Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn chỉ là tiềm năng?

Hồng Sơn| 28/04/2010 07:07

(HNM) - Trung Quốc từ lâu đã là thị trường xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay cán cân thương mại song phương vẫn luôn trong tình trạng nhập siêu của Việt Nam tăng và lợi thế thuộc về nước bạn. Vì thế, cần có biện pháp phù hợp để từng bước hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại.

Sớm thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu

Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đạt 4,9 tỷ USD (tăng 8,23% so với năm trước), đưa Trung Quốc trở thành thị trường XK lớn thứ ba của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, tại hội thảo "Cơ hội kinh doanh với thị trường Trung Quốc" do Bộ Công thương tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, cần có giải pháp tăng XK để giảm thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thường lên tới hơn 10 tỷ USD/năm. Đây là con số không nhỏ, cho thấy sự lép vế về khả năng XK của DN và cảnh báo tình trạng mất cân bằng trong giao dịch thương mại song phương...

Lực lượng hải quan Bắc Luân (Quảng Ninh) kiểm tra hàng thực phẩm đóng gói trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Huy Hùng

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam, nhưng hoạt động XK còn một số bất cập, nhất là cơ cấu hàng XK rất lạc hậu, chủ yếu là sản phẩm thô hoặc sơ chế, nên giá trị gia tăng thấp. Hiện nay, nhóm hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản chủ yếu là than đá, cao su, dầu thô chiếm 55-60% khối lượng hàng XK sang Trung Quốc. Còn lại, nhóm hàng nông, thủy, hải sản chiếm tỷ trọng 15-25% nhưng giá trị thu về còn hạn chế. Nhóm hàng công nghiệp có hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng cao mới chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch XK. Thời gian tới, các nhà hoạch định và từng DN cần cải thiện tình hình để cơ cấu hàng XK sang thị trường Trung Quốc phong phú hơn.

Trung Quốc là một trong những thị trường NK hàng đầu thế giới, là cơ hội cho DN Việt Nam với những lợi thế như sự gần về khoảng cách, thị hiếu tiêu dùng, đa dạng hóa các loại hình vận tải… Riêng năm 2009, tổng kim ngạch XNK của Trung Quốc lên tới 2.207 tỷ USD, trong đó kim ngạch NK là hơn 1 nghìn tỷ USD. Dung lượng của thị trường Trung Quốc rất lớn, đầy tiềm năng và còn nhiều chỗ trống, nhưng giá trị XK của Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm 0,48% tổng kim ngạch NK của nước bạn. Ngược lại, Việt Nam lại NK tới 15,3 tỷ USD giá trị hàng hóa. Vì thế, các DN trong nước phải quan tâm thỏa đáng hơn nữa đến thị trường Trung Quốc.

Tận dụng mọi cơ hội

Việt Nam và các nước ASEAN đã thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Theo đó, khi thực hiện hiệp định, Việt Nam có ưu thế là đến năm 2015 mới phải hoàn thành cắt giảm thuế các mặt hàng thông thường xuống mức 0%. Trong khi đó, từ năm 2010, Trung Quốc đã hoàn thành việc loại bỏ thuế quan với hơn 90% danh mục hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN. Lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam chậm hơn 5 năm so với Trung Quốc, nên chúng ta đang có lợi thế để tăng kim ngạch XK sang Trung Quốc với nhiều mặt hàng có thế mạnh, như giày dép, gỗ và các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, cà phê, rau củ quả, cao su, dây và cáp điện... đang từ mức thuế cao sẽ về mức 0%. Theo các chuyên gia, nhờ giảm thuế, kim ngạch XK của một số mặt hàng đã tăng mạnh. Chẳng hạn, thủy sản tăng từ 51 triệu USD lên 75 triệu USD, rau quả từ vài triệu USD lên hàng chục triệu USD... Hơn thế, mặc dù có cùng cơ cấu hàng XK giống nhiều nước ASEAN, nhưng DN của ta có ưu thế hơn nhờ có vị trí địa lý tiếp giáp với khu vực phía nam và tây nam Trung Quốc. Lợi thế này giúp chúng ta dễ dàng đưa hàng tới một thị trường đang phát triển. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển cho khu vực này gồm cả các cơ chế, chính sách tăng cường cơ hội giao thương, tiếp cận thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, khi DN ta đã thâm nhập, tăng XK vào Trung Quốc tức là đã tận dụng được thời gian, thời cơ để chiếm thị trường, quảng bá thương hiệu, tìm chỗ đứng lâu dài hơn so với các DN trong khu vực ASEAN. Vì thế, mỗi DN cần chủ động thâm nhập thị trường bằng cách đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các cổng thông tin nước ngoài, thu thập thông tin và tìm hỗ trợ từ các hiệp hội ngành hàng, thường xuyên cập nhật tình hình thị trường giá cả, tập quán tiêu dùng nhằm đề ra hướng ứng xử cụ thể. Các chuyên gia cũng cảnh báo, cộng đồng DN không nên để xảy ra tình trạng "no dồn, đói góp" khi xuất nông sản qua biên giới. Chẳng hạn, mùa vải thiều chỉ rộ lên trong khoảng 2-3 tuần và khi thị trường trong nước không tiêu thụ hết sản phẩm, nên DN phải đưa sang Trung Quốc, gây quá tải. Tương tự, cứ đến chính vụ dưa hấu, lượng xe hàng đổ về biên giới khá nhiều, lên tới 300 xe (tăng gấp 3-4 lần) có thể gây ứ đọng và việc mất giá tất yếu sẽ xảy ra. Vì vậy, DN cần mở chi nhánh, đại lý tại thị trường Trung Quốc để hỗ trợ hoạt động bán hàng, nhận thông tin phản hồi, từ đó chủ động lập phương án xử lý đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn chỉ là tiềm năng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.