Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết, các vận động viên (VĐV) Việt Nam lại ca bài ca quen thuộc “không thưởng Tết”. Dù biết rằng xưa nay chưa bao giờ VĐV có thưởng Tết nhưng không ít người vẫn cảm thấy chạnh lòng vì tập luyện, thi đấu cả năm trời không được nhận niềm vui nho nhỏ như xã hội, dù sự đóng góp là rất lớn.
Những ngày này, câu chuyện thưởng tết ở các doanh nghiệp, đơn vị… được nhiều người bàn tán rôm rả. Ai cũng mong chờ một mức thưởng đậm để có tiền mua sắm dịp Tết. Mặt bằng chung xã hội dù khó khăn nhưng hầu hết đều có mức thưởng Tết, không ít thì nhiều. Tuy nhiên, với ngành thể thao, bao năm qua câu chuyện thưởng Tết vẫn là điều gì đó rất xa xỉ.
Ngân sách của Nhà nước chỉ thưởng cho các VĐV khi đạt thành tích cao tại giải quốc tế, chứ chưa bao giờ thưởng cho VĐV dịp Tết. Chính vì thế, trong năm nay, những VĐV nào có huy chương tại SEA Games còn đỡ, chứ ai trắng tay coi như chẳng có đồng nào mang về quê.
Những VĐV xuất sắc như Hoàng Xuân Vinh không có thưởng Tết |
Tại SEA Games 28 diễn ra hồi tháng 6 năm nay tại Singapore, mỗi VĐV giành HCV sẽ được thưởng số tiền lên đến 80 triệu đồng.Đây là mức thưởng cao nhất từ trước tới nay mà một VĐV có thể giành được tại một kỳ SEA Games. Mức thưởng trên bao gồm 45 triệu đồng thưởng "cứng" theo quy định của Nhà nước và 53 triệu đồng đến từ các nhà tài trợ.
Với thành tích 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ và các kỷ lục SEA Games được phá, thông tin từ Tổng cục TDTT, tổng tiền thưởng dành cho các VĐV lên tới 15,2 tỷ đồng. Sau khi tổng kết thành tích, tiền thưởng của từng tuyển thủ được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân.
Đứng đầu trong danh sách nhận nhiều tiền thưởng SEA Games nhất chính là Ánh Viên. VĐV người Cần Thơ nhận 525 triệu đồng tiền thưởng theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, theo ước tính, cả tiền mặt lẫn hiện vật của phần thưởng của Ánh Viên có thể lên tới tiền tỷ bởi còn nhiều khoản thưởng “mềm” khác từ các doanh nghiệp, tổ chức.
Sau Ánh Viên, những VĐV giành nhiều huy chương như Hà Thanh, Phương Thành (TDDC), Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh)… cũng nhận mức thưởng cao. Tuy nhiên, sau khi có thưởng chuyển vào tài khoản, hầu hết đã gửi cho bố mẹ hoặc mua sắm cho riêng mình. Sau nửa năm, các VĐV lại trong cảnh “cháy túi”, bởi thực tế có những người nhận mức thưởng hơn chục triệu đồng với tấm HCĐ cũng chẳng đáng là bao.
Một VĐV than thở: “Năm nào có SEA Games còn trông chờ vào tiền thưởng, còn các năm khác coi như chỉ tập chay. Năm nay do SEA Games diễn ra sớm nên đến cuối năm, hầu hết các VĐV nếu có chút thành tích thì cũng đã tiêu hết tiền thưởng, đành về quê mà không có tiền biếu gia đình”.
Đến ngay cả những VĐV có thành tích cao như nữ võ sĩ Dương Thúy Vi (HCV Asiad 2014) cho biết, nhiều năm qua chưa biết thưởng Tết là gì, năm nay cũng không phải ngoại lệ.
Năm nào cũng vậy, chuyện thưởng tết với các VĐV vẫn là những câu chuyện buồn. Đa phần các VĐV, chỉ được hưởng lương bình thường theo chế độ Nhà nước hay địa phương. Với các VĐV trẻ thậm chí còn “thảm” hơn, khi không được bất cứ khoản nào.
Ánh Viên đã có một năm 2015 đầy xuất sắc |
Thường các đội tuyển được nghỉ Tết khoảng 1 tuần. Với những VĐV nhà gần thì về ăn Tết cùng gia đình, chứ những VĐV ở xa, có năm phải ở lại trung tâm vì đi lại tốn kém. Cũng có năm các trung tâm đã hỗ trợ tiền tàu xe và mua quà cho các VĐV, nhưng không phải VĐV nào cũng được ưu ái như vậy.
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết ngân sách ngành thể thao được cấp hàng năm chỉ để chi trả tiền công, tiền ăn và các chế độ khác cho VĐV chứ không có khoản chi nào cho thưởng tết hay tháng lương thứ 13. Vì thế, VĐV của các đội tuyển quốc gia hoàn toàn không được nhận khoản nào từ ngân sách để chi cho tiền thưởng tết, quà tết.
Nghiệp VĐV thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ nhưng ngay cả cái Tết, cũng không được như mặt bằng chung của xã hội. Thế mới thấy, trong hoàn cảnh đó mà các VĐV vẫn nỗ lực tập luyện, rồi mang vinh quang về cho tổ quốc, thật đáng quý và trân trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.