(HNMO)- Cô gái ngồi thu lu một góc nơi bến xe Giáp Bát, lôi từ chiếc túi bóng đỏ ra những đồng tiền lẻ, đưa tay xếp lại cho phẳng phiu rồi cẩn thận buộc dây chun thành từng sấp, cho lại vào trong túi. Cứ mỗi khi có chiếc xe buýt dừng lại đón khách, cô gái lại bước lên chúc tụng và hát cho họ nghe...
Ăn xin bằng giọng hát… dở tệ!
“Con xin kính chào các cô, các bác, các anh chị! Con xin kính chúc các cô, các bác, các anh, các chị sức khoẻ dồi dào, công tác tốt và ngày càng xinh đẹp! Vì con hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi xin ăn kiếm sống nên con rất mong các cô, bác và anh, chị rộng lòng thương, cho con xin ít tiền! Con xin cảm ơn các cô, các bác, các anh, các chị. Sau đây con xin được hát tặng mọi người...”. Cô gái vừa bước lên xe vừa nói không ngừng nghỉ.
Đó là một cô gái còn khá trẻ (khoảng 24-25 tuổi). Dáng người nhỏ bé, khuôn mặt tròn, tóc dài chấm vai được buộc qua quýt. Cô gái trông khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, ngoại hình không đến nỗi tệ! “Có người hỏi tôi sao ca nhạc buồn chuyện tình dở dang. Có người hỏi tôi sao ca chi những lời tình buồn thê lương. Gieo chi tiếng lòng tan tác tâm tư…”- cô hát. Vừa hát, cô vừa đi từ đầu xe đến cuối xe, chìa hai tay ra xin tiền. Đáp lại là những cái lắc đầu từ chối. Cô vẫn nài nỉ. Người tốt bụng thì cho năm trăm, một nghìn, người nóng tính thì quát thẳng vào mặt: “Tao làm gì có tiền, đi ra chỗ khác”. Chiếc xe buýt càng thêm ồn ào. Mọi người lấy cô làm chủ đề bàn tán, nhất là các bạn trẻ. Họ chỉ trỏ, cười cợt, trêu đùa cô gái tội nghiệp. Trước phản ứng đó, cô gái chỉ cười và tiếp tục hát, thỉnh thoảng dừng lại xin tiền.
Hết 10 phút cho tài xế nghỉ ngơi, xe buýt tiếp tục chuyển bánh, bắt đầu một cuộc hành trình mới. Cô gái vội chạy xuống xe, không quên nói lời cảm ơn và chào mọi người như khi lên xe.
Có những yêu thương... không nằm trong tầm với
Cô gái trong câu chuyện trên là Lê Thị H. (sinh năm 1987), nhà ở xóm 12, đội 13, xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Nhà H. có 5 anh em. Cô là con thứ ba trong gia đình nhưng cũng là người chịu thiệt thòi nhiều nhất khi phải chịu ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố.
Bố H. gầy yếu, cả ngày chỉ ở nhà làm những công việc nhẹ nhàng. Vì thế, bất đắc dĩ mẹ H. trở thành trụ cột trong gia đình. Những ngày trái gió trở trời, 2 bố con cùng lên cơn co giật, người phát sốt, có khi sùi bọt mép. Mặc dù hằng tháng, hai người vẫn nhận được tiền trợ cấp của nhà nước cũng như hỗ trợ thuốc men từ phía bệnh viên Đa khoa tỉnh Ninh Bình, nhưng với số tiền khá ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Không làm ra tiền lại là gánh nặng trong gia đình, H. bị chính những người thân yêu của mình hắt hủi. Chị nói với tôi mà không kìm được nước mắt: “Mọi người trong nhà chỉ muốn đuổi chị đi cho khuất mắt, đỡ xấu hổ. Ngay cả đứa em gái cũng chửi chị không ra gì, em ạ!”.
Nhìn H. gầy gò, ốm yếu, một mình lang thang nơi xứ người, tôi không khỏi cảm thương cho số phận bất hạnh của chị. Một người phải chịu thiệt thòi ngay từ lúc mới chào đời, lẽ ra càng phải được yêu thương, trân trọng và được sẻ chia, an ủi. Đằng này, với H. thì tình thương là một thứ gì đó quá xa xỉ.
Quê nghèo, gia đình hắt hủi, H. quyết định bỏ nhà lên Hà Nội kiếm sống. Chị đã từng xin làm phục vụ ở quán cà phê, quán cơm phở nhưng cuối cùng đều bị đuổi vì những lần lên cơn co giật làm đổ chén đĩa.
H. lang thang xin ăn qua ngày, rồi bị lừa bán vào quán cà phê ở Bắc Giang. Chủ quán cà phê bán cô sang Hà Khẩu, Trung Quốc. H. làm ôsin ở đó 3 năm cho một gia đình người Việt. Một hôm, trong lúc đi chợ cho nhà chủ, chán cho cuộc đời bất hạnh của mình, H. vừa đi vừa khóc. Cô bán bún phở thấy chị khóc như vậy liền hỏi chị vài câu bằng tiếng Trung. Không hiểu thứ ngôn ngữ xứ người, H. đáp lại bằng tiếng Việt. Thì ra người đàn bà tốt bụng đó cũng là người Việt sang đây định cư. Biết chuyện, bà và chồng lấy xe đưa chị về Lạng Sơn. Nhờ công an Lạng Sơn liên lạc với người nhà và cho thêm tiền để đưa H. về.
Ở nhà chưa được bao lâu thì đầu tháng 2 năm 2011, H. lại một lần nữa bỏ nhà ra Hà Nội. H. nhớ lại: “Lúc đó, chị tới gặp Ban quản lí Bến xe Giáp Bát xin được làm trong bến xe. Ban quản lí Bến xe Giáp Bát lúc đầu không đồng ý với lý do chỉ giúp đỡ cho người tàn tật, còn chị vẫn khỏe mạnh. Chị phải đem căn bệnh quái ác của mình ra giãi bày mới được mọi người đồng ý cho làm nghề hát rong”.
Lê Thị H. ngóng chờ những chuyến xe buýt vào bến |
“Thế một ngày chị xin được bao nhiêu?”- Tôi hỏi, cố tình “đánh” vào kinh tế của người phụ nữ làm cái nghề bất đắc dĩ ấy. “Mỗi ngày trung bình được một đến hai trăm nghìn đồng, hôm ít lắm cũng được bảy mươi nghìn đồng”. “Vậy là hơn lương công nhân rồi đó!”- Tôi tròn mắt, ngạc nhiên với mức “lương” có thể nói là hậu hĩnh ấy. H. lắc đầu, giọng nói có phần lạc đi: “Nhưng hay bị cướp lắm em ạ! Thỉnh thoảng lên cơn co giật không biết gì, lúc tỉnh dậy thì tiền bạc chẳng còn đâu”.
Chia tay H. bằng một cái ôm nhè nhẹ, nhớ lại câu nói của chị lúc ra về, tôi thấy lòng mình se lại: “Nếu có thể, chị mong rằng sẽ dành đủ tiền để chữa bệnh. Sau đó về quê chăm sóc bố, cùng bố vượt qua những tháng ngày bệnh tật...!”
Ước mơ có thể là mục tiêu to lớn mà ta cần phải đạt được. Nhưng đôi khi, đó là những điều giản dị trong cuộc sống đời thường, như yêu thương và được yêu thương. Với H. yêu thương là một thứ gì đó quá cao xa, không nằm trong tầm với. Cuộc sống vốn vẫn đầy rẫy những lo toan, trăn trở. Có bao giờ, giữa bộn bề lo toan ấy, bạn nhận ra rằng: “Mình đã quá vô tâm?"
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.