Giao thông

Ưu tiên hàng đầu các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách

Bảo Hân - Viết Thành 07/12/2023 14:12

Cuối phiên chất vấn sáng 7-12, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tập trung nêu câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tổng thể các dự án giao thông cũng như “truy vấn” về tiến độ triển khai một số dự án quan trọng trên địa bàn.

Đầu tư khép kín hạ tầng giao thông

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) nêu thực trạng một số dự án đầu tư công qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến không hiệu quả, khó khăn trong triển khai, gây bức xúc trong nhân dân, như: Dự án cải tạo quốc lộ 1 liên quan đến địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về giải pháp khắc phục hiện trạng đầu tư thiếu đồng bộ.

46c852c60147a819f156.jpg
Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh).

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân nêu, trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã dành khoảng 127.000 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống giao thông, chiếm 65% vốn đầu tư công của thành phố. Trong đó, ngoài nguồn vốn ODA, Hà Nội đang đầu tư cho 39 dự án liên quan đến quốc lộ, cầu vượt, các tuyến đường vành đai hướng tâm và các hệ thống hạ tầng khung và 169 dự án đường trục chính trên địa bàn của các quận, huyện.

5bd67ce831699837c178.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân.

Để tránh việc triển khai một số dự án qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến thiếu tổng thể, không hiệu quả như đại biểu nêu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sở đã đề xuất tiếp tục đầu tư đối với 31 tuyến hạ tầng khung trên địa bàn thành phố, khép kín các tuyến đường vành đai, tuyến đường quốc lộ, trục hướng tâm, hệ thống cầu... nhằm bảo đảm hệ thống giao thông đường bộ kết nối và thông suốt.

Với các dự án trải trên địa bàn nhiều quận, huyện sẽ được triển khai trên tinh thần không theo ranh giới hành chính mà với dự án có quy mô lớn sẽ chia phân kỳ và dừng theo các điểm dừng kỹ thuật để đầu tư đến đâu thì dự án, đoạn đường đó sẽ phát huy tác dụng khớp nối hạ tầng.

Xây dựng hạ tầng chới với “đuổi theo” tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ) nêu hiện trạng nhiều công trình đầu tư không dứt điểm, phải điều chỉnh gây đội vốn, kém hiệu quả để chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải về vai trò tham mưu trong đầu tư các dự án.

a87ebf78f3f95aa703e8.jpg
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ).

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, qua rà soát, các chỉ tiêu quy hoạch giao thông trên địa bàn thành phố mới thực hiện dưới 50%, đặc biệt, đầu tư các dự án đường sắt đô thị mới chỉ đạt 6,5%.

b7af343e7cbfd5e18cae.jpg
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường.

“Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông hiện tăng 0,5%/năm, trong khi tốc độ phát triển phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần, từ 4-5%/năm. Do đó, việc xây dựng hạ tầng luôn chới với “đuổi theo” tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nêu.

Nhất trí với ý kiến của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời trước đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng cho rằng, trong giai đoạn trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm triển khai. Ví dụ, đường Vành đai 2,5 có chiều dài 19,4km được chia là 13 đoạn; đường quốc lộ 21B dài 41km được chia làm 13 đoạn; quốc lộ 1A phía Nam cũng chia là 11 đoạn và trong đó, cá biệt có những đoạn chỉ đầu tư một nửa mặt cạnh ở trên địa bàn huyện Thường Tín...

“Chính vì thế, trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, thành phố bố trí cho 224 dự án với tổng kinh phí là 127.000 tỷ đồng, tăng 250% về số vốn nhưng số dự án chỉ tăng 5% so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dứt điểm, giảm dàn trải ra nhiều dự án”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nêu.

Ông Nguyễn Phi Thường cũng cho biết, về nguyên tắc đầu tư, thành phố cũng đang chỉ đạo theo hướng số lượng dự án phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện. Các dự án chuyển tiếp giai đoạn này phải hoàn thành xong và chuẩn bị điều kiện cho các giai đoạn trung hạn về sau.

Thành phố cũng cố gắng thực hiện đầu tư trọn gói dự án và tập trung đầu tư dự án hoàn thiện kết nối giao thông, giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen, tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về thứ tự ưu tiên, thành phố dành quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút mà quá tải và có tình trạng ùn tắc; tiếp đó, đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối với tỉnh ngoài liên kết với phương tiện hướng Bắc, Tây Bắc nhằm giảm tải cho trung tâm Thủ đô và đầu tư các cái đoạn kết nối vành đai, kết nối các đường cao tốc, các dự án phục vụ cho 4 huyện lên quận…

Dự án cầu vượt nút giao An Dương, đường Thanh Niên: Bảo đảm tiến độ rút ngắn 6 tháng

Đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ Tây Hồ) chất vấn về Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên đã kéo dài rất lâu, cần bảo đảm theo đúng tiến độ thành phố giao đến hết năm 2024.

4c9cf95bb4da1d8444cb.jpg
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ Tây Hồ).

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin, Dự án cầu vượt nút giao An Dương, đường Thanh Niên kết hợp với việc thay thế một phần đê đất sang đê bê tông được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 815 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1 thực hiện được áp dụng một số cơ chế đặc thù là được giao thầu toàn bộ các gói thầu, nên việc triển khai thi công nhanh hơn và đáp ứng được tiến độ dự án.

Trong triển khai giai đoạn 2, do vướng các vấn đề về giải pháp kỹ thuật nên dự án bị chậm 1,5 năm. Tháng 6-2022, dự án đã bảo đảm các điều kiện khởi công. Đến nay, toàn bộ hệ thống tường chắn đê đã cơ bản hoàn thành, đơn vị thi công đang bắt đầu triển khai việc đào đê và thay thế phần đê đất.

Theo tiến độ được giao, đến hết năm 2024, mới kết thúc thời gian thực hiện. Tuy nhiên, thành phố đã yêu cầu rút ngắn tiến độ 6 tháng. Nhà thầu cũng đã cam kết sẽ khắc phục khó khăn, đặc biệt, khi giá vật tư đang tăng rất cao để quyết tâm triển khai thực hiện theo tiến độ rút ngắn.

“Hiện, dự án đang được triển khai thi công 3 ca liên tục. Ban cam kết từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2024, sẽ hoàn thành khoảng 1km, gồm 300m từ khách sạn Thắng Lợi đến Xuân Diệu và 700m từ đường Lạc Long Quân đến Nhật Tân”, ông Nguyễn Chí Cường nêu.

Thi công “3 ca - 4 kíp” bảo đảm tiến độ đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Văn Luyến (Đan Phượng) nêu hiện trạng dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn, ga Hà Nội sau nhiều lần điều chỉnh, quá trình triển khai thi công gặp nhiều khó khăn thì hiện tiến độ triển khai chậm, cầm chừng, rào chắn lòng lề đường đang gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Với tiến độ và khó khăn nêu trên, Ban Quản lý dự án có giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ dự án để về đích đúng cam kết”?.

d11f473d07bcaee2f7ad.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Luyến (Đan Phượng).

Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, sau nhiều nỗ lực, cố gắng cùng các chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt, việc thành phố ứng khoảng 700 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả, đơn vị tư vấn đã quay trở lại vào đầu tháng 11-2023 và lập lại kế hoạch thực hiện đoạn trên cao của dự án.

Cũng theo ông Minh, dự kiến trong quý II-2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa tuyến vào khai thác thương mại. Đối với đoạn ngầm, hiện nay thì nhà thầu cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện “ba ca, bốn kíp” với tinh thần bảo đảm hoàn thành tiến độ dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên hàng đầu các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.