(HNM) - Bốn phim tài liệu kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa được Hãng phim Tài liệu khoa học TƯ giới thiệu cùng công chúng Thủ đô. Kể từ
Cảnh trong phim tài liệu Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thật đáng tiếc là phim tài liệu chưa thực sự có một chiến lược chinh phục công chúng, người xem ít nhiều đã bỏ qua những trải nghiệm cuộc sống với một loại hình điện ảnh đầy tính chân thực này. Song phim còn là điện ảnh còn. Đặc biệt là bóng dáng lịch sử, đất nước, văn hóa và tinh thần dân tộc sẽ còn, đậm đà trong từng thước phim tài liệu.
"Ngày độc lập 2-9-1945" dù chỉ có 20 phút, hình ảnh đen trắng, nhiều đoạn nhập nhòa dấu vết thời gian, nhưng lại là một "file nén" của điện ảnh khi lưu giữ một thời khắc vĩ đại của đất nước, một thời điểm vỡ òa cảm xúc của cả một dân tộc đã buộc phải cầm súng vì yêu hòa bình. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam, (Việt kiều Pháp), người thuộc lớp nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên của Việt Nam chính là đạo diễn của những thước phim này.
Đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu khoa học TƯ chia sẻ: Thời điểm ngày độc lập dân tộc, điện ảnh tài liệu chưa có, những hình ảnh ghi lại được phần nhiều do những cá nhân thực hiện từ phim 8 "li". Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã thu thập được những thước phim quý giá này từ nước ngoài và cùng với các nghệ sĩ dựng nên "Ngày độc lập 2-9-1945" đầy xúc động. Con trai đạo diễn Phạm Kỳ Nam, họa sĩ thiết kế Phạm Quốc Trung (người thiết kế mỹ thuật cho phim "Đừng đốt") cũng nhớ lại: "Trong một chuyến sang Pháp làm phim "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh", cha tôi cùng các đồng nghiệp đã được một Việt kiều Pháp tặng cho những tư liệu quý giá với hình ảnh Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. Bộ phim không chỉ có giá trị lịch sử mà nó còn là câu chuyện về tấm lòng yêu nước của người Việt Nam ta dù sống ở xa Tổ quốc".
Cùng với "Ngày độc lập2-9-1945", những thước phim khác đã tiếp mạch ký ức về Ba Đình lịch sử, rằng Hà Nội - nơi diễn ra sự kiện lớn lao ấy đã đang và sẽ phải nỗ lực ra sao để xứng đáng là trái tim của Tổ quốc. "Người cùng thế hệ" dài 20 phút, phim nhựa màu là tác phẩm của một đạo diễn tên tuổi trong giới phim tài liệu - NSƯT Nguyễn Thước. Dưới ngòi bút biên kịch chặt chẽ của nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc, phim tái hiện hình ảnh những người Hà Nội đã góp phần làm nên lịch sử trong hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng Thủ đô. Chọn một cách nhìn từ lịch sử, bộ phim dài 30 phút "Văn Miếu - Quốc Tử Giám" của NSƯT Nguyễn Văn Hướng (biên kịch NSƯT Lại Văn Sinh) lại gửi một thông điệp ý nghĩa về sử dụng hiền tài đối với Hà Nội hôm nay.
Lịch sử anh hùng, đất văn hiến ngàn năm, Hà Nội còn là vùng đất lành được sông Hồng nuôi dưỡng. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Như Vũ và nhà biên kịch Phan Thanh Tú đã kể câu chuyện về sự hình thành và phát triển của vùng đất này qua nghìn năm lịch sử gắn liền với sông Hồng và sự cần thiết phải có một quy hoạch xây dựng Hà Nội - Thành phố bên sông xứng tầm Thủ đô nghìn tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.