Kinh tế

Triển vọng lạc quan

Quốc Bình 21/01/2024 - 12:02

Dù khá thận trọng nhưng các chuyên gia trong nước và quốc tế có phần lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế năm 2024. Đây là tín hiệu đáng chờ mong khi Hà Nội và cả nước bước vào năm tăng tốc tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025.

z5068605162413_2788cb17b8e9.jpg
Du lịch Hà Nội hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2024. Ảnh: Quang Thái

Lạc quan trong sự thận trọng

Năm 2023 khép lại với niềm vui chưa thật lớn, nhưng đủ để bước vào năm 2024 với tâm thế tự tin khi kinh tế toàn cầu có nhiều mặt tốt hơn mong đợi. Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới thậm chí còn tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, giá cả hàng hóa, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt. Dù có một số vụ đổ vỡ ngân hàng song tình hình đã nhanh chóng được kiểm soát và sớm ổn định. Thực tế này đưa nhiều chuyên gia đến nhận định rằng, hóa ra sức chống chịu của ngành tài chính - ngân hàng toàn cầu không yếu như chúng ta tưởng.

Kết quả phát triển kinh tế năm 2023 là cơ sở cho những dự báo tích cực đối với triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024, cho dù tình hình thế giới sẽ tiếp tục có những bất ổn do nguy cơ lạm phát tiếp tục diễn ra, xung đột chính trị khiến giá dầu tăng cao, tác động của biến đổi khí hậu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ không chỉ giữ mức lãi suất ổn định mà có khả năng bắt đầu quá trình cắt giảm trong năm 2024. Bruce Kasman, Kinh tế trưởng toàn cầu của Ngân hàng J.P. Morgan (Mỹ) cho rằng, làn sóng lạc quan về “hạ cánh mềm” đang gia tăng.

Tuy lạc quan về khả năng tránh được suy thoái nhưng mức tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo thấp. Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo GDP thế giới năm nay sẽ tăng 2,4% - mức tăng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009 (chỉ cao hơn năm 2020 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19). Nhóm thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo tăng trưởng 3,9%, thấp hơn năm 2023.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam được nhận định tiếp tục có một năm khó khăn, thách thức; tuy nhiên, mục tiêu duy trì tăng trưởng tương đương và cao hơn năm 2023 vẫn có thể đạt được. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 được Quốc hội thông qua là 6 - 6,5%. Trên cơ sở này, các chuyên gia kinh tế có sự đồng thuận cao khi đặt ra giả thiết về 3 kịch bản tăng trưởng năm 2024, trong đó, với kịch bản tiêu cực thì mức tăng trưởng vẫn có thể đạt 5 - 5,5% - xấp xỉ và hơi nhỉnh hơn năm 2023; với kịch bản tích cực, tăng trưởng có thể cao hơn mức mục tiêu từ 0,5 - 1%.

z5068579674474_96d8ac76e82c.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Xác định trách nhiệm đầu tàu

Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, hằng năm đóng góp khoảng 16% GDP, 19% số thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất khẩu... Bởi vậy, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của Thủ đô có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả chung của cả nước.

Hà Nội xác định rõ trách nhiệm đầu tàu, đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 là 6,5 - 7%; trong đó, dịch vụ tăng 6,64 - 7,23%; công nghiệp tăng 7 - 7,50%; xây dựng tăng 8 - 8,50%; GRDP bình quân đầu người đạt 160,8 - 162 triệu đồng. Bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội năm 2024 có 24 chỉ số, ngoài những con số trên, Thành phố xác định tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ 10,5 - 11,5%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 5%, chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%... Về thu ngân sách, Thành phố được giao dự toán hơn 408.000 tỷ đồng, trong đó, phần thu về đất lên tới 36.000 tỷ đồng - đều là mức cao kỷ lục.

Mặc dù các con số đều khá cao nhưng Hà Nội được dự báo vẫn sẽ hoàn thành bởi sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế Thủ đô ngày càng tốt hơn và nhất là tinh thần đổi mới, quyết tâm từ phía cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thành phố.

Dẫn chứng là năm 2023, do tác động của tình hình thế giới, nhiều lĩnh vực mũi nhọn không duy trì được tốc độ tăng trưởng. Nhưng, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Hà Nội đã tập trung phát triển mảng dịch vụ trên cơ sở khơi thông nguồn lực văn hóa, kích cầu du lịch bằng hàng trăm cuộc biểu diễn nghệ thuật, thu hút các nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến biểu diễn, tổ chức các lễ hội âm nhạc đẳng cấp, lễ hội thiết kế sáng tạo... Tỷ trọng ngành dịch vụ đã tăng lên mức trên 65% trong cơ cấu kinh tế; đóng góp tới 4,69% trong mức tăng GRDP. Nhờ đó, trong khi cả nước khó khăn, kinh tế nhiều địa phương giảm, nhưng Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% trong năm 2023 tuy chưa đạt mục tiêu của thành phố nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước là 5,05%.

Điểm mạnh này của Hà Nội sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong năm 2024.

Những giải pháp cần thiết

Trước bối cảnh nhiều thách thức, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với Hà Nội và cả nước là xác định tâm thế sẵn sàng đương đầu với những “cơn gió ngược” như lạm phát, lãi suất cho vay cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thậm chí là “xoáy ngầm” tiếp diễn dẫn đến sự ảm đạm của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán... Do đó, khâu dự báo cần chủ động hơn để kịp thời nắm bắt xu hướng, phân tích, sẵn sàng ứng phó kể cả với kịch bản xấu, điều chỉnh chính sách quản lý, điều hành linh hoạt, phù hợp gắn với thực hiện nhất quán các Nghị quyết 01 và 02/2024 của Chính phủ.

Nhóm chuyên gia của Tiến sĩ Cấn Văn Lực (Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đưa ra 5 khuyến nghị, trong đó cho rằng cần chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, tạo vốn mồi cho các nguồn vốn khác; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, cần khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - chiếm 32% GDP cả nước trong năm 2023, qua đó thúc đẩy liên kết vùng…

Riêng đối với Hà Nội, ngay sau khi UBND thành phố tiến hành giao chỉ tiêu năm 2024, UBND các quận, huyện, thị xã đã triển khai giao kế hoạch cho các đơn vị trực thuộc, phường, xã và thị trấn; đảm bảo giao đúng, giao đủ và không thấp hơn các chỉ tiêu mà Thành phố giao. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngoài yêu cầu như thường lệ từ lâu đã trở thành “khẩu quyết”, đó là bắt tay ngay vào việc từ ngay ngày đầu, tháng đầu, quý đầu, thì một giải pháp rất cần thiết khác là các đơn vị phải có ngay kế hoạch, giải pháp khắc phục tồn tại đã được chỉ ra. Thậm chí, đã có ý kiến đề xuất Thành phố và từng cấp, từng, ngành, từng địa phương nên tiến hành rà soát tổng thể những khó khăn, vướng mắc để phân loại, đề ra lộ trình, giải pháp giải quyết; có như thế thì mới gỡ được những nút thắt phát triển, mở ra cơ hội tăng trưởng cao. Yêu cầu quan trọng khác là phải tiếp tục tập trung khai thông các nguồn lực xã hội, thủ tục về đầu tư, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đối với Hà Nội là rất lớn, như Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết là cao hơn 72% so với năm 2023. Nhưng đây cũng là động lực tăng trưởng có tính mấu chốt, nên các đơn vị phải xây dựng kế hoạch giải ngân cho từng dự án, giao ban kiểm điểm tiến độ thường xuyên và kịp thời kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Điểm nhấn trong nhóm giải pháp mà Thành phố và các ngành, địa phương cần chú trọng là phát động phong trào, tạo khí thế thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đây sẽ là nguồn năng lượng tiếp thêm sức mạnh cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.