Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn cảnh thức khuya, dậy sớm, xếp hàng

Bài, ảnh: Thúy - Ngân| 04/07/2011 07:01

(HNM) - Vào kỳ tuyển sinh năm học mới 2011- 2012, việc phải thức khuya dậy sớm để xếp chỗ xin cho con vào học trường mầm non công lập là "chuyện cũ" đã xảy ra từ nhiều năm trước khiến các bậc phụ huynh hết sức bức xúc, buộc phải đặt ra câu hỏi: Liệu có tiêu cực không và đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?

Phụ huynh xếp hàng chờ đến lượt được vào đăng ký xin học cho con.

Con trẻ đi học, người lớn mệt

Khoảng 17h ngày 30-6-2011, một tốp phụ huynh, đứng trước cổng Trường Mầm non Thành Công A (KTT Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình) với mục đích xếp chỗ xin học cho con. Nhưng khi đọc thông báo của nhà trường về việc không nhận đơn của những người xếp hàng trước ngày 1-7, nhiều người lục tục ra về để chờ đến đúng 0h ngày 1-7 quay lại. Vào giờ này, trường không còn ai làm việc ngoài nhân viên bảo vệ nên vài phụ huynh mới nghĩ ra "sáng kiến" tự lấy giấy bút tổ chức việc ghi tên theo số thứ tự xếp hàng xin học cho con.

8h sáng ngày 1-7, sân trường ầm ĩ bởi sự tập trung của vài trăm phụ huynh. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường tổng cộng là 140 trẻ chia ra 70 trẻ sinh năm 2008 và 70 trẻ sinh năm 2009, nhưng danh sách do các phụ huynh tự lập đã lên tới 98 trẻ sinh năm 2008 và 88 trẻ sinh năm 2009, chưa kể có người vẫn tiếp tục đến. Sát giờ tuyển sinh, số phụ huynh đến sau không biết việc đã có một danh sách xếp hàng trước đó nên chen thẳng lên trên, dẫn đến tranh cãi to tiếng làm náo loạn không khí buổi tuyển sinh. Có cả một lực lượng đến 5, 6 cán bộ công an phường Thành Công túc trực tại trường nhằm duy trì trật tự cũng không làm không khí bớt căng thẳng, ồn ào. Hầu như mọi việc xếp thứ tự, gọi tên vào đăng ký đều do các phụ huynh cử đại diện tự làm, còn Ban tuyển sinh của nhà trường "cố thủ" trong tiền sảnh với hai bàn tuyển sinh của hai độ tuổi. Vì ít bàn tiếp nhận như vậy nên mỗi lần chỉ có một hoặc hai phụ huynh được vào đăng ký khiến công việc diễn ra rất lâu làm nhiều người bên ngoài sốt ruột bực mình. Nhiều phụ huynh ở cuối danh sách tỏ ý chán nản muốn bỏ cuộc thì được động viên cố gắng chờ may ra có người đã ghi tên nhưng không đến đăng ký thì sẽ đến lượt mình. Bác Nguyễn Hà An, nhà A3 KTT Thành Công cho biết, năm nào việc tuyển sinh ở Trường Mầm non Thành Công A cũng xảy ra mất trật tự bởi nhu cầu học thì lớn nhưng số lượng tuyển sinh lại ít. Trong khi đó, thông báo tuyển sinh năm nay mãi tận đến ngày 29-6 mới được chính quyền phường chuyển tới các tổ dân phố trên địa bàn khiến người dân lo ngại việc "chậm chân mất lượt".

Thông báo tuyển sinh tại Trường Mầm non Thành Công A.

Cách đó không xa là Trường Mầm non Họa Mi nằm trong khu nhà ở liên cơ tập thể Thành Công với nhiều dãy nhà 5 tầng mà chỉ tiêu năm học 2011- 2012 chỉ nhận vỏn vẹn 60 cháu trong đó có 20 trẻ độ tuổi mẫu giáo và 40 cháu nhà trẻ, càng làm "cửa" vào học hẹp hơn. Tương tự như vậy tại Trường Mầm non Bình Minh (quận Tây Hồ) chỉ tuyển sinh 25 trẻ lứa tuổi nhà trẻ (sinh năm 2009) khiến các vị phụ huynh nháo nhác xếp hàng từ chiều ngày hôm trước và cảnh "thức trắng đêm xin học cho con" lại tái diễn như những năm học trước.

Ở quận Thanh Xuân, nếu năm học 2010-2011 được coi là "điểm nóng" về tình trạng phụ huynh khốn khổ xếp hàng chờ đợi từ tối hôm trước đến sáng hôm sau để mua đơn nhập học cho con thì theo ghi nhận của phóng viên tại một số điểm trường mầm non trên địa bàn vào rạng sáng ngày 1-7, tình trạng trên đã chấm dứt. Năm giờ sáng, tại cổng Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc (phường Thanh Xuân Bắc) mới có 3 phụ huynh đến xếp hàng mua đơn xin học cho con. Anh Nguyễn Văn Thanh cho hay: "Tôi lên mạng internet đọc thấy năm ngoái nhiều phụ huynh phải xếp hàng từ lúc 2- 3 giờ đêm để mua đơn xin học cho con, vì vậy tôi cũng đến sớm để nộp hồ sơ cho chắc!".

Để tránh đi theo vết xe cũ

Trái ngược với tình hình "nóng" tại một số phường trong nội thành Hà Nội, các trường mầm non trên địa bàn quận Hà Đông lại rất "thảnh thơi". Thời gian tuyển sinh của các trường bắt đầu từ ngày 1-7 và kết thúc vào ngày 15-7 nên trong ngày đầu tuyển sinh này hầu hết các trường đều thưa thớt người đến đăng ký, ngay cả với những trường "có tiếng". Cô Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Nguyễn Trãi) cho biết: Trên địa bàn phường Nguyễn Trãi có 3 điểm trường nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Số chỉ tiêu được giao hằng năm trường đều tuyển sinh đủ, số học sinh trái tuyến không đáng kể và trường vẫn bảo đảm sĩ số theo từng nhóm lớp. "Nặng gánh" hơn phường Nguyễn Trãi, phường Văn Quán có số dân khá đông song cũng không xảy ra điều gì bất thường trong tuyển sinh so với mọi năm bởi trên địa bàn phường có tới 2 trường mầm non bán công là Hoa Sen và Ban Mai cùng với 6 cơ sở mầm non tư thục. Đại diện lãnh đạo phường cho biết: Ngoài chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường bán công, nhiều gia đình trong phường đã chủ động chọn các cơ sở mầm non tư thục, có mức đóng góp cao hơn nên tình hình cũng không "nóng" lắm. Mặc dù vậy, người dân địa phương vẫn đề nghị các cấp phải mở rộng Trường Hoa Sen hoặc xây dựng mới các trường công lập để tạo điều kiện cho con em địa phương vào học.

Tình trạng thiếu trường, lớp cho các cháu lứa tuổi mầm non ở quận Hà Đông hiện nay không gay gắt như một số trường ở nội thành Hà Nội, song chỉ khoảng 5 năm nữa, khi hàng loạt các chung cư, khu đô thị mới trên địa bàn quận được đưa vào sử dụng thì việc thiếu trường, lớp sẽ là tất yếu. Điều này đòi hỏi quận Hà Đông phải có sự tính toán, dành quỹ đất thích hợp đầu tư cho hệ thống trường học các cấp, đặc biệt là trường công lập bởi đây là loại hình phù hợp với mức thu nhập trung bình của số đông người dân hiện nay.

Đưa ra hai thực trạng trên, chúng tôi muốn gửi tới ngành giáo dục - đào tạo thành phố kiến nghị về chiến lược xây dựng giáo dục cần có tầm nhìn "đi trước đón đầu". Mặt khác, dư luận nhân dân không mấy tin tưởng vào cách thức tuyển sinh hiện tại là các trường vừa ra thông báo chỉ tiêu vừa thực hiện tuyển sinh. Nên chăng việc đưa ra số lượng, phân bổ khu vực tuyển sinh đúng tuyến nên được làm từ trên phòng giáo dục - đào tạo các quận, huyện để các trường thực hiện sẽ giảm bớt vất vả. Có như vậy mới giải quyết được những bức xúc trong dư luận nhân dân và để trẻ em thực sự được nhận những gì tốt đẹp nhất như những câu khẩu hiệu treo tại nhiều trường mầm non hiện nay.

Hà Nội hiện có gần 800 trường mầm non, trong đó hơn 650 trường công lập ở 29 quận, huyện, thị xã nhưng số trường lớp vẫn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Với số trẻ ra lớp hiện nay, cấp học mầm non Hà Nội vẫn thiếu khoảng 700.000m2 đất. Tình trạng quá tải này đã khiến ở nhiều nơi, 65-70 trẻ phải học chung một lớp, trong khi theo quy định chỉ là 35 cháu.

Theo đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015" với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng, Hà Nội sẽ chi 650 tỷ đồng xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 360 tỷ đồng xây mới trường mầm non, hơn 1.000 tỷ đồng xóa phòng học tạm và phòng học cấp 4.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn cảnh thức khuya, dậy sớm, xếp hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.