Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề an toàn giao thông đường thủy nội địa: “Chuông” gióng đến bao giờ?

Tuấn Khải| 07/06/2016 06:18

(HNM) - Chỉ sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên Sông Hàn (Đà Nẵng), khiến 3 người tử vong, dư luận mới biết chiếc tàu du lịch ấy chạy



Đáng chú ý, trong khi tai nạn chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn thì việc quản lý chưa sâu sát; tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết. Những hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan, coi thường pháp luật trong giao thông đường thủy còn tiếp tục phải gióng đến bao giờ?

Công tác quản lý tàu du lịch còn nhiều lỗ hổng. Ảnh: Lê Tuấn


"Mầm họa" từ sự coi thường pháp luật

Tàu du lịch Thảo Vân 2 (mang số hiệu ĐNa-0016) bị chìm tối 4-6, vốn là một tàu cá cũ, được chủ tàu "độ" lại để hoạt động du lịch, nhưng không đủ các điều kiện để cấp phép phục vụ khách du lịch. Tàu có sức chứa tối đa 28 người nhưng mang theo 56 hành khách. Không chỉ chạy "chui", chở vượt quá số người quy định, tài công tàu Thảo Vân 2 còn không đủ bằng theo quy định. Chuyến du lịch "định mệnh" trên con tàu tai họa đó đã cướp đi 3 sinh mạng.

Đây là vụ TNGT đường thủy mới nhất. Đầu tháng 5-2016, tàu du lịch Aphrodite hoạt động trên vịnh Hạ Long, bị cháy rụi hoàn toàn. Rất may, toàn bộ du khách trên tàu thoát nạn kịp thời. Tàu này dù đủ giấy phép theo quy định nhưng lại là tàu vỏ gỗ. Đại diện Sở GT-VT tỉnh Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh có hơn 500 tàu hoạt động, trong đó khoảng 80% là tàu vỏ gỗ. Đây là tàu thứ 10 bị cháy tại tỉnh Quảng Ninh. Và 100% tàu cháy, chìm là tàu vỏ gỗ. Quan điểm của tỉnh là phải giảm lượng tàu vỏ gỗ, thay thế bằng tàu vỏ thép và vật liệu tương đương.

Có ý kiến cho rằng, khi lên tàu, người dân không thể biết tàu đó hoạt động "chui" và lái tàu có đầy đủ bằng cấp hay không, bởi đó là việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Song, có một thực tế đang diễn ra ở hầu khắp các tuyến sông, vịnh... là các tàu thuyền, dù đều trang bị áo phao cho khách theo quy định, nhưng chất lượng áo rất tồi. Nhiều áo cũ nát, hỏng khóa... Lái tàu thường chỉ đề nghị khách mặc để đối phó với cơ quan chức năng. Nếu xảy ra sự cố, những áo phao này sẽ không có tác dụng. Sự chủ quan, coi thường pháp luật và "bệnh" hình thức đang thực sự là "mầm họa".

Tổng kiểm tra hoạt động vận tải thủy

Trong 2 năm qua, số người chết do TNGT đường thủy có chiều hướng gia tăng, riêng năm 2014 tăng 14 người (31,1%), năm 2015 tăng 12 người (20,3%). Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, nguyên nhân gia tăng tai nạn đường thủy chủ yếu là do người điều khiển phương tiện thủy vi phạm các quy định về an toàn, trong khi việc quản lý chưa sâu sát, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

Liên quan đến vấn đề đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc quản lý phương tiện thủy tương tự như quản lý phương tiện cơ giới đường bộ. Chủ phương tiện trong quá trình hoạt động phải chịu sự kiểm tra về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát, xử lý, đặc biệt là đối với các phương tiện hết hạn đăng kiểm, là do cảng vụ và thanh tra các cấp thực hiện tại bến; do lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện trên hành trình. Nếu việc kiểm soát tốt chắc chắn phương tiện tuân thủ pháp luật về đăng kiểm sẽ tốt hơn rất nhiều, qua đó nâng cao năng lực bảo đảm ATGT.

Thừa nhận an toàn ĐTNĐ đang diễn biến rất phức tạp, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ các bến bãi; có văn bản cam kết bảo đảm ATGT, xử lý triệt để tình trạng bến không phép, sai phép...

Nhấn mạnh vụ lật tàu ở Đà Nẵng là một tai nạn nghiêm trọng mà các cấp, các ngành từ Trung ương đến từng địa phương phải rút kinh nghiệm, nhằm tránh lặp lại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ngành Giao thông-Vận tải phải kiểm tra chặt chẽ hơn tình trạng vi phạm ATGT đường thủy, như chở quá tải, phương tiện cũ nát, hoán cải sai mục đích. Với vụ việc đáng tiếc này, cần phải điều tra, khởi tố vụ án và xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ngay sau chỉ đạo này, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổng kiểm tra hoạt động vận tải thủy nội địa, chú trọng các quy định về an toàn phương tiện, bằng lái, chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị cứu hộ, sử dụng áo phao theo đúng quy định; tăng cường công tác quản lý nhà nước với hoạt động vận tải thủy nội địa trên phạm vi cả nước, chú trọng hoạt động vận tải hành khách du lịch và các dịch vụ khác trên đường thủy, quản lý và kiểm tra an toàn trước khi xuất bến, kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trên Sông Hồng, Sông Đuống đoạn thuộc địa phận Hà Nội, có một đội tàu du lịch (gồm 3 chiếc) của Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch Sông Hồng, hoạt động đưa khách tham quan, nhưng từ năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng đã đình chỉ khai thác. Trước đây, Xí nghiệp thuê bến phà Chương Dương (cũ) làm nơi neo đậu phương tiện, đón trả khách, nhưng từ năm 2014 đến nay, do bị bồi lấp nên khu vực này đã bị dừng cấp phép. Trong khi đó, dọc Sông Hồng, Sông Đuống đoạn qua Hà Nội chưa có bến, cảng thủy đủ điều kiện phục vụ phương tiện du lịch.



Đối với các phương tiện thủy hoạt động trên Hồ Tây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu phải di chuyển từ đầu đường Thụy Khuê sang địa điểm mới tại khu vực Đầm Bảy (quận Tây Hồ), để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và mất trật tự tại đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các phương tiện vẫn chưa chấp hành. Các cơ quan chức năng đang lên phương án cưỡng chế di dời theo đúng quy định của pháp luật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề an toàn giao thông đường thủy nội địa: “Chuông” gióng đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.