Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa, con người Hà Nội: Phát triển theo hướng bền vững

Nguyễn Thanh| 25/01/2023 07:37

(HNM) - Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu phát triển văn hóa, con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã giành được nhiều kết quả quan trọng, từng bước vươn tới mục tiêu đưa văn hóa trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh, quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Đám cưới tập thể theo nếp sống mới được Thành đoàn Hà Nội tích cực triển khai, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhiều nhiệm vụ “về đích“

Sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2022 được xác định là thời điểm “bứt phá” của nhiều công tác, nhiệm vụ thuộc Chương trình số 06-CTr/TU. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, yêu cầu sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Kết quả, đã có 8/9 nhiệm vụ của năm được hoàn thành, trong đó, nhiều nhiệm vụ “về đích” trước thời hạn.

Nổi bật là việc Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU đã tham mưu với Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu với HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, nếu như Nghị quyết số 09-NQ/TU là kim chỉ nam cho sự phát triển của văn hóa trong thời gian tới, thì Nghị quyết số 02/NQ-HĐND “gỡ khó” cho một trong những mảng nhiều vấn đề nan giải là tu bổ, tôn tạo di tích. “Cũng trong thời gian này, nhiều nghị quyết khác được ban hành, cụ thể hóa sự quan tâm của Hà Nội về phát triển văn hóa, như: Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân và các câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; quy định mức chi tiền thưởng cho các giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao quần chúng…”, ông Đỗ Đình Hồng nói.

Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai sâu rộng từ thành phố tới cơ sở... với những cách làm đa dạng, phong phú, như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị Hà Nội lần thứ I - năm 2022; Cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” chào mừng Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31); Cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố; cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”…

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Lê Thị Kim Anh cho biết, trong năm 2022 các cấp hội đã tổ chức 288 buổi tuyên truyền, ra mắt 22 mô hình “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; tích cực hưởng ứng các hoạt động, sự kiện: Hội thi dân vũ thể thao, Cuộc thi “Nữ doanh nhân tâm tài - thanh lịch”, Ngày hội “Áo dài xuống phố”…, tiếp tục tạo sức ảnh hưởng sâu rộng cho phong trào, góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Khơi nguồn sức mạnh nội sinh

Cùng với đà khôi phục kinh tế sau đại dịch, du lịch Hà Nội đã có bước phục hồi tốt, khi thu hút gần 19 triệu lượt khách, đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ. Việc đăng cai tổ chức thành công SEA Games 31 cũng đánh dấu sự khởi đầu mở cửa của cả khu vực; đồng thời chứng minh với thế giới về khả năng tổ chức sự kiện, lan tỏa hình ảnh đậm nét về văn hóa, con người Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng tới bạn bè quốc tế...

Năm 2022 cũng đánh dấu sự bùng nổ của các sự kiện, hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa sau 3 năm “chững lại” vì đại dịch Covid-19, trong đó phải kể đến Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 với quy mô lớn chưa từng có cả về không gian, thời gian và số lượng sự kiện, hoạt động. Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn (đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 là cơ hội để thành phố quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo; đồng thời dẫn dắt, khơi nguồn sáng tạo tiềm ẩn trong các công dân thành phố. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 cũng là sự kiện khép lại 1 năm khởi động nhiều nhiệm vụ thực hiện cam kết khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Đối với nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030". Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học, góp phần mang lại kết quả học sinh Thủ đô dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế…

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong, việc triển khai Chương trình trong năm 2022 đã được tập trung chỉ đạo thực hiện, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch… Để đạt được kết quả tốt hơn, thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

“Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình từ thành phố tới cơ sở, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian được duyệt và khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định đối với các dự án mới…”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Về các chỉ tiêu, kế hoạch, đề án thuộc Chương trình số 06-CTr/TU, đã có 17/18 chỉ tiêu; 35/49 đề án, kế hoạch hoàn thành; 21 dự án được triển khai thành 28 dự án thành phần, trong đó 21 dự án đã có kế hoạch vốn là 14.200,6 tỷ đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa, con người Hà Nội: Phát triển theo hướng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.