(HNM) - Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) đã họp tại Niigata (Nhật Bản) từ ngày 11-5. Diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức, hội nghị lần này là dịp để G7 tìm cách tháo gỡ những khó khăn đang phải đối mặt, đồng thời xây dựng tầm nhìn, duy trì sự ổn định, ưu tiên củng cố hệ thống tài chính toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 năm nay diễn ra từ ngày 11-5. Các nước không phải là thành viên G7, gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Ukraine và Comoros - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) cũng được mời dự họp. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn lao đao do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Ukraine - Nga. Bên cạnh đó, gần đây một số ngân hàng lớn phá sản đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Hồi tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng 2,8% trong năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính hiện nay có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm xuống chỉ còn 1%. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đánh giá, hệ thống tài chính toàn cầu đang đối mặt với một môi trường “đầy biến động”, đặt ra không ít thách thức đối với các quốc gia G7. Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định, củng cố hệ thống tài chính toàn cầu là ưu tiên chính lúc này của G7.
Hội nghị đã tập trung thảo luận một loạt vấn đề gồm: Tái thiết Ukraine hậu xung đột; khủng hoảng ngân hàng; nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ. Các bộ trưởng cũng tìm kiếm kinh nghiệm xử lý tốt hơn những rủi ro đối với hệ thống tài chính, thông qua chia sẻ bài học rút ra từ vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ. Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm đẩy mạnh và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó tập trung cao độ vào dây chuyền công nghệ năng lượng sạch. Các vấn đề khác như quy định đối với tiền kỹ thuật số, tài chính khí hậu, khủng hoảng ngân hàng, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các quốc gia kém phát triển cũng được đề cập sâu.
Đáng chú ý, một vấn đề lớn “phủ bóng” hội nghị lần này là nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ. Đây là điều dễ hiểu bởi những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến các thị trường tài chính chao đảo. Trong khi đó, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy Quốc hội Mỹ sẽ đạt được sự đồng thuận về việc nâng trần nợ công, trước thời gian “đáo hạn” vào ba tuần tới. IMF cảnh báo, việc Mỹ vỡ nợ có thể dẫn đến sự gia tăng của lãi suất vay và khiến bất ổn lan rộng đối với kinh tế toàn cầu. Phát biểu về vấn đề này tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu rõ, việc Mỹ vỡ nợ là “không thể tưởng tượng được” và sẽ được coi như “một thảm họa” có ảnh hưởng toàn cầu. Nhất trí với quan điểm này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda nhận định, việc Mỹ vỡ nợ sẽ trở thành một "thảm họa" với kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không thể tự giải quyết.
Diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức, hội nghị lần này không chỉ là dịp để G7 tìm ra lời giải cho các bài toán khó, mà còn là cơ hội để khối kinh tế hàng đầu thế giới này thể hiện sự đoàn kết, cũng như khả năng duy trì vai trò dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, việc đưa ra những giải pháp quyết liệt sẽ gặp nhiều thách thức, trong bối cảnh các nước thành viên G7 còn tồn tại không ít khác biệt. Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng hy vọng đến khi kết thúc vào ngày 13-5, hội nghị sẽ có một số kết quả cụ thể mang tín hiệu lạc quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.