Sức khỏe

Báo động ung thư đại tràng do lối sống

Thu Trang 09/04/2025 - 07:19

Ung thư đại trực tràng đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tỷ lệ tử vong. Theo các chuyên gia y tế, trước đây, căn bệnh ung thư này phổ biến ở các nước châu Âu và Mỹ, ít gặp hơn ở châu Á.

Thế nhưng, vì lối sống của người châu Á, trong đó có Việt Nam, ngày càng tương đồng với các nước phương Tây nên tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng gia tăng và trẻ hóa.

ung-thu.jpg
Nội soi tầm soát ung thư đại tràng tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thủ phạm gây bệnh hàng đầu

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), ung thư đại trực tràng đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tỷ lệ tử vong.

Còn tại Việt Nam, năm 2020, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5, sau ung thư gan, phổi, vú, dạ dày. Đến nay, căn bệnh này đứng thứ 4 trong những loại ung thư thường gặp với hơn 16.800 ca mắc mới và hơn 8.400 ca tử vong trung bình mỗi năm. Đáng chú ý, trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng chủ yếu ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.

Đề cập đến nguyên nhân khiến ung thư đại trực tràng có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và tại Việt Nam, Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K) cho biết, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, gồm cả yếu tố không thể thay đổi và có thể thay đổi được. Trong yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được đó là tuổi tác, gen, di truyền. Người trên 50 tuổi, hoặc trong gia đình có người thân mắc bệnh sẽ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng tăng cao rõ rệt. Còn với yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được liên quan đến lối sống và chế độ dinh dưỡng.

Theo Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, người dân dần thích nghi với lối sống của phương Tây, trong đó ít hoạt động thể lực, chế độ ăn nhiều thịt đỏ (như: Thịt bò, lợn, cừu) và thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, đồ ăn nhanh), thịt nấu ở nhiệt độ cao (rán, nướng), hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn (bia, rượu)… là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.

Điển hình, tại Bệnh viện K đã tiếp nhận điều trị cho nam thanh niên 30 tuổi, đi xuất khẩu lao động. Nam bệnh nhân này có thói quen thường xuyên thức khuya, tiêu thụ đồ ăn nhanh, lười vận động. Khi có biểu hiện bệnh, nam bệnh nhân đi khám và phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn ba, đã di căn.

Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp dưới 45 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng. Với căn bệnh này, yếu tố tuổi tác và di truyền chiếm khoảng 3-5%, còn lại nhiều trường hợp mắc bệnh liên quan đến béo phì, đái tháo đường type 2, chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Bình Nguyên, Trung tâm Tiêu hóa Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, chính lối sống “Tây hóa” với chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ít chất xơ, kèm theo thói quen hút thuốc, uống rượu và ít vận động là tác nhân gây bệnh hàng đầu.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người nên ăn ít nhất 400gram rau, củ, quả/ngày để phòng, chống các bệnh mạn tính liên quan tới dinh dưỡng như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và các bệnh tim mạch. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy, 57% người trưởng thành tại nước ta ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi lại ăn nhiều thịt và uống nhiều rượu, bia, ít hoạt động thể chất. Điều đó dẫn tới, tỷ lệ béo phì tại nước ta đang gia tăng và kéo theo nguy cơ trẻ hóa ung thư đại trực tràng.

Cách gì để giảm nguy cơ mắc bệnh?

Ung thư đại trực tràng dù đang gia tăng và trẻ hóa nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa một cách chủ động.

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Bình Nguyên đề cập đến việc kiểm soát bệnh theo hai hướng. Thứ nhất là thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt, với người thừa cân thì cần thực hiện ngay việc giảm cân, tăng cường hoạt động thể chất.

Cùng với đó, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh như ăn nhiều hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, giảm hoặc ngừng rượu bia, bỏ thuốc lá. Thứ hai là sàng lọc định kỳ, phát hiện sớm polyp tiền ung thư. Nếu cắt bỏ polyp kịp thời, nguy cơ ung thư giảm tới 90%.

“Hầu hết các ung thư đại trực tràng đều phát triển từ polyp tiền ung thư. Từ thời điểm các tế bào bất thường đầu tiên bắt đầu phát triển thành polyp, mất khoảng 10 đến 15 năm để trở thành ung thư đại tràng. Với sàng lọc thường xuyên, hầu hết các polyp có thể được tìm thấy và cắt bỏ trước khi chúng có cơ hội biến thành ung thư. Sàng lọc cũng có thể phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm hơn, chưa lan rộng và có thể dễ điều trị hơn, kéo dài thêm thời gian sống”, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Bình Nguyên thông tin.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, dù không có triệu chứng nhưng những người từ 45 tuổi nên sàng lọc ung thư đại trực tràng. Còn với người có yếu tố nguy cơ cao như có tiền sử polyp đại trực tràng, tiền sử bệnh ruột viêm, có bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu hay trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, nghi ngờ mắc bệnh theo di truyền… cần sàng lọc sớm hơn, thậm chí từ 20-30 tuổi. Khi xuất hiện các triệu chứng như: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài ra máu… thì bệnh đã tiến triển. Do đó, đừng chờ đến lúc có dấu hiệu của bệnh mới đi khám.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động ung thư đại tràng do lối sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.