Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã chủ trì cuộc họp các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Các nhà lãnh đạo G7 (Italia, Canada , Pháp , Đức , Nhật Bản, Anh và Mỹ) đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông nhưng cho biết một giải pháp ngoại giao vẫn khả thi và cuộc xung đột trên toàn khu vực không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào.
Cuộc họp diễn ra ngày 2-10, sau khi Italia kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét tăng cường nhiệm vụ của phái bộ Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL) nhằm đảm bảo an ninh cho biên giới Israel - Lebanon.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho biết, bà “quan ngại sâu sắc" về những diễn biến mới nhất, bao gồm cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel và tình hình bất ổn ở Lebanon, đồng thời khẳng định, Italia sẽ tiếp tục đấu tranh cho một giải pháp ngoại giao. Mục tiêu là ổn định biên giới Israel - Lebanon thông qua việc thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc, có hiệu lực từ năm 2006 để ngăn chặn cuộc chiến tranh Israel - Hezbollah ở miền Nam Lebanon.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên khác của G7 thảo luận về lệnh trừng phạt mới sẽ áp dụng đối với Iran sau cuộc tấn công tên lửa vào Israel.
Phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ có nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Iran và ông sẽ sớm nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, ông không ủng hộ một cuộc tấn công vào các địa điểm hạt nhân của Iran.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell, nước này đang tìm cách thống nhất lập trường với Israel về biện pháp đáp trả Iran, song ông cũng thừa nhận rằng Trung Đông đang “đi trên lưỡi dao” và một sự leo thang rộng hơn có thể gây nguy hiểm cho cả lợi ích của Israel và Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.