Không ít doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, siêu thị... đang thu thập thông tin cá nhân của khách hàng...
Luật An toàn thông tin khi có hiệu lực sẽ quy định khắt khe với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, sản phẩm này. |
Trên mạng Internet, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là ai cũng mua được danh sách hàng chục nghìn số điện thoại kèm thông tin cá nhân của người dùng để khai thác, gọi điện, nhắn tin quảng cáo, bán dịch vụ…, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Hải nêu tại buổi họp báo công bố Luật An toàn thông tin mạng, sáng 18/12.
Vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Luật An toàn thông tin mạng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016, với 8 chương, 54 điều.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, luật ban hành nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng.
Đồng thời, cũng đẩy mạnh giám sát, phòng chống nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành các nghị định chi tiết về các vấn đề cụ thể: tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện, danh mục sản phẩm, dịch vụ... để luật đi vào thực tế.
Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng và quy định về mật mã dân sự. Còn Bộ Công an chịu trách nhiệm ngăn chặn sử dụng mạng để khủng bố.
Tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân là yêu cầu được nhiều vị đại biểu Quốc hội đặt ra với luật này. Luật quy định từ 1/7/2016, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm “thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng”.
Ông Hải nêu thực tế, từ trước đến nay chưa có hệ thống nào để thu nhập thông tin về vấn đề này. Vậy nên hiện có không ít doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, siêu thị... đang thu thập thông tin cá nhân của khách hàng như tên tuổi, địa chỉ, điện thoại, e-mail...
Và chỉ cần bỏ ra một vài trăm nghìn đồng là ai cũng mua được danh sách hàng chục nghìn số điện thoại kèm thông tin cá nhân của người dùng để khai thác, gọi điện, nhắn tin quảng cáo, bán dịch vụ.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang chạy thử nghiệm kênh thông tin trực tuyến như quy định của luật trên website của Cục An toàn thông tin, sau đó sẽ triển khai chính thức.
Bộ cũng lập đường dây nóng để người dân phản ánh việc họ bị các doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân. Nếu việc thu thập này là vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính, ông Hải cho biết.
Về vấn đề ngăn chặn thư rác, theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Hải thì việc này đã được quy định trong các luật và nghị định của Chính phủ.
“Đây vẫn là vấn đề nhức nhối. Bản thân tôi có hai số điện thoại, một số chỉ chuyên dùng để xem mỗi ngày bị gửi bao nhiều tin nhắn rác. Vừa rồi cơ quan chức năng đã vô hiệu hóa 3,3 triệu thuê bao chuyên phát tán thư rác, chủ yếu là sim trả trước. Các doanh nghiệp viễn thông đang quản lý không tốt các sim trả trước này, mặc cho các đại lý khai báo mà không nhận diện được, không kiểm soát được", Cục trưởng nói.
Ông Hải nhận định, thực tế các hoạt động kinh doanh liên quan trên thị trường như mua bán, cung cấp thiết bị giám sát, thiết bị phân tích chống mã độc… hiện nay chưa có công cụ hay quy chuẩn nào để kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn, giá thành...
Luật An toàn thông tin khi có hiệu lực sẽ quy định khắt khe với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, sản phẩm này. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải tuân thủ. Các quản lý này sẽ giúp đào thải những doanh nghiệp nhỏ, manh mún, nhân lực ít, chất lượng kém, lâu nay vẫn vào các cơ quan, tổ chức để làm các dịch vụ thông tin dù không có năng lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.