(HNM) - Nhân cuộc họp đặc biệt các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN bàn về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực trong tương lai, người viết bài này xin thử nhận diện những cơ hội và thách thức vốn đang diễn ra trước mắt, đòi hỏi cộng đồng ASEAN với tôn chỉ hoạt động của mình phải tìm cách phát huy cơ hội và hóa giải thách thức.
Trước hết nói về cơ hội. Mọi quốc gia nói riêng, cộng đồng ASEAN nói chung đang phấn đấu cho mục tiêu vì hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Đó là xu thế của thời đại. Đó cũng chính là chiến lược của cộng đồng ASEAN. Vấn đề là ASEAN không chỉ hoạt động trong giới hạn nội khối vì mục tiêu chiến lược đó, mà sự hoạt động của ASEAN phải được triển khai trong mối quan hệ với các quốc gia ngoài khối vì sự thịnh vượng chung. Cũng có nghĩa là, quan hệ nội khối không tách rời với quan hệ ngoài khối vì mục tiêu chân chính của nội khối, đồng thời, thông qua giá trị phát triển nội khối mà ASEAN đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới. Có lẽ đây là lý do cốt lõi để ASEAN tồn tại và có động lực phát triển.
Có thể khẳng định, vai trò trung tâm của ASEAN đang đứng trước cơ hội quan trọng nhất là có nhận thức chung, thống nhất về mục tiêu chiến lược hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Mục tiêu ấy cũng là xu thế thời đại. Như vậy, mục tiêu chiến lược của ASEAN lại vận động và phát triển phù hợp với xu thế của thời đại tới mức đồng nhất. Xu thế ấy không thể đảo ngược vì chính nó mới đủ trí, lực giúp loài người phòng chống đói nghèo, tội phạm, dịch bệnh xuyên quốc gia và nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu… để phát triển bền vững, cùng chung sống hòa bình, vì hạnh phúc và thịnh vượng của loài người trong xây dựng thế giới văn minh, hiện đại.
Cơ hội quan trọng thứ hai là ASEAN đã và đang thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt: AEC) và dự định sẽ được thành lập vào năm 2015. Đây là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Hai trụ cột còn lại là: Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Như thế, vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện trên nền tảng ba trụ cột chính: An ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Vấn đề là hành động cụ thể để thể hiện vai trò trung tâm này như thế nào.
Hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển là xu thế vận động của thế giới hôm nay nên các quốc gia ngoài khối ASEAN không thể không ủng hộ mục tiêu chiến lược của ASEAN. Sự ủng hộ của họ không phải là lời nói mà là hành động hợp tác với toàn khối và với các quốc gia thuộc khối ASEAN. Như thế, đây là cơ hội lớn thứ ba đòi hỏi vai trò trung tâm của ASEAN phải thể hiện. Tuy vậy, không thể không nhìn thấy cách ứng xử của quốc gia bên ngoài, nhất là các nước lớn theo các chiều hướng khác nhau. Sự tác động của nước lớn mang yếu tố tích cực sẽ giúp ASEAN phát triển trên ba trụ cột. Ngược lại, đó là những tác động tiêu cực của nước lớn đến ASEAN dù trực tiếp hay gián tiếp đều gây ra sự hạn chế vai trò trung tâm của bản thân ASEAN cũng như làm giảm thiểu sự thống nhất ý chí của toàn khối.
Thách thức của ASEAN với vai trò trung tâm đang đặt ra là các nước lớn can dự ngày càng sâu rộng hơn vào hợp tác ở khu vực với sự thay đổi và điều chỉnh quan hệ giữa các nước lớn với nhau và với ASEAN. Tình hình đó đang tạo ra thách thức duy trì vai trò trung tâm của ASEAN phải thể hiện như thế nào để phát triển. Bên cạnh những thách thức từ sự liên kết kinh tế mạnh mẽ của các thiết chế kinh tế như Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tự do hóa thương mại APEC… thì vấn đề cấu trúc hợp tác và môi trường an ninh khu vực cũng đang là vấn đề đang đặt ra một cách cấp thiết cho ASEAN.
Trong khi các nước ASEAN cùng nhấn mạnh ý nghĩa của duy trì đoàn kết thúc đẩy lợi ích chung, thì các nước cũng cần thống nhất được phương thức thể hiện lập trường và giải pháp cụ thể để tháo gỡ những vấn đề nảy sinh phương hại đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của ASEAN.
Có thể khẳng định rằng, những khác biệt về lợi ích của mỗi quốc gia thành viên cũng tạo ra những thách thức, thiếu thống nhất, thiếu sự mạnh mẽ cần thiết trong ứng xử quan hệ với quốc gia đang có can dự trực tiếp vào quyền lợi của một số nước thành viên của khối. Câu hỏi đặt ra là những thách thức ấy có chi phối đến lợi ích chung và mục tiêu ba trụ cột chính của ASEAN hay không? ASEAN có cần chung tiếng nói, đồng tâm hóa giải kịp thời những thách thức đó không?
Nội dung các câu trả lời này cũng chính là cơ sở để ASEAN xác định cụ thể nhiệm vụ của vai trò trung tâm của mình về vấn đề an ninh khu vực. Các diễn biến ở Biển Đông đang đòi hỏi vai trò trung tâm của ASEAN thể hiện. Phải chăng, đây cũng là thử thách của vai trò trung tâm ASEAN! Hiện tượng Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng biển thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982 cũng đang cần vai trò trung tâm của ASEAN có tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ. Chúng tôi cho rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou - 981 vào vùng thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam là bước khởi đầu bằng hành động để thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn (nay lại tùy tiện vẽ bản đồ 10 đoạn) đã gửi Liên hợp quốc năm 2009.
Cái “đường lưỡi bò” đã ôm trọn khoảng 80% diện tích Biển Đông liệu có phương hại gì đến an ninh khu vực và an ninh hàng hải quốc tế không? Câu trả lời là rất phương hại đến sự ổn định hàng hải quốc tế, vốn không chỉ là điều kiện phát triển của ASEAN, mà còn của cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.
Cái “đường lưỡi bò” này lại ôm gọn vùng biển thuộc quyền chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á. Điều đó đâu chỉ xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei, mà ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường an ninh của toàn khối, là phương hại đến mục tiêu giữ vững và phát triển theo ba trụ cột cơ bản, trong đó có an ninh khu vực, mà ASEAN đã thống nhất về nhận thức để phấn đấu. Lúc này là thời cơ hành động thể hiện lập trường và thái độ hóa giải những bất ổn ở Biển Đông. Cấu trúc vai trò trung tâm của ASEAN phải xác định lập trường, thái độ của mình vì an ninh chung để phát triển, nếu không có cơ chế thống nhất thì tiếng nói “vai trò trung tâm” cất lên dè dặt và có khi không rõ ràng.
Cần phải thẳng thắn chỉ ra rằng, các quốc gia trong ASEAN đều là nước nhỏ và nghèo, nên mỗi nước có quan hệ với Trung Quốc theo kiểu của mình. Do đó, việc phê phán Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng là một thử thách đối với những quốc gia thành viên không có can hệ trực tiếp đến vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Thử thách này chỉ có thể vượt qua khi các quốc gia đó bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá quyền lợi quốc gia hài hòa trong quyền lợi chung toàn khối và nhất là trên tinh thần luật pháp quốc tế. Chỉ khi những quốc gia thành viên ấy vượt qua được thử thách đó, vai trò trung tâm của ASEAN mới thực sự là động lực thúc đẩy cộng đồng khu vực của mình đứng vững được trên ba trục, vốn vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Thực tiễn đã cho thấy, đã đến lúc phải xác định cơ chế thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình xây dựng cộng đồng khu vực với ba trụ nền tảng là an ninh khu vực, kinh tế và văn hóa - xã hội. Chỉ có thế, khi bài ca ASEAN cất lên, người nghe không thấy có lẫn những ca từ lạc nhịp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.