Chính trị

Người lĩnh xướng bản hùng ca chính khí

Nguyễn Sĩ Đại 25/07/2024 08:15

Ngày 19-7-2024, vào hồi 13h38, một trái tim lớn đã ngừng đập! Cả đất nước Việt Nam như ngưng lặng trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người được toàn thể nhân dân kính yêu, ngưỡng mộ đã từ trần. Không có lời nào có thể diễn tả được sự bàng hoàng, thương tiếc trước sự ra đi của một con người mà nhân dân hết mực tin yêu và hy vọng...

cover-copy-2560x1440.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Nhân Dân

Lịch sử từng ghi dấu chiến công hiển hách của dân tộc trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược; những bước đi thần kỳ qua hàng nghìn năm mở cõi, thống nhất giang san.

Lịch sử cũng cần ghi lại những năm tháng đau thương, không chỉ giặc ngoài mà chủ yếu bởi nội xâm, kẻ thù bên trong của chính chúng ta.

Lê-nin từng nói: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”.

Cái tự tan rã, cái lỗi lầm không kịp sửa chữa như Lê-nin nói là gì? Người đương thời có thể cảm nhận thấy gần nửa thế kỷ ấy, tiêu cực xã hội từ quan liêu, tham nhũng đến lợi ích nhóm, tình trạng suy thoái biến chất, phản bội lý tưởng, suy đồi về đạo đức có dấu hiệu lây lan khắp xã hội, thấm sâu ở mọi cơ tầng. Tài nguyên biển rừng, đất đai bị các nhóm lợi ích vẫy vùng chiếm đoạt. Nhiều án oan hàng chục năm vẫn không được cứu xét. Nhiều cán bộ lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao, tham nhũng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Mặt trái của cơ chế thị trường đã biến xã hội thành một xã hội đậm màu kim tiền, nén bạc đâm toạc nhiều tờ giấy, phá hủy nhiều thành trì, kể cả danh dự và nhân phẩm con người.

tan-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tuyen-the-nham-chuc-24-15402953462871027703080.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được toàn thể nhân dân Việt Nam hết mực tin yêu. Ảnh: Báo Tổ quốc

Các thế hệ con cháu sau này sẽ đọc trong chính sử qua những nguồn chính thống, đáng tin cậy như các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nhấn mạnh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh”. Tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh ngày 7-5-2011, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang khi đó đau xót nói: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết” cái đất nước này".

Trong tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng không chỉ tác hại về vật chất mà còn “làm hư hỏng, làm mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới”.

May thay, trong Đảng còn nhiều đồng chí trong sáng, trung kiên. Trong số những con người trong sáng, trung kiên ấy, nổi lên một ngôi sao sáng nhất. Ngôi sao ấy rồi lịch sử sẽ càng nhìn, càng thấy sáng. Đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con Hà Nội; người chiến sĩ cộng sản Mác - Lê-nin chân chính; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; người anh hùng của sự nghiệp bình định cái xấu cái ác; người nhóm lò (blazing furnace) thiêu rụi những cành sâu, nhen lại những mầm xanh, đưa đất nước trở lại thái bình, củng cố lòng tin của Dân đối với Đảng; người lĩnh xướng bài ca chính khí.

Cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực, cũng là một cuộc kháng chiến. Về một khía cạnh nào đó, nó còn trường kỳ, khó khăn, phức tạp hơn kháng chiến chống xâm lược và chiến thắng hay thất bại của nó có tác động sâu xa đến con người. Nó có thể làm vinh quang hay xóa nhòa tất cả mọi giá trị mà dân tộc và cách mạng đã từng đạt được trong quá khứ.

Con người ấy cũng bình thường như bao con người khác. Ông sinh ngày 14-4-1944 trong một gia đình nông dân ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, một vùng quê nghèo như bao vùng quê khác.

Từ một thanh niên nông thôn đến người lãnh đạo cao nhất của Đảng, có uy tín cao trên trường quốc tế, là tấm gương của một cuộc đời sáng trong, phấn đấu không ngừng nghỉ; là minh chứng hùng hồn cho sự vĩ đại của cách mạng, của chủ nghĩa xã hội, nơi con người có thể phát huy hết khả năng và sự cống hiến của mình.

Là thế hệ sinh ra và lớn lên từ Cách mạng Tháng Tám, trái tim ông từ nhỏ đã nhuộm hồng ánh sáng của lý tưởng, được giáo dục để có một niềm tin sắt son và tình yêu máu thịt đối với nhân dân, đất nước và chủ nghĩa xã hội. Trước khi trở thành chính khách, thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, ông là một nhà báo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Trước khi là nhà báo, ông là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, một ngôi trường hàng đầu về đào tạo tri thức, nơi hướng con người về cái đẹp và chủ nghĩa nhân văn.

Ông là người được học tập, đào tạo một cách cơ bản; nhưng cơ bản hơn, ông là người tự mình không giây phút nào ngưng nghỉ việc học, việc rèn mình, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành công việc ở mức cao nhất; để biến mình thành một thứ thép đã tôi, một người “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó chẳng đổi thay, uy vũ không khuất phục”.

Trong cuộc sống đời thường, ông sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành, gần gũi đồng bào, đồng chí; hơi thở không vướng bả vinh hoa, không gợn mùi vật chất. Ông luôn đề cao danh dự và nhắc nhở làm người, nhất là người đảng viên phải đặt danh dự lên trên hết, tinh thần vì dân lên trên hết.

Cuộc đời của ông là một cuộc đời tự nguyện làm một đóa hướng dương; một người cộng sản hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp vì nước, vì dân.

Đặc biệt, từ khi được bầu làm Tổng Bí thư (năm 2011), Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (năm 2013) đến nay, ở vị trí người cầm cờ, vị trí người lãnh đạo cao nhất của Đảng, chịu trách nhiệm chính trị cao cả trước toàn Đảng, toàn dân, chịu sự soi rọi của quá khứ và thôi thúc tương lai, trước khát vọng con người, khát vọng của cả dân tộc; mang trong mình nỗi đau, trách nhiệm của hàng triệu đảng viên chân chính, bao nhiêu giọt nước mắt đau thương xót mặn của những người dân từ lâu trong trái tim ông đã chảy thành giọt nước mắt rơi trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 15-10-2012.

Giọt nước mắt ấy không rơi vào quên lãng!

Giọt nước mắt ấy đã rơi vào lịch sử, rơi vào sự xúc động chân thành, cảm thông và tha thứ của nhân dân. Nó biến thành sức mạnh tập hợp, biến thành quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và truyền niềm tin sắt đá cho toàn Đảng, toàn dân: “Không ai, ngoài người cộng sản, có thể chiến thắng được chính mình, để chiến thắng mọi kẻ thù, để làm nên mùa xuân thật sự của nhân loại”.

Rồi mai sau lịch sử sẽ đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thế nào, chúng ta chưa biết. Nhưng người dân hôm nay gọi ông một cách trìu mến, khâm phục: “Người đốt lò”, người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng - Đảng của nhân dân, Đảng của Bác Hồ; khơi dậy sức mạnh của lương tri và phẩm giá con người.

Nhà báo Hàn Quốc Jung Rina viết: “Trên đôi vai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, không chỉ có sự kỳ vọng của nhân dân Việt Nam mà còn là niềm tin của bạn bè quốc tế như chúng tôi... Trong mười năm gắn bó với Việt Nam, tôi đã khẳng định được rằng, niềm tin của mình đã đặt đúng chỗ”.

Bạn bè quốc tế tin như vậy. Nhân dân Việt Nam càng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết, nỗ lực cao hơn nữa để xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất; nhân dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Đó là sự phấn đấu cho mình, cũng là tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ vĩ đại, với các bậc tiền bối đã hết lòng vì nước, vì dân như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lĩnh xướng bản hùng ca chính khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.