(HNM) - Mới hai ngày trước, ngay trên sân nhà, tuyển quốc gia Việt Nam dốc hết sức mà không thắng nổi Malaysia. Một trận hòa như thua, bởi sau trận ấy, đội tuyển của chúng ta bị đánh bật khỏi trận chung kết AFF Suzuki Cup 2010.
Khoan nói thêm về huấn luyện viên, về chiến thuật, nhân sự đội tuyển, công tác trọng tài - những điều được báo chí cả nước mổ xẻ trong những ngày qua, ta nên bàn về cổ động viên (CĐV) Việt Nam, từ những điều thấy được ở giải đấu này và cả những gì diễn ra trước đó.
Những giải đấu chính thức có tuyển Việt Nam hay U23 tham dự, dù là ở Mỹ Đình hay Hàng Đẫy đều ghi dấu ấn của CĐV, cũng theo chiều hướng ngày một tiến bộ. Sau Tiger Cup 98, đặc biệt là sau các trận đấu ở Sea Games 22 (năm 2003) tổ chức tại Việt Nam mà ở đó, CĐV Việt Nam đã phô bày trọn vẹn tình yêu đội tuyển U23, nhiều người đã nhất trí "CĐV Việt Nam là nhất". Dư âm "nhất" kéo dài đến mãi sau này, đến nỗi cứ vào giải chính thức nào đó, như AFC Cup 2007, AFF Cup 2008… người ta lại lôi CĐV lên mặt báo, gặp lúc phấn khích có thể thành "thuộc hàng nhất thế giới" như chơi. Nhưng, một cách sòng phẳng thì phải tự hỏi "nhất ấy là nhất thế nào"?
Đúng là có thể chúng ta là nhất, nhưng là "nhất từ trước tới nay", so với chính ta chứ so với thế giới và ngay cả Đông Nam Á thì cái sự nhất còn phải xem xét.
Ngày chưa đoạt chức vô địch AFF Cup 2008, các cấp độ đội tuyển Việt Nam mang danh "vua về nhì", mà bao nhiêu lần thua trong trận chung kết là bấy nhiêu lần "vật thể lạ" được CĐV trút như mưa xuống sân cỏ. Hôm kia, sau pha phạm lỗi khá thô bạo của hậu vệ Việt Cường, CĐV ở khu vực cửa 8 khán đài A đã chửi rủa liên hồi, "cho đi ở" bao nhiêu ngô nướng, ngô luộc, chai nước mà họ có trong tay. Càng về cuối trận, tiếng hô cổ động càng thưa thớt, thay vào đó là những câu chửi tục, những lời rủ nhau bỏ về sớm. Tại sao CĐV ta "hết hơi" nhanh thế, thường "tắt điện" vào lúc mà cầu thủ dưới sân gặp khó, cần sự cổ vũ nhất? Tại sao những đợt sóng âm thanh "Việt Nam! Việt Nam!" thường không thể duy trì đủ lâu, đủ mạnh mẽ để tạo hiệu ứng đầy đủ?… Tính chuyên nghiệp và tính tổ chức nằm ở đâu?
Ghé mắt qua Indonesia sẽ thấy CĐV bạn chẳng kém gì ta, 88.000 người đến sân cổ vũ đội bóng của họ trong trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010, một màu đỏ rực bao trùm bốn phía khán đài, không như ở Mỹ Đình thường chỉ rực đỏ một góc khán đài B, còn lại là lốm đốm đỏ. Hãy xem vài nghìn CĐV Nhật Bản áp đảo gần 4 vạn CĐV ta (từng thời điểm) thế nào trong trận cuối vòng bảng AFC Cup 2007... Nhìn trong Đông Nam Á, châu Á đã thế, nói gì so bì với CĐV Đức, Anh, Tây Ban Nha mà ta thấy qua truyền hình vào mỗi cuối tuần.
Đã đến lúc dành sức cho việc xây dựng Hội CĐV Việt Nam thật mạnh, từ hạt nhân ấy mà nhân rộng lề lối cổ động văn minh, hình thành thứ văn hóa cổ động đích thực… Hội CĐV Việt Nam có thể đặt lên bàn hội nghị thường niên của họ (nếu có) nhiều câu hỏi để trao đổi. Tính tổ chức phải được coi trọng.
Chuyện cổ động bóng đá thể hiện tính xã hội rất cao, thành công - thất bại, hiệu quả thế nào phụ thuộc một phần vào tính tổ chức của Hội CĐV, sự đồng lòng hưởng ứng của CĐV, chứ không thể có được từ sự tự phát. Tình yêu bóng đá của CĐV Việt Nam thì đã rõ, nhưng tính tổ chức thì có thể công bằng mà nói, còn là chưa tốt. Yêu đội tuyển thì cần phải thẳng thắn rằng "CĐV ta chưa phải là nhất", "Yêu nhau như thế, chẳng bằng hại nhau", các cụ đã dạy vậy, ta chớ nên bỏ quên; đặng rút kinh nghiệm để giúp đội tuyển được nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.