(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ có những dấu hiệu cải thiện mạnh mẽ, ngày 14-12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau nửa năm, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Chủ tịch FED Janet Yellen trong buổi họp báo công bố tăng lãi suất. |
Thông báo sau cuộc họp 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, FED cho biết đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, từ khoảng 1,0%-1,25% lên khoảng 1,25%-1,5%. Ngoài ra, giới chức của FED dự kiến sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2018. Đây là lần thứ ba, FED tăng lãi suất trong năm nay, cho thấy mức độ tự tin của cơ quan này đối với nền kinh tế Mỹ.
Theo số liệu thống kê do Bộ Thương mại Mỹ công bố, từ tháng 7 đến tháng 9, kinh tế nước này đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, mức tăng cao nhất kể từ quý III-2014, đồng thời cao hơn mức dự đoán 3% trước đó và nhỉnh hơn mức tăng 3,1% của quý trước. Với những chỉ số này, đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng từ 3% trở lên trong hai quý liên tiếp. Mặc dù không phải là mức tăng bùng nổ nhưng tính từ giữa năm 2014 đến nay, kinh tế Mỹ mới đạt được kết quả này. FED cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ từ 2,1% lên 2,5% vào quý III-2018.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 4,2%, thấp nhất trong gần 17 năm. Theo con số được Bộ Lao động Mỹ công bố mới đây, lần đầu tiên đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở cấp tiểu bang giảm xuống con số 222.000 - mức thấp nhất kể từ tháng 3-1973. Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng thiếu nhân công ở một số lĩnh vực như xây dựng và vận tải. Dù một số tiểu bang như Texas, Florida, quần đảo Virgins bị ảnh hưởng bởi 2 cơn bão lớn Harvey và Irma vừa qua, nhưng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần vẫn dưới 300.000 trong 139 tuần liên tiếp - khoảng thời gian lâu nhất kể từ năm 1970 tới nay. Việc nhiều công ty hạn chế đáng kể tình trạng cắt giảm nhân công là dấu hiệu tốt về sự vững chắc của thị trường lao động.
Nhiều chuyên gia nhận định, đà phục hồi của kinh tế Mỹ là thắng lợi lớn dành cho Tổng thống Donald Trump. Trước đây, các nhà phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông đề ra là không phù hợp với thực tế. Theo khảo sát mới được thực hiện, người tiêu dùng và các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang cảm thấy lạc quan nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây khi thị trường chứng khoán ở mức cao kỷ lục. Chi tiêu cá nhân tăng 2,4% trong khi chi tiêu của các hộ doanh nghiệp cũng tăng trưởng 3,9%. Hai quý liên tục tăng trưởng giúp thu nhập khả dụng của người dân Mỹ tăng thêm 198,7 tỷ USD và tiết kiệm cá nhân tăng 1.040 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cho rằng, những gì đang diễn ra với nền kinh tế Mỹ là bằng chứng khẳng định sức mạnh của việc cắt giảm thuế, cải cách hệ thống y tế, cải cách hoạt động thương mại và đầu tư 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng... trong chính sách của Tổng thống D.Trump, còn gọi là “Trumponomics”.
Cũng vì triển vọng sáng sủa của nền kinh tế, dự luật cải cách thuế của đảng Cộng hòa, vốn vấp phải nhiều sự phản đối của các nghị sĩ đảng Dân chủ, đã được thông qua tại cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Đây là kế hoạch giảm thuế quy mô lớn nhất tại xứ Cờ hoa trong 3 thập kỷ qua. Khi có hiệu lực, luật này cho phép thuế doanh nghiệp Mỹ giảm sâu, đồng thời rất nhiều người dân Mỹ cũng được hưởng mức thuế thấp hơn. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, chính sách thuế mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm, kích thích sự bùng nổ về kinh tế trong năm 2018 như Tổng thống D.Trump cam kết.
Tỷ giá USD trong nước không có nhiều biến động Trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản, sáng 14-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 22.443 VND, giảm 7 đồng so với ngày 13-12. Với biên độ +/3%, tỷ giá trần các ngân hàng được áp dụng là 23.116 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.770 VND/USD. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại không có nhiều biến động với 22.680 VND/USD (mua vào) - 22.750 VND/USD (bán ra). Hà Linh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.