(HNM) - Nằm ở phía Đông bắc của Italia, Venice (Venezia) theo tiếng La tinh là tình yêu. Vì vậy đối với các cặp tình nhân, Venice là
Dọc theo dòng kênh chúng tôi được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của các công trình nằm hai bên bờ, đặc biệt là nhà Vàng Ca' d'Oro, dinh thự đẹp nhất Venice. Trên dòng kênh những con tàu lớn, nhỏ đủ kiểu dáng chạy qua lướt lại tấp nập hoặc buông neo chờ khách. Tàu chúng tôi cập cảng ngay trước Quảng trường Thánh Saint Marco, quảng trường quan trọng nhất và nổi tiếng nhất của TP Venice.
Quảng trường cũng như TP Venice, là khu vực dành riêng cho người đi bộ và lúc nào cũng tràn ngập du khách, nhiếp ảnh gia và chim bồ câu... nhưng không thấy một cọng rác, một túi ni lông... cho dù cả trên đường bộ cũng như trên mặt nước của gần 200 kênh rạch. Một điều đặc biệt Venice là khu đô thị duy nhất ở Châu Âu trong thế kỷ XII tồn tại mà hoàn toàn không có ô tô và xe tải. Vậy người dân Venice và du khách di chuyển bằng phương tiện gì? Tàu, thuyền và đôi chân là những phương tiện hữu dụng nhất trên 118 hòn đảo của Venice.
Ngoài 270.000 cư dân Venice, hằng ngày còn có tới 50.000 du khách đổ về, vậy mà ở đây không hề có chuyện kẹt xe, tắc đường, vì làm gì có xe, có đường mà tắc! Để nối các đảo với nhau, Venice đã xây hơn 400 chiếc cầu cho người đi bộ và đào 175 kênh để tàu thuyền vận chuyển hành khách. Ở Venice không chỉ người dân nơi đây mà mọi du khách đến thành phố mộng mơ này không thể không một lần đặt chân lên chiếc Gondola - một phương tiện giao thông đặc trưng nhất của Venice. Đó là loại thuyền cổ, nhỏ, dài, mũi cong vút. Hằng ngày người dân Venice sử dụng di chuyển trong thành phố bằng Gondola. Gondola còn được sử dụng trong các dịp cưới, hỏi, tang lễ.
Một góc thành phố Venice. |
Đang bồng bềnh, mê mẩn ngắm cảnh trên chiếc Gondola len lỏi qua các kênh rạch trong TP Venice, thì một giọng hát mang âm hưởng dân gian Italia trầm ấm của người chèo thuyền vang lên. Xúc động và thật thú vị. Tôi liên tưởng ngay tới những ngày trên cồn Thới Sơn giữa dòng sông Tiền Giang ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi cũng đã du ngoạn trên các kênh rạch dĩ nhiên không phải bằng những chiếc Gondola mà bằng những chiếc xuồng Tam Bản nhỏ xíu.
Trong khi len lỏi giữa các dòng kênh rạch, chúng tôi đã mải mê ngắm nhìn không biết chán những hàng dừa nước hoang sơ mà thân quen ken dày hai bên bờ và nghe những giọng hò, điệu lý của miền sông nước Cửu Long. Và đặc biệt là nghe đờn ca tài tử Nam Bộ. Có điều hai bên bờ trên những dòng kênh ở Venice khi thuyền chúng tôi qua là những ngôi nhà vững chắc và những công trình dân sinh, văn hóa, tôn giáo hoành tráng được xây dựng tráng lệ bao nhiêu, thì trên kênh rạch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là những nhà lá mà thực chất là những chiếc chòi được làm từ những cây gỗ tràm nhỏ xíu và mái được lợp bằng những tàu dừa nước mỏng manh, đơn sơ, tạm bợ bấy nhiêu. Ấy thế mà vẫn thu hút được du khách năm châu, bốn biển.
Trong lúc thảnh thơi dạo bước trên những con đường phố cổ nhỏ bé quanh co nơi đây, một câu hỏi thoáng qua trong tôi: - Venice được xây dựng từ bao giờ và bằng cách nào mà đến nay vẫn tồn tại, vẫn nguy nga, tráng lệ trên vùng sông nước này?
Được mệnh danh là "Thành phố nổi" với vô số kênh đào và cây cầu nối liền các hòn đảo nhỏ. TP Venice ra đời vào thế kỷ thứ V (từ năm 442). Theo các nhà kiến trúc, xây dựng Italia, để tạo nền móng cho những ngôi nhà nổi, người Venice sớm biết đóng những chiếc cọc gỗ xuống nền cát, sàn gỗ được dựng bên trên những cọc gỗ và xây nhà trên chính các tấm sàn gỗ này.
Chuyện kể lại rằng từ thế kỷ XVII để dựng nhà nổi trên kinh rạch, người dân Venice đã đóng trên 1 triệu cọc gỗ dài 4 mét xuống nước để làm móng. Anh bạn người Italia hướng dẫn chúng tôi đi thăm Venice còn cho biết thêm: Sở dĩ người dân nơi đây sử dụng gỗ làm móng nhà một phần do truyền thống, nhưng quan trọng hơn qua thực tế sự trường tồn của lớp móng gỗ ở Venice nằm ở chỗ các cây cọc đều được ngập chìm dưới nước, không tiếp xúc với oxy, thêm vào đó lại được nước muối của biển Địa Trung Hải ngâm tẩm lâu dài, khiến gỗ hóa thạch trở thành một kết cấu cứng hơn cả đá.
Từ chuyến đi khám phá và chiêm nghiệm Venice lần này, một lần nữa tôi không thể không liên tưởng đến vùng sông nước Cửu Long ở miền Tây Nam Bộ. Không thể kể hết những chuyến đi của tôi về miền sông nước Cửu Long nhưng hơn 10 năm lăn lộn với vùng đất này, tôi cũng vỡ ra được đôi điều về đất và người Nam Bộ. Tại sao một chính khách như Tổng thống Hungaria Ader Janos và phu nhân, Tổng thống Iceland O'lafur Ragnar Grimsson cùng phu nhân đã rất hào hứng khi được đến cồn Thới Sơn (Mỹ Tho) để du ngoạn sông nước Cửu Long, nghe đàn ca tài tử Nam Bộ. Không thể khác, vì một vùng sông nước hiền hòa, màu mỡ, hằng năm đem lại hàng chục triệu tấn thóc, hàng chục triệu tấn tôm, cua, cá, ốc cùng vô vàn loại trái cây thơm tho, ngọt ngào, lại được chính những bàn tay của người dân chăm chỉ, cần cù, phóng khoáng, hào sảng nơi đây tạo ra và được thưởng thức những món ngon đặc sản được chế biến ngay tại chỗ, thì còn gì thú vị hơn. Và cũng chính từ những ngôi nhà lá mà đôi khi còn gọi là những chiếc chòi, được dựng lên từ những cây gỗ tràm nho nhỏ, đóng sâu xuống lòng đất và mái được lợp bằng những tàu dừa nước hoang sơ, chông chênh vào mùa nước nổi, nơi sinh sống của các gia đình nông dân miền sông nước này, thì không một du khách nào lại không tò mò ao ước sẽ phải có một lần đến với nơi đây để khám phá, chiêm nghiệm.
Đến thăm một vùng sông nước cách xa đất Chín Rồng hàng vạn dặm, TP Venice, Italia với lịch sử hơn 500 năm tuổi và biết thêm một phần về cách xây nhà của người cổ La Mã, tôi cảm nhận được rất nhiều. Người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã sớm tạo dựng cho mình những chốn nương thân thật êm đềm, mát mẻ, thơ mộng mà phóng khoáng. Lại thêm một điều thú vị khác, ở Venice có trên 400 chiếc cầu được xây dựng để nối liền hơn 100 hòn đảo, trong đó có những chiếc cầu nổi tiếng, như cầu đá Rialto Bridge chỉ có một nhịp dài 48m bắc qua con kênh lớn (Grand). Là một trong những cây cầu cổ nhất, được xây từ năm 1591. Hiện cây cầu này là một trong những biểu tượng của Venice và là một trong 14 chiếc cầu nổi tiếng thế giới. Đối với người Venice những cây cầu nơi đây không chỉ là phương tiện đi lại, mà cầu còn là điểm hẹn, là nơi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, hoặc đứng trên đó mà ngắm nhìn cảnh sông nước cùng những con thuyền Gondola len lỏi, ngược xuôi trong thành phố và dĩ nhiên là nơi để hưởng gió lộng từ biển vào và ngắm trăng tròn, trăng khuyết. Từ những chiếc cầu nổi tiếng ở Venice, tôi lại không thể không nghĩ đến hàng nghìn chiếc cầu tre lắt lẻo ở vùng quê sông nước Nam Bộ. Cũng là cầu, nhưng được xây dựng hoàn toàn bằng những nguyên liệu thô sơ sẵn có, gần gũi với người dân, đó là thân của những cây dừa, cây tre, cây tràm... ấy là chưa nói đến những chiếc cầu mây (làm bằng dây mây) trên các vùng cao. Tuy cách xây và dựng cầu ở mỗi nơi một khác, song có điều chung nhất dễ nhận ra là nỗi niềm và tâm hồn con người thì ở đâu cũng thế. Ai cũng đã một lần đi qua cầu trong đời. Và ai cũng đã từng một lần hò hẹn trên các cây cầu vào những đêm trăng sáng. Tôi, chính tôi đã qua không biết bao nhiêu cây cầu khỉ ở vùng sông nước Cửu Long. Và cũng chính tôi đã qua không dưới một lần những cây cầu nổi tiếng thế giới ở Venice, ở Paris... Mỗi nơi đều đọng lại những cảm giác thú vị riêng biệt. Và tôi luôn ao ước chúng ta có những chính sách truyền thông hiệu quả hơn nữa để khơi gợi cảm giác thích thú, ham muốn trải nghiệm những vùng sông nước Cửu Long hoang sơ của du khách quốc tế mỗi khi đến thăm Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.