(HNM) - Tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được phát hiện thời gian qua không khỏi khiến dư luận lo lắng bởi quy mô, khối lượng lớn và những thủ đoạn tinh vi.
Song, ở chiều ngược lại, lực lượng quản lý thị trường đã mỏng, lại có biểu hiện tiêu cực trong chính đội ngũ. Do vậy, khả năng chống buôn lậu đã yếu, lại càng yếu. Đó là thực tế được nêu ra tại phiên họp ngày 7-1 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan về thực trạng, giải pháp phòng chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an quận Đống Đa) kiểm tra thu giữ hàng lậu. Ảnh: Trần Việt |
Buôn lậu diễn biến phức tạp
"Diễn biến phức tạp" là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại phiên họp khi báo cáo về tình hình phòng chống buôn lậu. Theo Bộ trưởng, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã ra quân, xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhưng không vì thế mà tội phạm chùn tay. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu đã phát hiện, xử lý là pháo, động vật hoang dã, gỗ các loại, rượu, bia, nước giải khát... Đáng lưu ý, riêng với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 7.548.378 lít. Vụ việc điển hình là ngày 9-12-2013, tại khu vực cách Đông nam Côn Đảo khoảng 45 hải lý, Lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra, bắt giữ tàu HADUCO chở 2.125.626 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp.
Người đứng đầu ngành công thương nhận định, tình trạng thiếu việc làm là yếu tố quan trọng khiến dân cư khu vực biên giới tham gia vận chuyển hàng lậu. Về chủ quan, lực lượng thị trường thiếu người, thiếu cả phương tiện và trang thiết bị làm việc nên công tác phòng chống buôn lậu và thực tế diễn biến không tương quan. Trong điều kiện nêu trên, Bộ Công thương cho rằng, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng, góp phần tự bảo vệ và phát triển thương hiệu của các thành viên, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm, từ đó không tham gia, tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ "Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại" từ nay đến năm 2020; đề nghị tăng 1.000 cán bộ quản lý thị trường cho các vùng trọng điểm. Đây sẽ được coi là biện pháp mạnh để trấn áp các đối tượng buôn lậu.
Có tiêu cực trong lực lượng
Dù vậy, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Du Lịch nhìn nhận, báo cáo của Bộ Công thương chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của nạn buôn lậu qua biên giới. Trong khi tình hình ngày càng trầm trọng, gây bất ổn cho nền kinh tế, làm mất niềm tin của các doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng. Ông Trần Du Lịch khẳng định, cần phải đánh giá rõ tác hại thì mới xử lý vấn nạn buôn lậu và đặt câu hỏi: Phải chăng có sự tiêu cực trong nội bộ những người tham gia công tác này chứ không phải do cơ chế, phương tiện? Cùng chung quan điểm này, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, vẫn còn cán bộ phòng chống buôn lậu bỏ qua cho buôn lậu, đầu nậu. Bởi vậy nên ở trên đất nước chúng ta rất dễ mua được hàng lậu, hàng trốn thuế.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, còn hiện tượng tiêu cực trong công tác phòng, chống buôn lậu, kể cả lực lượng quản lý thị trường. Theo Bộ trưởng, hằng năm, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TƯ tổ chức họp đánh giá cũng có nhận định trên. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực trong công tác phòng, chống buôn lậu chỉ là thiểu số. Hiện cả nước có 5.200 cán bộ quản lý thị trường, bình quân một địa phương chưa đến 100 người làm công tác này, cho dù rất cố gắng cũng chưa thể đạt được yêu cầu đề ra. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu chỉ bắt và xử lý những người mang, vác hàng lậu nhỏ lẻ ở khu vực biên giới thì không có nhiều ý nghĩa. Bởi tại khu vực này, nhiều người dân vì mưu kế sinh nhai nên mới tham gia mang, vác hàng lậu.
Ngoài bất cập nêu trên, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ CA) đánh giá khung pháp lý hiện chưa đủ sức răn đe, cần tăng mức phạt hiện nay lên cao hơn nữa. Trung tướng Nguyễn Tiến Lực cũng cho rằng, tình trạng pháp luật chồng chéo chưa được khắc phục cũng là một nguyên nhân dẫn tới khó xử lý hoạt động buôn lậu…
Đồng tình cần đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng dễ áp dụng, khả thi, nhưng về vấn đề tăng lực lượng phòng chống buôn lậu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho rằng bản thân ông nhận rất nhiều khiếu nại, tố cáo về tiêu cực của lực lượng quản lý thị trường. Theo ông Đỗ Văn Đương, lực lượng này đang có 5.200 người cũng là con số không nhỏ. Vậy đã bắt giữ bao nhiêu vụ, có tương xứng với số tiền ngân sách đầu tư không là vấn đề cần xem xét thấu đáo. Từ đó mới có thể đánh giá thực chất hiệu quả làm việc của những người thi hành công vụ và có giải pháp tháo gỡ đồng bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra buôn lậu Từ diễn biến phiên giải trình cho thấy, còn nhiều tồn tại, hạn chế cần kiên quyết xử lý để có thể thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới. Thời gian tới cần tập trung sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người dân khu vực biên giới có việc làm; phát triển sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa trong nước. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta phải thực thi nghiêm và phòng chống tiêu cực ngay trong lực lượng phòng chống buôn lậu; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, địa phương, lực lượng chức năng khi để xảy ra buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.