(HNM) - Sa mạc Sahara kéo dài 5.600km từ Đông sang Tây, rộng 1.600km từ Nam sang Bắc, đi qua Ai Cập, Sudan, Lybia, Chad, Angeria, Niger, Tunisia, Morocco, Mali, Mauritania và Tây Sahara, với tổng diện tích 8,6 triệu kilômét vuông, chiếm 30% lục địa Châu Phi.
Sahara không chỉ là một sa mạc điển hình với nhiều đồi cát lớn mà còn có một diện tích lớn nham thạch lộ thiên hoặc chỉ có một lớp mỏng nham thạch vụn (hoang mạc đá) cùng với các bãi đá cuội và sỏi (sa mạc). Bởi vậy, theo các nhà khoa học, nơi đây phải gọi là hoang mạc mới chính xác.
Sa mạc Sahara sẽ được làm mát nhờ dự án trồng 10.000m2 rừng. |
Sahara có vị trí nằm gần đường Bắc hồi quy, cách đường xích đạo của trái đất ở 23°27' phía bắc và 23°17' phía nam, quanh năm, sa mạc chịu sự khống chế của vùng khí hậu áp nhiệt đới cao và vùng gió mùa Đông bắc. Gió Đông bắc làm giảm khí lưu và gió từ lục địa đến, hơi nước ngưng tụ nên khí hậu ở đây cực kỳ khô hạn. Lượng mưa trung bình hằng năm của khu vực này dưới 100mm, có nơi thậm chí không có một giọt mưa trong nhiều năm. Diện tích khu vực khô hạn của nó đứng thứ nhất toàn cầu. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến cho sự sống nơi đây ít có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, một dự án mới "trồng rừng trên sa mạc" đã và đang thay đổi cách nhìn nhận đó. Dự án của Tập đoàn Desertec (Đức) sẽ thiết lập một khu rừng nhân tạo ngay tại khu vực khắc nghiệt nhất trên trái đất. Hệ thống nhà kính khổng lồ trị giá 3,3 triệu bảng Anh (5,2 triệu USD) ở Qatar sẽ mang đến màu xanh tươi mát cho một trong những vùng đất ở Sahara. Dự án sẽ sử dụng nguồn nước nằm sâu 200 mét dưới lòng đất để tưới tiêu. Các nhà khoa học sẽ cho bơm lượng nước trên bề mặt lên độ cao 200m, hình thành những cơn mưa bụi như trong tự nhiên để tưới nước cho cây cối, hoa màu và tảo (dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học) được trồng ngay trên bề mặt cát sa mạc nóng bỏng. Điều đặc biệt là hệ thống tưới tiêu sẽ hoạt động tương tự như cơ chế giữ nước liên tục trong lỗ mũi của loài lạc đà bằng cách nén lượng nước bên trong, sau đó nước sẽ từ từ bốc hơi dưới sức nóng của ánh mặt trời kéo dài cả ngày.
Các nhà thiết kế cho biết, hệ thống năng lượng mặt trời sẽ bơm nước đi khắp khu rừng được bao bọc bằng những tấm kính khổng lồ. Không khí nóng bức của sa mạc sẽ bốc hơi nước trên bề mặt suốt đêm, nhưng những tấm kính được sắp xếp có mục đích che chắn sẽ làm mát hơi nước trước khi chúng bốc hơi đi mất, qua đó giữ cho nhà kính luôn ở nhiệt độ lý tưởng, thuận lợi cho sự phát triển của cây cối bên trong. Quá trình này lặp lại theo chu kỳ sẽ liên tục cung cấp nguồn hơi ẩm để nuôi dưỡng hệ thực vật nơi đây.
"Dự án thí điểm" tại Qatar sẽ chứng minh lợi ích của việc tận dụng nguồn hơi nước bị lãng phí bằng hệ thống kỹ thuật. Dự kiến, khu rừng nhân tạo rộng 10.000m² sẽ được khánh thành vào tháng 7 tới và bắt đầu đón khách tham quan khi hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 18 (COP 18) diễn ra tại Doha vào tháng 11-2012 này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.