Thị trường

Tăng cường công nghệ trong phòng, chống hàng giả trên môi trường số

Lam Giang 12/12/2023 - 22:14

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức diễn đàn “Công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam”.

12.12-ong-linh.jpg
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh phát biểu tại diễn đàn.

Những năm qua, thương mại điện tử đã phát triển bùng nổ, như một xu thế tất yếu mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Theo đó, Việt Nam có gần ½ dân số mua sắm online, tương đương 49,3 triệu người, cao nhất Đông Nam Á. Doanh số bán lẻ trên internet tại Việt Nam từ mức 13 tỷ USD năm 2020 đã tăng vọt lên thành 35 tỷ USD năm 2022.

Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, việc trà trộn các mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường số cũng gia tăng; công tác phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử của các lực lượng chức năng hiện gặp không ít khó khăn, thách thức. “Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng kiểm tra đã khó, hàng giả bán trên thương mại điện tử thì cái khó nhân lên gấp bội”, ông Linh nhấn mạnh.

Đối với người tiêu dùng mua sắm online hiện phải đối mặt tình trạng chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...

Các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, nếu không có những chế tài phù hợp thì thị trường thương mại số sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

12.12.12.jpg
Lực lượng chức năng thu giữ hàng giả được kinh doanh trên mạng xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng, chống hàng giả.

Cụ thể, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Mới nhất, trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp. Hệ sinh thái số sẽ tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả trên môi trường mạng.

Tiến sĩ Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với thương mại điện tử, cần tăng cường quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ gắn liền với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Cùng với đó, luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng; xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công nghệ trong phòng, chống hàng giả trên môi trường số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.