(HNMO) - Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, 22% nam nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập ở TP Hồ Chí Minh đang bị nghiện hút thuốc lá (2014).
Khó từ trong trứng nước
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá 2014 và hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá năm 2015 do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27-5, BS Đào Thị Mỹ Liên - Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức cho biết: Trung tâm có 7 nhân viên nghiện thuốc lá, đã vận động cai nghiện được 3 người, nhưng chỉ 1 người cai nghiện thành công. Việc vận động cán bộ y tế của sở bỏ hút thuốc thực tế đang là một khó khăn, theo BS Mỹ Liên năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức khó có thể hoàn thành chỉ tiêu của sở Y tế giao cho, vì hiện tại trung tâm có trên 30% nam nhân viên nghiện hút thuốc lá. Trong đó tỷ lệ cai thuốc nhưng vẫn tái nghiện chiếm trên 70%.
Thuốc lá là tác nhân dẫn đến 10% ca tử vong ở người lớn. |
Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh được coi là đơn vị dẫn đầu về phòng chống tác hại thuốc lá, song theo BS Lê Ngọc Vân - Trung tâm y tế dự phòng quận Bình Thạnh cũng gặp phải nhiều khó khăn. Bác sĩ Vân cho biết: “Đến nay 100% cơ sở y tế tại quận Bình Thạnh cam kết thực hiện không khói thuốc lá và giảm cán bộ y tế hút thuốc lá. Song hiện tại chỉ mới có 3 trạm y tế phường 13, 14, 15 có 100% nhân viên y tế không nghiện hút thuốc lá, các đơn vị còn lại vẫn chiếm số lượng nghiện hút thuốc khá cao. Đáng lo ngại hơn, nhóm nhân viên cơ ở y tế có hút thuốc lá tập trung nhiều nhất là bảo vệ và các nhân viên làm dịch vụ cho bệnh viện đang có khuynh hướng gia tăng.
Bác sĩ Lương Văn Hòa - Bệnh viện Phụ sản Mê Kông cho biết: “Bệnh viện có 37 nhân viên bảo vệ, an ninh vì 27 người nghiện thuốc lá, đã vận động từ bỏ song đến nay, kết quả chẳng mấy khả quan”. Bác sĩ Hoà cũng tâm sự ông bị nghiện thuốc lá nhiều năm liền, nhiều lần bỏ thuốc nhưng rồi hút lại. Cho đến năm 2013, bác sĩ Hòa được Bệnh viện Phụ sản Mê Kông giao chức trưởng phòng truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá thì ông mới có động lực loại bỏ thuốc lá. “Làm nhiệm vụ tuyên truyền giảm tác hại khói thuốc mà mình lại đi hút thì ai nghe. Vì thế mà tôi bỏ hẳn thuốc lá hơn 1 năm nay”.
BS Trần Lâm Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP Hồ Chí Minh thừa nhận, hiện nay nhiều cán bộ công chức, viên chức kể cả cán bộ y tế không quan tâm tới chiến dịch tuyên truyền phòng chống tác hại của khói thuốc. Điều này gây ra nhiều cản trở cho trung tâm khi triển khai thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng thuốc lá tại môi trường công cộng và công sở”.
Khó xử phạt vi phạm hút thuốc nơi công cộng
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tác hại khói thuốc lá cho người dân, năm 2014, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công 2 phòng khám - tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 2 điểm là bệnh viện nhân dân Gia Định và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP Hồ Chí Minh. Hai cơ sở hoạt động phục vụ bệnh nhân nghiện thuốc đang điều trị tại bệnh viện và người hút thuốc lá có nhu cầu cai nghiện. Dù đi vào hoạt động hơn 1 năm nay, song tỷ lệ người nghiện thuốc lá đến đây tư vấn còn quá khiêm tốn.
Để thực hiện khẩu hiệu “bệnh viện không khói thuốc” theo vận động của Bộ Y tế, thời gian qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình triển khai tham gia vận động người dân không hút thuốc tại bệnh viện. Trong đó Sở Y tế đã chỉ đạo cho các đơn vị triển khai treo bảng cấm thuốc lá tại khuôn viên bệnh viện, căngtin... Một số bệnh viện tư đã lắp cả Camera để theo dõi và ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá tại bệnh viện, song chưa đem lại kết quả cao. Theo báo cáo, Bệnh viện Phụ sản Mê Kông đã cho lắp camera an ninh ở trong khuôn viên bệnh viện nhưng người nhà bệnh nhân lại tìm cách chui vào nhà vệ sinh để hút thuốc... để né camera và không ai có thể bắt phạt được. Và tình trạng trốn vào nhà vệ sinh để hút thuốc trở thành tình trạng chung và phổ biến tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, do nhóm nhân viên bảo vệ, dịch vụ bệnh viện chiếm tỷ lệ nam giới nghiện thuốc cao. Vì thế tại nhiều bệnh viện đã xảy ra nhiều trường hợp khi cấm hút thuốc trong bệnh viện thì bảo vệ, nhân viên đã tự ý rời khỏi vị trí làm việc để ra ngoài bệnh viện hút thuốc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh bệnh viện, và thật khó để xử phạt nhân viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.