(HNM) - Theo Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, ngành đã phát hiện 1.223 DN có dấu hiệu chuyển giá; truy thu, phạt, hoàn thuế 481 tỷ đồng, giảm lỗ 1.697 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) 41,8 tỷ đồng...
Trao đổi với Báo Hànộimới ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, qua thanh tra, nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi về giá chuyển nhượng đã được nhận diện.
- Ông có thể cho biết những kết quả đã đạt được sau khi Tổng cục Thuế thực hiện các cuộc thanh tra giá chuyển nhượng trong cả nước?
- Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế là tất yếu xảy ra đối với phần lớn công ty đa quốc gia. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Tài chính đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức triển khai đồng bộ trong thời gian từ nay cho đến năm 2015. Kết quả, ngành thuế đã từng bước kiểm soát được hoạt động chuyển giá, đã quản lý được 3.188 DN có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin. Từ đầu năm đến nay, toàn ngành thuế đã thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng với 1.223 DN có dấu hiệu chuyển giá; truy thu, phạt, hoàn thuế 481 tỷ đồng, giảm lỗ 1.697 tỷ đồng và giảm khấu trừ thuế GTGT 41,8 tỷ đồng. Qua thanh tra, bước đầu đã điều chỉnh giảm toàn bộ số lỗ phát sinh, số lỗ lũy kế từ các kỳ trước chuyển sang và tăng thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Kết quả này cũng đã tác động không nhỏ đến tính tuân thủ của nhiều DN trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thuế. Một số DN đã nhiều năm kê khai lỗ thì nay đã kê khai có lãi, mặc dù DN trong tình trạng khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây.
Cần có những chế tài xử phạt đủ mạnh, bảo đảm tính răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. |
- Ông cho biết rõ hơn về những thủ đoạn gian lận thông qua giá chuyển nhượng?
- Hành vi gian lận qua giá chuyển nhượng điển hình là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết khi các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đầu tư vào Việt Nam qua việc góp vốn bằng dây chuyền máy móc, nguyên liệu đặc thù được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế. Việc nâng khống giá trị tài sản góp vốn sẽ đem đến một số lợi ích kinh tế cho NĐTNN như có thể chuyển một phần lợi ích kinh tế ngược trở lại qua việc trích khấu hao tài sản cố định, phân chia lợi nhuận trên tỷ lệ vốn góp, gây thất thu thuế TNDN và thiệt hại cho bên liên doanh Việt Nam. Việc nâng tỷ trọng vốn góp cao hơn thực tế còn giúp NĐTNN nắm quyền kiểm soát, điều hành liên doanh và thực hiện chuyển giá gây thua lỗ triền miên khiến DN Việt Nam không còn đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục hoạt động SXKD và phải bán lại phần vốn góp cho NĐTNN.
Một hình thức gian lận khác là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình thường diễn ra trong trường hợp công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ SXKD cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền. Việc định giá đối với loại tài sản vô hình mang tính đặc thù này thường rất khó, do đó DN liên kết tại nước ngoài thường tính thu phí bản quyền rất cao đối với bên liên kết tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào bị đẩy lên cao, kết quả SXKD thua lỗ và Chính phủ Việt Nam bị mất quyền đánh thuế TNDN. Bên cạnh đó, còn có hình thức chuyển giá qua cung cấp dịch vụ trong nội bộ tập đoàn. Với đặc điểm dịch vụ phát sinh trong nội bộ tập đoàn rất đa dạng, mang tính đặc thù với giá trị lớn, cơ quan quản lý nhà nước rất khó tìm được dịch vụ tương tự phát sinh giữa các bên hoàn toàn độc lập khách quan trên thị trường Việt Nam làm căn cứ so sánh. Cuối cùng là hành vi chuyển giá qua chi trả lãi vay vốn SXKD. Với cách thức này, lợi nhuận từ DN FDI tại Việt Nam đã được chuyển sang cho bên liên kết tại nước ngoài có mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thuế TNDN tại Việt Nam. Hành vi này thường xảy ra tại các DN sử dụng vốn lớn, như khai thác mỏ; sản xuất, lắp ráp các phương tiện vận tải…
- Gian lận làm giảm nghĩa vụ thuế thông qua giá chuyển nhượng không còn là vấn đề mới. Vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm gì để hạn chế tình trạng thất thu ngân sách?
- Quản lý giá chuyển nhượng là lĩnh vực khó, đòi hỏi người thực hiện ngoài việc nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, còn cần có kỹ năng và quyền lực để thực thi nhiệm vụ. Đến nay, ngành thuế vẫn chưa được trao quyền điều tra nên rất khó thực hiện quản lý hoạt động chuyển giá. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong công tác quản lý hoạt động chuyển giá của DN liên kết chưa chặt chẽ và hiệu quả. Trong khi đó, vì mục tiêu bảo vệ quyền đánh thuế của mỗi quốc gia nên sự phối hợp trong cung cấp và trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế các nước khác còn hạn chế, nên việc xác định giá thị trường rất khó khăn. Tổng cục Thuế đã, đang triển khai nhiều biện pháp quản lý nhằm kiểm soát chặt chẽ các DN có hành vi này. Thông qua việc trình các cấp có thẩm quyền bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, ngành sẽ đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm bảo đảm hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn. Cơ quan thuế cũng sẽ đề xuất chế tài xử phạt đủ mạnh, bảo đảm tính răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.