Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương sinh tạo động lực tăng trưởng

Thiện Mỹ| 24/10/2022 06:26

(HNM) - Dù phải chịu tác động tiêu cực từ nhiều bất ổn đa chiều trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng ít ỏi trong phục hồi kinh tế toàn cầu, được thế giới đánh giá cao. Thành quả này có dấu ấn không nhỏ của hệ thống ngân hàng thương mại khi luôn sát cánh, đồng hành, giúp doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và những chính sách quyết liệt, trúng và đúng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giúp tỷ giá và lãi suất của Việt Nam có biến động ít và lạm phát trong mức Quốc hội cho phép. Với chỉ đạo hướng dòng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên; hạn chế dòng tiền đổ vào lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu..., nên hệ thống ngân hàng thương mại đã phát huy được hiệu quả nguồn tiền cho vay. Bên cạnh đó, sự ổn định của nền kinh tế cũng tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng thương mại hoạt động ổn định, mở rộng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận 9 tháng năm 2022 với mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. “Đi” những bước thận trọng, chắc chắn, hệ thống ngân hàng thương mại không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính. Tổng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng, của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trên 7 triệu tỷ đồng..., là điểm tựa cho vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Với độ mở lớn của nền kinh tế, lại đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất lợi như hiện nay, việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại là yêu cầu bắt buộc. Tại cuộc gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại tổ chức sáng 16-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động”.

Trên quan điểm “thượng tôn pháp luật”, Nhà nước chỉ bảo vệ những chủ thể tuân theo pháp luật, vì thế, đây là yếu tố quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đề cập với hệ thống ngân hàng thương mại. Là bộ phận cấu thành quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên kinh doanh tiền tệ vì mục tiêu lợi nhuận, ngân hàng thương mại cũng có cơ hội và thách thức như bao doanh nghiệp khác. Song, riêng việc tuân thủ pháp luật đã là một bảo đảm chắc chắn để ngân hàng hoạt động lành mạnh, an toàn và ổn định.

Để củng cố nội lực, hệ thống ngân hàng thương mại cần tăng cường quản trị rủi ro tín dụng và xử lý nợ xấu. Tiếp tục cơ cấu tín dụng vào những ngành nghề có tiềm năng phát triển; đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, công nghiệp chế biến, chế tạo... Đây cũng là những ngành nghề được khuyến khích phát triển tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, qua đó giảm thiểu rủi ro và tạo nền tảng khách hàng vững chắc.

Là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số (theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"), ngân hàng xem xét tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số tại các ngân hàng gắn với nhiệm vụ về gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và cung ứng sản phẩm theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nghiệp vụ; tăng cường quản trị rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng… Đây là khía cạnh quan trọng góp phần để ngân hàng tăng năng lực quản trị và điều hành hiệu quả hơn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng là quan hệ cộng sinh, nên việc xây dựng nền tảng khách hàng chiến lược là đòi hỏi tất yếu; đồng thời với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách dành cho khách hàng có năng lực tài chính tốt, sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tín nhiệm với ngân hàng. Bảo đảm quyền lợi khách hàng chính là bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, do đó, yêu cầu nghiêm ngặt và nguyên tắc bất di bất dịch là ngân hàng hoạt động minh bạch, bảo vệ đến cùng quyền lợi của khách hàng.

Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi thì chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng giúp ngân hàng gia tăng niềm tin, vị thế. Việc cần thiết lúc này là ngân hàng tăng cường kiểm soát chi phí hoạt động, tiết giảm các khoản chi tiêu để tăng năng lực tài chính, giảm lãi suất cho vay, thực sự là điểm tựa cho doanh nghiệp, người dân trong mọi hoàn cảnh.

Hoạt động ổn định, năng lực tài chính, quản trị, điều hành... ngày càng được củng cố sẽ giúp hệ thống ngân hàng thương mại cùng người dân, cộng đồng doanh nghiệp tạo mối tương sinh hiệu quả, trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tương sinh tạo động lực tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.