(HNMCT) - Giải Nobel Văn học năm 2020 được trao cho nữ thi sĩ Louise Gluck dường như thắp lên niềm tin cũng như sự hào hứng cho các nhà thơ không chỉ ở Việt Nam. Đó là tín hiệu đáng mừng khi thơ ca vẫn được ghi nhận một cách trang trọng.
Trong đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Louise Gluck là “một phong cách thi ca đặc biệt, với vẻ đẹp khiêm nhường, đã làm cho sự tồn tại của mỗi cá nhân mang một giá trị phổ quát”.
Dĩ nhiên, để vượt qua rất nhiều ứng cử viên nặng ký khác, nữ thi sĩ người Mỹ hẳn còn có những đóng góp quan trọng khác về thi ca. Ở đây, cần nhấn mạnh đến một yếu tố, mà từ nhận định của Hội đồng trao giải Nobel, chúng ta thấy dường như lại đang thiếu vắng trong nền thi ca Việt Nam. Đó là “sự tồn tại của mỗi cá nhân mang một giá trị phổ quát”?
Có hai vấn đề cần được làm rõ ở đây, đó là sự tồn tại cá nhân và giá trị phổ quát. Chúng ta biết rằng, nghệ thuật bao giờ cũng là sự thể hiện cá tính, tinh thần, tư tưởng, tri thức, văn hóa mang tính chủ quan, trong đó thơ là thể loại đậm đặc nhất. Chú ý vào tính cá nhân với phong cách đặc biệt, nghĩa là Hội đồng trao giải Nobel đã ý thức cao về tính đặc thù của thi ca. Thơ vẫn được xem như là tiếng lòng, là điệu tâm hồn riêng tư và khác biệt của chủ thể. Thế nên, trong thời Thơ mới, khi cái tôi cá thể được phát hiện trở lại, nó tuyên xưng một cách ngạo nghễ: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (Xuân Diệu). Có nhiều người làm thơ về cùng một chủ đề, nhưng nhịp điệu tâm hồn, cấu trúc thế giới tinh thần của mỗi thi sĩ không bao giờ giống nhau, như một mã gen, một thứ vân tay không trùng khít. Mọi sự đồng nhất đều chỉ là hình thức nối dài, làm dày thêm một yếu tố ban đầu mà thôi. Bởi thế, hướng vào sự tồn tại của mỗi cá nhân là hướng đến bản sắc chủ thể không trộn lẫn, làm cho hiện tượng trở thành cái có nghĩa khác biệt, mang giá trị. Ta hiểu được vì sao mỗi “nhà Thơ mới” là một cá tính.
Tuy nhiên, mọi tồn tại không phải là siêu hình, đơn nhất, độc lập tuyệt đối, không có bất kỳ sự tương giao nào với thế giới xung quanh. Bởi thế, điều quan trọng hơn chính là sự tồn tại của mỗi cá nhân mang giá trị phổ quát. Những câu chuyện muôn đời của người, những vui, buồn, sướng, khổ, hy vọng và thất vọng, những khắc khoải thời gian... gắn với con người trên khắp thế giới, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, thể chế, lãnh thổ... có thể xem là phổ quát.
Nhìn lại nền thi ca đương đại Việt Nam, chúng ta đang thấy sự thiếu vắng tính phổ quát ấy khi chỉ có một số gương mặt đáng hy vọng như Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều... Bản thân họ khác nhau, nhưng thơ của họ ở góc này hay góc khác đã chạm đến những câu chuyện phổ biến của con người, không chỉ ở Việt Nam. Đó là nỗi khắc khoải thời gian, phận người, nỗi cô đơn bản thể... của con người trong thơ Trương Đăng Dung. Đó là những hành trình của con người xuyên qua tồn tại, từ âu lo, hoài nghi đến lựa chọn một thái độ sống tĩnh lặng, tuân theo dịch chuyển của tự nhiên trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là những tâm sự thống thiết về kiếp sống của con người trong thơ Nguyễn Quang Thiều... Với những gì chúng ta đọc được, thấp thoáng trong thơ họ là số phận con người, là hiện thực mang tính nhân loại.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn từng nói, thi sĩ cần phải có “cảm niệm triết học về thực tại”. Nghĩa là, thi sĩ cần phải vượt lên trên những xúc cảm riêng tư vụn vặt, lan man thường ngày, nhìn - chiếm lĩnh sự sống ở chiều kích triết học. Cảm niệm triết học về thực tại chính là tầm vóc của sự phổ quát. Tuy nhiên, làm sao để có cảm niệm triết học về thực tại? - câu hỏi ấy chất vấn lại nền tảng tri thức, tầm vóc tư tưởng cùng những mối bận tâm trọng đại của các thi sĩ. Rất khó có thể có được cảm niệm triết học về thực tại nếu chỉ sống quẩn quanh với những bận tâm thường nhật. Dĩ nhiên, không ai, kể cả nữ thi sĩ Louise Gluck được giải Nobel mới đây thoát khỏi cái thường nhật, nhưng hãy xem đó là chất liệu, là nguồn dẫn khởi cho những khắc khoải, suy tư triền miên, sâu sắc, kiệt cùng hơn về tình thế hiện tại.
Louise Gluck là một giáo sư văn chương. Thực tế, điều này không phải là yếu tố quyết định đến việc bà được trao giải Nobel. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh văn học thế giới và Việt Nam, chúng ta khó lòng có thể phủ nhận rằng, những tác giả lớn với quá trình học tập không ngừng nghỉ luôn là những trí thức tinh hoa của nhân loại. Tri thức, trình độ đã nâng đỡ cảm xúc, đẩy suy tưởng đi xa hơn trên hành trình đến với giá trị phổ quát của con người. Sống đủ đầy trọn vẹn với cái riêng bản thể là một đòi hỏi chính đáng, nhưng cá tính chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được đặt trong tương quan với cộng đồng. Điều từng được Nam Cao viết trong tác phẩm Đời thừa chẳng phải là ý nghĩ thực sự sâu sắc về tồn tại của mỗi cá nhân mang giá trị phổ quát đó sao: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.