Bảo đảm tính thống nhất, hợp pháp, hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật là vấn đề đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ngày càng hoàn thiện. Tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh” liên quan đến thực thi pháp luật từng bước được hạn chế.
Song, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn có văn bản quy phạm pháp luật trái luật, chậm ban hành, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn nữa trong lĩnh vực này.
Vẫn còn văn bản trái luật, chậm ban hành
Thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua là việc UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quy chế tổ chức họp báo trái quy định pháp luật. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy cho biết: "Quy chế tổ chức họp báo do UBND thành phố Cần Thơ ban hành là các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, áp dụng lặp lại nhiều lần với các cơ quan, cá nhân. Bởi vậy, việc UBND thành phố Cần Thơ "ban hành văn bản hành chính nhưng chứa quy phạm pháp luật" là vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần có biện pháp sửa chữa, khắc phục".
Không chỉ vậy, trong quy chế này còn đặt ra quy định: Cơ quan, văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông, trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày là chưa bảo đảm quyền của cơ quan báo chí, phóng viên báo chí theo quy định. Các quy định hiện nay không đặt ra giới hạn thời gian cơ quan báo chí, phóng viên phải gửi câu hỏi trước họp báo. Do đó, sau buổi làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, UBND thành phố Cần Thơ đã ra văn bản bãi bỏ Quyết định về việc ban hành Quy chế tổ chức họp báo đã ban hành trước đây.
Không chỉ có tình trạng ban hành văn bản trên, đến nay vẫn còn không ít văn bản quy định chi tiết thi hành luật chậm ban hành, có văn bản chậm tới vài năm. Đơn cử như, Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, song đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay quy định cụ thể về định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ công cai nghiện ma túy, sử dụng ngân sách nhà nước để đặt hàng, giao nhiệm vụ. Việc chậm muộn này làm cho hầu hết địa phương chưa triển khai quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho đơn vị sự nghiệp công lập...
Số liệu Quốc hội vừa công bố tháng 4 vừa qua chỉ rõ, có tới 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 1 pháp lệnh, 5 nghị quyết được giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản. Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường dẫn chứng cụ thể: Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có 12 điều, khoản của 2 luật; Tòa án nhân dân Tối cao có 10 điều, khoản của 3 luật, pháp lệnh; Bộ Y tế có 12 điều, khoản của 4 luật; Bộ Xây dựng có 9 điều, khoản của 2 luật; Thanh tra Chính phủ có 8 điều, khoản của 1 luật; Ủy ban Dân tộc có 8 điều, khoản của 1 luật; Văn phòng Chính phủ có 8 điều, khoản của 1 luật…
Siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, theo luật gia Lê Quang Vững, một phần vì không ít nội dung quy định là những vấn đề mới, khó, phức tạp, cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá, xin ý kiến đối tượng chịu tác động. Cùng với đó là việc xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; văn bản có nội dung trái luật còn chưa kịp thời và nghiêm minh.
Thực tế cho thấy, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi văn bản dưới luật là các văn bản phát sinh hiệu lực trực tiếp và được áp dụng phổ biến trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Việc chậm ban hành tạo ra khoảng trống pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là lý do chính khiến luật chậm đi vào cuộc sống. Do đó, đã đến lúc cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, cơ quan để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn vì lý do chủ quan.
Luật gia Lê Quang Vững kiến nghị, song song với rà soát, hậu kiểm các văn bản quy phạm pháp luật đã thông qua, các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan "gác cổng" pháp luật - Bộ Tư pháp cần lưu ý đến những dự thảo văn bản luật đang có các luồng ý kiến khác nhau, như việc cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước cũng như tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.
Từ ngày 1-1 đến 31-3-2024, trên cơ sở đề nghị thẩm định của các bộ, ngành gửi về, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 8 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; 34 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao thêm về rà soát, đề xuất phương án, lộ trình xử lý hơn 500 thủ tục hành chính theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.