(HNM) - Tại hội thảo ung thư nhi quốc gia lần thứ VII diễn ra chiều 13-11, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Lê Thanh Hải cho rằng, hiện các bệnh ung thư ở trẻ em tăng nhanh nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được nếu được phát hiện sớm.
Dấu hiệu nhận biết
Trên thế giới, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai ở trẻ thuộc các nước phát triển (chiếm khoảng 10-12,3%). Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện trên thế giới có khoảng 250.000 trẻ em đang bị ung thư. Riêng tại Việt Nam, số ca ung thư nhi mắc mới ước tính trong một năm ở trẻ dưới 19 tuổi là khoảng 4.200 trường hợp. Trẻ em bị ung thư ở một số bộ phận trên cơ thể giống như ở người lớn, trong đó loại ung thư thường gặp nhất là bệnh bạch cầu và u nguyên bào thần kinh.
Trẻ cần được khám, kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm những bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Dương Ngọc |
Theo các nghiên cứu, bạch cầu là căn bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em, chủ yếu ở lứa tuổi 3-4 tuổi, chiếm tới 23% tỷ lệ ung thư được chẩn đoán ở trẻ dưới 15 tuổi. Các biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu, da xanh, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, đau xương, sốt thất thường, ra nhiều mồ hôi về đêm, nổi hạch nhiều hoặc hạch to thất thường, bụng chướng do gan, lách to, nhiễm trùng khó điều trị. Một số bệnh nhân có biểu hiện phì đại lợi, lồi mắt, tổn thương da. Nếu những triệu chứng này xuất hiện kéo dài vài ngày hoặc vài tuần thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc điều trị cho bệnh nhi ung thư máu phụ thuộc nhiều vào thể ung thư và thời gian phát hiện bệnh sớm hoặc muộn. Ở trẻ bị ung thư máu, người ta nhận thấy, có sự tăng sinh bất thường và ác tính trong quá trình tạo máu của thành phần bạch cầu gốc trong tủy xương. Hiện nay, một số yếu tố môi trường và di truyền có liên hệ với bệnh bạch cầu cấp đã được ghi nhận do môi trường, virus, tia phóng xạ, hóa chất, bất thường nhiễm sắc thể (trẻ bị hội chứng Down)…
Cùng với bạch cầu, u nguyên bào thần kinh cũng là dạng ung thư phổ biến nhất trong năm đầu đời của trẻ. Qua nghiên cứu một số biến đổi di truyền trên bệnh nhân u nguyên bào thần kinh tại BV Nhi trung ương, Th.S Vũ Đình Quang, Khoa Di truyền và Sinh học Phân tử cho biết, 98% khối u tìm thấy ở trẻ dưới 6 tuổi. Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào vị trí u tiên phát, mức độ lan tỏa tại chỗ và di căn. Với khối u vùng bụng thường chiếm tỷ lệ từ 60 đến 65% kèm theo các triệu chứng như chướng bụng, nôn, kém ăn. Khi di căn phổ biến vào gan ở trẻ sơ sinh gây rối loạn chức năng gan, đông máu, chèn ép gây khó thở. Ở trẻ lớn, khi khối u di căn vào xương hoặc tủy xương sẽ gây đau xương, thiếu máu, lồi mắt… "U nguyên bào thần kinh là một loại u thường gặp ở trẻ em, dạng bẩm sinh (đột biến xảy ra trong quá trình mang thai). Trẻ còn nhỏ nhưng lại có triệu chứng đau lưng, đau xương... thêm vào đó là bụng to không bình thường thì cần đưa trẻ đi khám, bởi đây có thể là dấu hiệu của căn bệnh u nguyên bào thần kinh", Th.S Vũ Đình Quang cho biết.
Theo chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ung thư, 85% trẻ ung thư có dấu hiệu gợi ý như: Xuất hiện khối u hoặc sưng nề bất thường ở ổ bụng; sốt kéo dài không lý giải được; mệt mỏi, da xanh, sút cân nhanh; bị bầm tím và chảy máu không lý giải được; đau kéo dài không lý giải được, đau đầu kèm theo nôn; thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hoặc hành vi; đầu bị sưng nề; xuất hiện vệt sáng trắng ở mắt... Trẻ em có một trong những triệu chứng trên trong vài ngày hoặc vài tuần, cần đưa đi khám sớm để phát hiện và chẩn đoán bệnh. |
Chưa hết cơ hội cứu chữa
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, tỷ lệ bệnh ung thư gia tăng đang là thách thức lớn đối với ngành y tế. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mắc mới, trong đó có khoảng 70.000 người tử vong.
Được biết, từ năm 2008, Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam kinh phí 6,7 triệu USD để triển khai Dự án ung thư nhi - Lund (giai đoạn 2008-2015). Ông Jacek Toproski - đại diện Dự án cho biết, trong khoảng 250.000 trẻ em đang mắc bệnh ung thư trên toàn thế giới thì có 50.000 trẻ ở các nước phát triển được chẩn đoán và có tỷ lệ sống sót là 80%. 200.000 trẻ còn lại chỉ có khoảng 25% sống sót. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, hơn 50% trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn và không được điều trị đầy đủ. Qua tìm hiểu về việc điều trị căn bệnh ung thư nhi ở Việt Nam cho thấy, cơ sở điều trị ung thư còn thiếu. Ngay tuyến trung ương mới có 4 bệnh viện có khả năng điều trị ung thư nhi. Đây là rào cản đối với bệnh nhi khi tiếp cận với các cơ sở y tế để điều trị bệnh. Chính vì vậy, số trẻ mắc ung thư được chẩn đoán còn sót, khi nhập viện điều trị đã muộn...
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Ung thư nhi Việt Nam cho rằng, các bệnh không nhiễm khuẩn, trong đó có ung thư ở trẻ em ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ em chưa được chú ý. "Ung thư ở trẻ em khác với người lớn ở cách điều trị nhưng nhờ sự tiến bộ của y học mà nhiều bệnh ung thư ở trẻ em đã chữa được. Chúng tôi xem đây là một bệnh hoàn toàn chữa được. Nếu bệnh được phát hiện càng sớm thì càng có cơ may được chữa khỏi và việc điều trị cũng đơn giản và ít tốn kém". GS.TS Nguyễn Công Khanh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.