(HNM) - Nhà hát kịch Hà Nội vừa hoàn thành việc dàn dựng một vở diễn mới -
NSND Hoàng Dũng tiếp tục tín nhiệm chọn kịch bản của nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức cho nhà hát của mình. Vở mới nhất của Nhà hát kịch Hà Nội - "Điệp khúc Virus" vừa được hoàn thành, mang tới cho khán giả tiếng nói phản biện xã hội mạnh mẽ. Vở do Giám đốc, NSND Hoàng Dũng dàn dựng với sự tham gia của nhạc sĩ Tiến Minh, họa sĩ Đạt Tăng cùng các NSƯT Tất Đạt, Thu Hà, Công Lý...
Một cảnh trong vở “Điệp khúc virus”. |
Một giảng viên đại học "đạo" đề tài nghiên cứu của một sinh viên giỏi để làm luận án tiến sĩ nhằm bắc thêm bậc thang mới cho con đường công danh của mình, không đếm xỉa đến việc đề tài ấy có thể đã lạc hậu, gây hại cho xã hội. Tội lỗi của tiến sĩ "dỏm" được bố vợ - một cán bộ cấp cao che giấu, trở thành mầm mống gieo tai họa sau này khi Thành Thái, người sinh viên bị đạo đề tài năm nào, vì căm hận mà trở thành lưu manh, quyết tâm trả thù. Ngọc, vợ vị tiến sĩ nọ là giám đốc chi nhánh ngân hàng tỉnh, giữ hạnh phúc gia đình mình bằng cách bôi bẩn danh dự của Quế - một cô giáo có tình cảm với vị tiến sĩ. Nỗi hằn học suốt bao năm trở thành cơn bão trút xuống đầu Phương, cô con gái của họ và bạn trai cô là Quân - chính là con trai của Quế. Thành Thái dựng lên một công ty "ma" chuyên kinh doanh bất động sản. Lợi dụng khó khăn của công ty bò sữa mà Quân là giám đốc, Thành Thái liên doanh với công ty này rồi tìm cách vay tiền ngân hàng, ôm khoản tiền lớn bỏ trốn, đẩy bà giám đốc Ngọc vào cảnh khốn đốn…
Những tình tiết éo le đan cài nhằng nhịt và diễn biến gay cấn của vở kịch từng bước hé lộ những bí mật ghê gớm bị giấu kín, lột tả sự tha hóa của những kẻ không từ một thủ đoạn nào để bòn rút của công. Lối sống chạy theo danh lợi cuối cùng đưa nhiều nhân vật của vở kịch vào cảnh bế tắc.
Rất gần cuộc sống, vở kịch "Điệp khúc virus" lên sân khấu, "chọc" thẳng vào những vấn đề nóng bỏng lâu nay: Khủng hoảng nhà đất, sự quản lý lỏng lẻo trong nhiều ngân hàng, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục và y tế, thái độ dung túng, bao che, đồng lõa của một bộ phận cán bộ. Trong trường hợp này, ông bố vợ của vị tiến sĩ "dỏm" có thể là ví dụ cho một kiểu thủ trưởng xu thời, bon chen và đằng sau đó là lời cảnh báo đối với tác phong, ý thức làm việc không rõ ràng, không dứt khoát, thiếu trách nhiệm và sự công tâm của một số cán bộ hiện nay. Điều đáng lưu ý là những điều tệ hại trên, qua vở kịch, được nhìn nhận như một thứ virus có sức lây lan khủng khiếp, có khả năng kháng thuốc, khó lòng kìm hãm nổi và tình hình ngày càng trầm trọng nếu như không sớm có giải pháp trị bệnh…
Vở kịch có tác dụng cảnh báo đối với người xem, không chỉ kêu gọi tinh thần cảnh giác trước những biểu hiện thoái hóa, biến chất, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những ai đã sa chân vào vũng lầy danh lợi với những toan tính phi pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.