(HNM) - Hôm qua, 20-2 (mùng 7 Tết Canh Dần), Hội xuân Hà Nội với chủ đề "Khí phách Thăng Long - Hồn thiêng sông núi" mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức đã diễn ra tưng bừng, rộn rã trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, quận Hoàn kiếm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách đã hòa mình vào muôn vàn thanh sắc của mùa xuân để lắng nghe hồn thiêng sông núi từ ngàn xưa vọng về, để cảm nhận khí phách Thăng Long qua 3 nội dung chính của Hội xuân do hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên và người dân Thủ đô biểu diễn.
Lễ dâng hương khai hội. |
Đơn giản, nhẹ nhàng mà sâu sắc là cái đích hướng tới của Hội xuân Hà Nội năm 2010, lễ hội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô và du khách. Chị Trần Lê Thư, phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Rất ấn tượng với các lễ hội xuân Hà Nội, nên tôi và hai con đã có mặt ở Hồ Gươm từ 7h30 để thưởng thức Hội xuân Canh Dần một cách trọn vẹn. Chung niềm háo hức như chị Thư, rất nhiều người dân Thủ đô xuống phố trong ngày thứ bảy đầu xuân chọn điểm đến là hồ Hoàn Kiếm. Không để người dân phải thất vọng, cả không gian hồ Gươm nhuốm màu sắc lễ hội từ những ngày trước đó với hàng trăm chậu hoa cúc vàng, cúc trắng, hoa hồng đỏ, hồng môn, với những băng rôn, khẩu hiệu, cờ nheo, cờ phướn; đặc biệt là dàn trống hội Thăng Long đặt trong khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ chờ hội xuân khai màn.
9h, hội được mở đầu bằng những tình khúc ngợi ca Hà Nội có giá trị vượt thời gian, đi vào lòng người như "Làng lúa làng hoa", "Hà Nội niềm tin và hi vọng", "Thành phố ngàn năm"... Những lời ca ấy như lời tâm tình với "Hà Nội vui sao. Những cửa đầu ô... tíu tít gánh gồng. Đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu, Hà Nội tươi thắm. Sống vui phố hè... Rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai..."; rằng Hà Nội cùng với nhiều địa phương khác trên đất nước Việt Nam đang náo nức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; rằng người Hà Nội thanh lịch và nghĩa tình... Cái nghĩa tình ấy được thể hiện rõ hơn khi Đại đức Thích Huy Dương đăng đàn lục cúng trước tượng đài Đức Lý Thái Tổ cầu quốc thái, dân an; đồng thời thể hiện sự kính trọng, tri ân các triều đại, các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sỹ, nhân dân đã có công xây dựng và bảo vệ đất kinh kỳ: Đại La, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, nhất là công lao khai sáng Kinh thành Thăng Long của Đức vua Lý Thái Tổ... Đó cũng là nghi lễ của Hội xuân Hà Nội năm nay.
Thiếu nữ Thủ đô dự Lễ hội Xuân. Ảnh: Viết Thành |
Gắn với hình tượng hổ trong năm Canh Dần, Hội xuân được tiếp nối bằng tiết mục "Ngũ hổ hội tụ". Theo truyền thuyết dân gian thì hổ là biểu tượng cho sự dũng mãnh, tài năng, quyền biến và thường mang đến sự hưng thịnh, khoáng đạt, vì thế ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng, múa hổ là "linh hồn" của Hội xuân Hà Nội năm 2010. Sau múa hổ là màn múa rồng với chủ đề "Cửu Long khánh hội Thăng Long" thể hiện ước nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng sinh sôi của cư dân nông nghiệp lúa nước. Hơn thế, rồng còn là biểu tượng cho trí tuệ, tài hoa, sự hưng vượng, phồn thịnh và sức sống mãnh liệt của đất và người Hà Nội bởi có tương truyền rằng khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến thành Đại La thì thấy rồng vàng xuất hiện trong tư thế đang bay...
Nội dung chính và cũng là phần cuối cùng của Hội xuân Hà Nội là lễ diễu hành với chủ đề "Vinh quang thời đại Hồ Chí Minh, quang vinh chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến - Anh hùng - Thành phố Vì hòa bình" xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Dẫn đầu đoàn diễu hành là đội trống nghi thức thiếu nhi, đội hồng kỳ trong trang phục trắng, đội cờ hội gồm 100 người trong trang phục võ sinh, tay cầm lôgô mang dòng chữ "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" vẫy chào khán giả, rồi đến kiệu rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đi qua lễ đài, đoàn diễu hành đã hát vang bài "Muôn năm Tổ quốc Việt Nam", ngợi ca công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Góp phần làm nổi bật không khí hội trong Hội xuân Hà Nội năm nay còn là chương trình biểu diễn võ vovinam, wushu, khiêu vũ thể thao... Như đánh giá của bác Tạ Văn Bằng, 75 tuổi, phố Hàng Bạc thì "Hội xuân Hà Nội đã dám vượt qua ranh giới của những nghi lễ nặng nề, khô cứng, trùng lặp để mang đến cho người dân Thủ đô một không khí lễ hội tưng bừng mà vẫn sâu sắc, ý nghĩa". Bác Bằng mong rằng các sự kiện lễ hội trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng được tổ chức đơn giản mà trang trọng như thế.
Lễ hội đã khép lại bằng hình ảnh 1.000 quả bóng mang hình chim bồ câu bay lên bầu trời theo hình hoa sen nở, ở giữa là dải lụa có dòng chữ "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Đúng như khẳng định của GS-TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội trong lễ khai hội: "Đây là sự kiện văn hóa lớn hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, động viên họ thi đua lập thành tích kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn với các vị tiền nhân; đồng thời quảng bá hình ảnh Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình với bạn bè trong nước, quốc tế".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.