(HNMO) - “Sau hơn 10 ngày chính thức đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã dần vận hành ổn định. Những lỗi nhỏ về mặt kỹ thuật đã kịp thời được khắc phục, không dẫn tới tình trạng phải bỏ chuyến, lượt. Điều đáng quý là người dân Thủ đô đã có những đánh giá rất tích cực về dự án, đây thực sự là động lực to lớn với những nỗ lực của chúng tôi”. Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường với phóng viên Báo Hànộimới vào ngày 19-11.
- Ông có thể thông tin về kết quả phục vụ hành khách kể từ khi chính thức vận hành thương mại cho đến nay?
- Tính từ ngày 6 đến 17-11, sau 12 ngày đưa vào khai thác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã thực hiện 1.945 chuyến tàu, vận chuyển được 290.814 lượt hành khách. Tần suất chạy tàu bắt đầu giữ ổn định khi sáng mở tuyến từ 5h30, kết thúc 22h hằng ngày và thực hiện theo đúng biểu đồ, đồng thời vượt kế hoạch lượng khách vận chuyển. Thực tế đã và đang diễn ra là kịch bản tốt nhất trong các kịch bản đã được chuẩn bị từ đầu.
- Nói như vậy có nghĩa dự án đã vận hành tốt ngay khi tiếp nhận bàn giao, thưa ông?
- Thực tế thì trong những ngày vận hành vừa qua, có một số lỗi nhỏ về kỹ thuật như tàu bị hỏng cần gạt nước; hệ thống âm thanh thỉnh thoảng không bảo đảm do để lâu ngày, nhưng quan trọng nhất là các tình huống này đã được xử lý theo đúng quy trình và không để xảy ra tình trạng bỏ chuyến, lượt.
Trong 12 ngày vừa qua, các chuyến tàu đều hoàn toàn điều hành bằng lập trình tự động. Nhiều hành khách đã có cảm nhận tốt về tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước, từ đó bày tỏ hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, của thành phố về phát triển giao thông công cộng mà “xương sống” là đường sắt đô thị để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
- Một phương thức vận tải mới thông minh, tiên tiến rất cần sự đồng hành của hành khách. Với dự án này thì sao, thưa ông?
- Người dân vô cùng chia sẻ với phương thức vận tải mới và tiếp cận nhanh, thể hiện ở chỗ những ngày đầu, chúng tôi phải tăng cường rất đông nhân lực để hướng dẫn người dân đi tàu, nhưng đến nay, sau một số lần đi tàu, chính những hành khách này lại trở thành những tuyên truyền viên, hướng dẫn cho những hành khách mới để giữ cho hoạt động của tuyến Cát Linh - Hà Đông bảo đảm văn minh, an toàn.
Trong những ngày qua, thực tế vẫn phát sinh tình huống như, nhân viên đường sắt phải nhường phòng để trông thú cưng cho hành khách, thậm chí, hành khách mang cả hàng cồng kềnh lên tàu… Dù mới nhận bàn giao rồi đưa vào khai thác ngay nhưng chúng tôi đã lường trước để có phương án xử lý hợp lý. Cũng thông qua tuyên truyền, đến nay, tình trạng này gần như đã chấm dứt.
Chỉ sau một tuần đầu tiên, Hanoi Metro đã dán nội quy hành khách đi tàu ở tất cả nhà ga và nhận được sự ủng hộ.
- Còn những lo ngại về tình trạng hành khách tập trung đông người dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Quy luật của khách đi trên tuyến này trong 2 ngày đầu chúng tôi chưa rõ vì không phân biệt được đâu là người đi tàu thường xuyên, hay người đi trải nghiệm... nhưng đến giờ, quy luật đã rõ ràng. Hiện tại, trong 2 ngày cuối tuần, lượng khách tăng, nhưng những ngày trong tuần, khách tương đối ổn định, từ 18.000-20.000 khách/ngày. Những người đi trải nghiệm đã tránh khung giờ cao điểm nên công tác phòng, chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội được kiểm soát rất nghiêm ngặt.
- Dư luận phản ánh, tại một số khu vực xung quanh các nhà ga đã xuất hiện tình trạng thu phí cao hành khách gửi xe để chuyển tiếp đi tàu. Vấn đề này đã được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Đây thực sự là vấn đề khó khăn, đặc biệt với các nhà ga dọc tuyến. Còn tại ga điểm đầu là Cát Linh, đã có điểm trông giữ xe cá nhân được bố trí tại ngõ Hào Nam, đáp ứng cho khoảng 500-1.000 xe. Tại ga cuối Yên Nghĩa, điểm trông giữ được bố trí ngay trong Bến xe Yên Nghĩa. Các điểm này đã được thành phố yêu cầu tổ chức trông giữ phương tiện đúng theo giá quy định của Nhà nước.
Khó khăn là vậy nên chúng tôi rất mong hành khách chia sẻ. Đến nay, rất nhiều người dân đã chấp nhận đi bộ từ 500m đến 1km đến nhà ga hoặc tiếp cận bằng các phương thức công cộng khác như taxi, xe buýt... Nếu tất cả tiếp cận bằng xe cá nhân thì không đạt được mục tiêu giảm thiểu xe cá nhân.
Qua theo dõi lưu lượng hành khách hằng ngày, có thể thấy, sau những ngày đầu, tuyến liên tục đón một lượng lớn hành khách đến trải nghiệm thì hiện nay, lưu lượng hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ thực sự đã tăng lên khá nhiều. Theo thống kê, lượng khách đi vào những ngày thường tăng từ 6-15%, đây là lượng người sử dụng cho nhu cầu công việc.
Cũng phải nói thêm là 55 tuyến buýt gom và kết nối với các nhà ga rất hiệu quả, giúp người dân chuyển tiếp giữa xe buýt và đường sắt đô thị được thuận lợi hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Người miễn phí xe buýt đương nhiên được miễn phí đường sắt đô thị
Chủ trương của thành phố tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi sử dụng phương tiện công cộng. Người dân chỉ cần đến đưa thẻ miễn phí xe buýt sẽ được phát thẻ 0 đồng để đi miễn phí đường sắt đô thị.
Những người mua vé tháng chỉ cần đến trả tiền thì được phát vé 30 ngày, nếu hết hạn, đến đổi thẻ đó và mua thẻ mới. Vé này có thể cho người khác mượn sử dụng.
Đối tượng học sinh, sinh viên trình thẻ học sinh, sinh viên và dán tem. Đây là vé tháng định danh, chỉ đúng người mới đi được.
Mục tiêu là để khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng nên các thủ tục hành chính được cắt giảm tối đa. Sau một thời gian, nếu có vấn đề phát sinh, Hanoi Metro sẽ tiếp tục cải tiến nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí trợ giá Nhà nước, nhưng đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.