Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ mRobo, nghĩ về kinh tế tri thức

Ngọc Tiến| 15/01/2012 06:39

(HNM) - Trong Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng thế giới CES 2012 diễn ra tại Las Vegas (Mỹ) từ ngày 10 đến 13-1-2012 có một sản phẩm công nghệ cao


Có hình dáng như một chiếc loa ngộ nghĩnh, biết đi lại nhưng khi tiếng nhạc cất lên, mRobo bắt đầu biến hình và "nhảy". Khi đó, chiếc loa di động đã hóa thành một anh chàng sành điệu, trẻ trung, với đầy đủ chân, tay, đầu và nhảy như một vũ công. Có lẽ sự độc đáo và lạ lẫm đã khiến ngôi sao nhạc pop tuổi teen nổi tiếng thế giới người Canada, Justin Bieber nhận lời giới thiệu mẫu robot giải trí này. Động tác của mRobo đôi lúc vẫn chưa thuần thục, tuy nhiên đại diện Công ty Tosy cho biết, đây chỉ là mẫu thử nghiệm và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới để có thể đưa mRobo ra thị trường vào mùa thu năm 2012 với giá bán lẻ là 200 USD.

MRobo là một sản phẩm giao thoa kỳ diệu giữa khoa học công nghệ cao và nghệ thuật hết sức độc đáo. Nghĩa là Công ty Tosy đã làm ra sản phẩm mà thế giới chưa có để tạo giá trị mới, nói cách khác, mRobo chính là sản phẩm của kinh tế tri thức.

Khái niệm kinh tế tri thức xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2000 và trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001), lần đầu tiên Đảng đã xác định: "Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất", trong báo cáo cũng đề ra định hướng "từng bước phát triển kinh tế tri thức". Đến Đại hội lần thứ X (năm 2006), Đảng lại nhấn mạnh: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với từng bước phát triển kinh tế tri thức". Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên tăng trưởng chủ yếu nhờ vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản và nhờ cậy lao động giá rẻ. Không ít doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng nhờ biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Việt Nam có hơn 9.000 tiến sĩ và thạc sĩ, trong đó có nhiều người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Học sinh Việt Nam năm nào cũng giành được huy chương tại các kỳ thi toán, vật lý và hóa học quốc tế nhưng dường như họ không được các doanh nghiệp nhà nước để mắt tới. Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có 2 trong gần 20 tập đoàn và tổng công ty lớn có viện nghiên cứu và phát triển là Viettel và FPT. Có lẽ vì thế mà Viettel có sản phẩm 3G và FPT có các sản phẩm phần mềm đã làm tăng giá trị doanh nghiệp. Trên thế giới, không một doanh nghiệp lớn nào không có bộ phận nghiên cứu và phát triển vì chính bộ phận này là nơi tạo ra sản phẩm mới, ví dụ như máy tính bảng hay điện thoại Iphone của Hãng Apple tung hoành trên thế giới trong cả năm 2011.

Năm 2010, nhận thấy sự quan trọng của nghiên cứu, doanh nghiệp Thủy sản Bình An đã tự thành lập viện nghiên cứu các sản phẩm thủy sản để cho ra các sản phẩm mới. Theo gương Bình An, nhiều doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực cũng đã coi trọng khâu này. Nếu Công ty Tosy không nghiên cứu, chắc chắn họ sẽ không có mRobo và ai cũng biết, một sản phẩm được ngôi sao ca nhạc nổi tiếng thế giới để mắt đến thì hiệu quả quảng bá là vô cùng lớn.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định: "Phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới". Đây là một trong những chủ trương có vai trò định hướng rất quan trọng trong thời kỳ đến năm 2020. Việt Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế và đây chính là thời cơ tốt để doanh nghiệp thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tri thức. Hy vọng từ sản phẩm mRobo, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn đến hàm lượng chất xám trong sản phẩm để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ mRobo, nghĩ về kinh tế tri thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.