Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề là hiệu quả quản lý

Đức Lâm| 16/10/2015 06:12

(HNM) - Tại buổi làm việc với Hiệp hội Vận tải ôtô sáng 15-10, Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng tiếp tục chất vấn lãnh đạo Vụ Vận tải của bộ này về sự chậm trễ sửa đổi quy định chấp thuận luồng tuyến tại Thông tư 63.


Theo đó, để vào bến, xe khách phải có sự đồng ý của Sở GT-VT địa phương, nhưng trong cuộc họp gần đây, lãnh đạo Bộ GT-VT đã yêu cầu bãi bỏ nội dung này. Thậm chí, Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt: "Tôi quyết định bỏ và tôi chịu trách nhiệm. Thực tiễn yêu cầu như thế nhưng các ông chỉ thích xin - cho, chỉ có sửa một điều trong thông tư mà mãi không sửa".

Bộ trưởng Đinh La Thăng lâu nay được dư luận ghi nhận ở sự quyết đoán và những chỉ đạo sát với thực tế. Khi thấy những điểm bất hợp lý từ một cuộc kiểm tra lập tức vị tư lệnh ngành yêu cầu điều chỉnh. Ông cũng là một trong những bộ trưởng tích cực đi kiểm tra, thị sát, trực tiếp chỉ đạo những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Điều này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh qua nhiều vụ việc, nhiều vấn đề cụ thể. Bám sát thực tiễn, chỉ đạo cụ thể vấn đề phát sinh, giải quyết dứt điểm vấn đề là cần thiết. Nếu không có sự kiên quyết sẽ không thể giải quyết dứt điểm vấn đề.

Tuy nhiên (cũng theo thông tin báo chí), đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu xóa bỏ quy định trên. Vậy, tại sao các đơn vị cấp dưới không chấp hành chỉ đạo? Xét về nguyên tắc quản lý, cấp dưới phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Nếu không chấp hành, hoàn toàn có thể kỷ luật. Cơ chế xin - cho (giấy phép con) vốn cản trở sự phát triển của xã hội, thậm chí nảy sinh tiêu cực. Do vậy, việc xóa bỏ cơ chế xin - cho là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực cụ thể, vốn được xác định là kinh doanh có điều kiện, thì những quy định chi tiết hết sức cần thiết để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước, an ninh, trật tự xã hội.

Giao thông, vận tải là lĩnh vực liên quan mật thiết tới đời sống người dân, vì thế cũng nảy sinh không ít phức tạp, thậm chí là tiêu cực. Đó là lý do lâu nay, kinh doanh vận tải được xếp vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện để bảo đảm lợi ích của hành khách. Ngay cả khi có quy định chặt chẽ về luồng tuyến thì hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm vẫn gây bức xúc trong dư luận và liên tục được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Thế mới thấy "trói gà" đã không dễ!

Tuy nhiên, khi tuyên bố chịu trách nhiệm về quyết định của mình, chắc hẳn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được tư vấn kỹ lưỡng, với những phân tích duy lý và khả năng "thả gà ra đuổi" đã được loại trừ. Sự quyết liệt đó là đáng để ghi nhận! Thế nhưng đơn vị cấp dưới vẫn chần chừ thực hiện. Rõ ràng, có sự không ổn trong cơ chế quản lý, điều hành. Không thể có chuyện "trên bảo, dưới không nghe"! Dư luận đặt câu hỏi về những vấn đề chưa được làm rõ và chưa thể gạt bỏ như "lợi ích nhóm"... là hoàn toàn có cơ sở. Lâu nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng được dư luận đánh giá cao với phong cách lãnh đạo quyết liệt và ông đã không ít lần "trảm tướng". Quy định sinh ra từ thực tiễn đời sống và nếu cần thiết, có thể điều chỉnh cho phù hợp bởi mục đích cuối cùng chính là quản lý tốt nhất lĩnh vực chuyên ngành, bảo đảm lợi ích của nhân dân. Người dân quan tâm nhiều hơn tới hiệu quả quản lý chứ không phải cách thức quản lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề là hiệu quả quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.