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong gần 60 năm công tác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho cách mạng, cho Đảng, nhân dân ta hệ thống lý luận về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt là văn hóa, ngoại giao. Đồng chí Tổng Bí thư là người cầm lái tài ba, lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi sóng gió, khó khăn, thách thức để lãnh đạo đất nước giữ vững ổn định chính trị, hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân ấm no hạnh phúc.
"Cả cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về sự mẫu mực, liêm chính, chí công, vô tư. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng đồng chí Tổng Bí thư hết sức bình dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân kính trọng, tin tưởng, được bạn bè quốc tế trân trọng đánh giá cao" - đồng chí Bùi Thị Minh Hoài viết.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là tổn thất không gì bù đắp được, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội cùng Nhân dân cả nước.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nêu rõ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô xin biến đau thương thành hành động, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu vững bước trên con đường cách mạng, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ, các bậc tiền bối mà đồng chí đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại như mong ước trọn đời của đồng chí.
"Trong giờ phút xúc động này, chúng tôi nguyện suốt đời học tập và noi theo tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt trước anh linh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" - đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội viết.
Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm Trưởng đoàn.
Tham gia đoàn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu các tổ chức, đoàn thể thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các tầng lớp nhân dân.
Ghi sổ tang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến viết: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin thắp nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư kính mến, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người lãnh đạo tài năng, kiệt xuất, nhà lý luận sắc bén, nhà văn hóa lớn".
"Chúng ta luôn khắc ghi những lời căn dặn sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư: "Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất", "lấy yêu dân làm động lực thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "phải xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Đỗ Văn Chiến viết.
Đoàn Quốc hội vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn có các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ.
Trong niềm xúc động, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết: “Vô cùng tiếc thương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân. Đồng chí đã dành thời gian, công sức, trí tuệ đối với vấn đề đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; có định hướng quan trọng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, nhân dân cả nước. Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào, gia quyến và bạn bè quốc tế.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí; nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, các thế hệ đi trước và đồng chí đã lựa chọn. Trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này, xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất. Xin vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến!”
Đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu vào viếng và chia buồn cùng gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tham gia đoàn có các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng.
Ghi sổ tang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm viết:
Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên Cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn lớn của nhân dân thế giới, người đã dành trọn vẹn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân, có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào Cộng sản quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của đồng chí, chúng tôi nguyện học tập, noi gương đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.
Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.
Đoàn Chính phủ do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tham gia đoàn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động ghi sổ tang:
"Trước anh linh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao to lớn, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời đại mới.
Chúng tôi nguyện noi gương, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hết mình để bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Xin kính cẩn nghiêng mình biết ơn, học tập, noi gương và vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Mở đầu lễ viếng, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu lãnh đạo các cơ quan trung ương.
Trân trọng tiếc thương người đồng chí suốt đời cống hiến vì lý tưởng cách mạng của Đảng, có đóng góp to lớn về lý luận và công tác xây dựng Đảng, người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Đúng 7h, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể.
Dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu lãnh đạo các cơ quan trung ương.
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự lễ viếng có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Điều hành lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang cho biết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 (tức ngày 14 tháng Sáu năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Trong gần 60 năm công tác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
"Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến đồng chí. Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang", đồng chí Lương Cường nhấn mạnh.
Ban Lễ tang gồm 35 đồng chí. Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Trưởng ban Lễ tang. Ban Tổ chức Lễ tang gồm 27 đồng chí, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là Trưởng ban.
6h sáng nay, Lễ treo cờ rủ đã diễn ra trọng thể tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đánh dấu thời điểm diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 25-26/7.
Đội tiêu binh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mang theo lá cờ được gắn dải băng tang thực hiện nghi thức treo cờ.
Rất đông người dân đã có mặt ở Quảng trường Ba Đình từ sớm để chứng kiến Lễ treo cờ rủ. Khi lá cờ được kéo lên, nhiều người đã không kìm được nước mắt xúc động.
Sáng nay, 25-7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 phố Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25-7-2024 và từ 7h đến 13h ngày 26-7-2024.
Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26-7-2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 phố Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Cùng thời gian trên, Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 15h ngày 26-7-2024 tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang. Trong hai ngày Quốc tang (25 và 26-7-2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.