Theo dõi Báo Hànộimới trên

VAMC mua 100.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo VnExpress/Đầu tư| 01/06/2014 10:36

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay và xây dựng phương án mua nợ theo giá thị trường.

Từ ngày 1/6, Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro sẽ chính thức được áp dụng.

Nỗi lo nợ xấu tăng thêm khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN được áp dụng càng trở nên căng thẳng trong bối cảnh nợ xấu cũ được xử lý rất ì ạch. Từ đầu năm đến nay, hoạt động mua nợ của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khá trầm lắng, trong khi phần lớn các khoản nợ xấu mua về chưa thể bán ra.

VAMC sẽ mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu và thí điểm mua nợ theo giá thị trường. Ảnh: Thanh Lan.


Một chuyên gia kinh tế thừa nhận, với chủ trương không dùng tiền ngân sách cũng như không vay nợ nước ngoài để xử lý nợ như hiện nay, cộng với thị trường mua bán nợ chưa hình thành, nhà đầu tư nước ngoài hầu như đứng ngoài cuộc… thì tốc độ chậm trong xử lý nợ xấu là khó tránh.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho hay: “Thời gian qua, việc mua nợ của VAMC chậm hơn một chút, song điều này không có nghĩa là tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm lại. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 6.300 tỷ đồng nợ xấu, đưa tổng số nợ xấu mà VAMC mua được đạt hơn 45.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đã xử lý được khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu”.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, việc áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN sẽ khiến bức tranh nợ xấu được phản ánh chính xác hơn, tỷ lệ nợ xấu vì thế có thể cao hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng hai thông tư trên sẽ tạo nền tảng an toàn trong quản trị rủi ro của các ngân hàng, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng quy định mới.

Nỗi lo nợ xấu tăng trở lại khi VAMC hầu như “đứng im” trong xử lý nợ là có cơ sở. Bởi càng để lâu, nợ xấu càng xấu đi và có khả năng mất vốn.

Tính đến hết quý I, tuy nhiều ngân hàng vẫn công bố nợ xấu dưới 3%, song nợ mất vốn lại tăng rất mạnh.

Đơn cử, nợ mất vốn của Vietcombank tăng 10%, tương ứng 3.058 tỷ đồng; nợ mất vốn của BIDV tăng 32% lên hơn 5.561 tỷ đồng, nợ mất vốn tại ACB lên tới 2.300 tỷ đồng…

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, nợ xấu vẫn đang được xử lý theo đúng lộ trình đề ra. Theo giải thích của ông Nghĩa, thời gian qua, quá trình mua nợ của VAMC chậm lại một phần do đợi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt xong số lượng phát hành, nên VAMC sẽ đẩy nhanh mua nợ thời gian tới.

“Chúng tôi đã mời VAMC và các tổ chức tín dụng xây dựng phương án mua, bán nợ từng tháng một trong thời gian tới. Việc này sẽ khiến quá trình mua bán nợ được đẩy nhanh hơn. Theo hồ sơ được gửi lên, nhu cầu bán nợ cho VAMC của các tổ chức tín dụng lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Tôi tin tưởng rằng, với những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai và kế hoạch mua bán nợ đang được xây dựng, mục tiêu VAMC mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay là có thể đạt được”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh việc mua nợ, cũng theo Cơ quan Thanh tra giám sát, VAMC cũng đang tích cực xây dựng phương án bán các khoản nợ xấu đã mua về thời gian qua. Hiện nay, việc bán nợ của VAMC đang gặp nhiều khó khăn do các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC của Bộ Tư pháp. Theo Dự thảo Thông tư được công bố gần đây, VAMC chỉ được bán những khoản nợ có tài sản đảm bảo dưới 10 tỷ đồng. Nếu quy định này được ban hành sẽ gây nhiều khó khăn cho VAMC trong xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước còn cho hay, VAMC đang xây dựng và sẽ trình Thống đốc phương án thí điểm mua nợ theo giá thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
VAMC mua 100.000 tỷ đồng nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.