Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trưng bày hơn 1.000 sản phẩm giúp nhận diện sách và đồ chơi thật - giả

Lam Giang| 30/05/2023 11:46

(HNMO) - Những cuốn truyện đủ loại, sách giáo khoa, sách tham khảo, nhiều loại đồ chơi thật - giả cùng được trưng bày với chủ đề “Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em” do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức, tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ ngày 30-5 đến hết 4-6.

Phòng trưng bày sách và đồ chơi thật - giả mở cửa từ hôm nay.

Hoạt động ý nghĩa này giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện sách và đồ chơi an toàn cho trẻ em, qua đó, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, lựa chọn sản phẩm an toàn cho trẻ em nói riêng cũng như giới trẻ nói chung.

Phòng trưng bày được chia thành 2 khu vực với trên 1.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em, sách giáo dục, sách bài tập, sách bổ trợ của một số đơn vị như: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt, Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt, Tập đoàn LEGO…

Đại diện Tập đoàn Lego giới thiệu hàng thật - hàng giả.

Tìm hiểu sản phẩm đồ chơi lắp ghép.

Mỗi sản phẩm trưng bày đều có đối chứng thật - giả để giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, nhận diện, tránh mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn với sức khỏe.

Hiện nay, vấn nạn sản xuất, buôn bán xuất bản phẩm giả sách giáo khoa, sách tham khảo... đã ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất bản cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đặc biệt, xuất bản phẩm giả có nhiều sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung...

Sách giáo khoa thật - giả được trưng bày để người xem nhận diện.

Hơn 1.000 sản phẩm được giới thiệu tại phòng trưng bày.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, hệ quả của in lậu sách ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam khi chúng ta đã tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Do đó, việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà xuất bản mà cần có sự góp sức của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trưng bày hơn 1.000 sản phẩm giúp nhận diện sách và đồ chơi thật - giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.